Chuyển đổi số tạo đột phá cho các di tích, bảo tàng

Ứng dụng công nghệ đồng bộ phục vụ quản lý, phát huy và khai thác giá trị di sản là xu hướng tất yếu.

 

Với sự phát triển của công nghệ, hình thức hướng dẫn tham quan, giới thiệu các sưu tập hiện vật trực tuyến hay trưng bày ảo... ngày càng phong phú, đa dạng; cho thấy xu hướng tất yếu này trong hoạt động bảo tồn, bảo tàng và du lịch.

Ứng dụng công nghệ một cách tổng thể, đồng bộ, hiện đại phục vụ quản lý, bảo tồn, phát huy và khai thác giá trị di sản, di tích đang là xu hướng tất yếu. Sự chuyển đổi này sẽ giải quyết, bổ sung hiệu quả cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục truyền bá giá trị di sản, truyền thông và thuyết minh.

Việc sử dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh đang được triển khai ngày càng nhiều tại các bảo tàng, khu di tích ở Việt Nam. Trong đó, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những đơn vị tiên phong. Bên cạnh sự thuận tiện, nâng cao trải nghiệm cho du khách, các dịch vụ, tiện ích sử dụng công nghệ còn mang đến hình ảnh hiện đại, thông minh tại một điểm di tích quan trọng của Hà Nội.

Du khách quét mã QR để đi qua cổng soát vé khi đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã triển khai mã QR cho 40 hạng mục của di tích nhằm cung cấp thông tin cho khách tham quan; xây dựng và chuẩn hóa hệ thống thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ; xây dựng cơ sở dữ liệu số 3D... Mới đây, khu di tích phối hợp với Trung tâm Thông tin Du lịch (Tổng cục Du lịch) triển khai bán và soát vé bằng với hệ thống vé điện tử, tích hợp bán vé qua ứng dụng trên thiết bị di động của du khách.

Đáng chú ý, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang "ấp ủ" một sản phẩm hoàn toàn mới, đón khách tham quan về đêm tại khu di tích với trải nghiệm công nghệ hiện đại. Theo TS. Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, du khách sẽ được thưởng thức chương trình thực cảnh tái hiện câu chuyện về lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám bằng ngôn ngữ nghệ thuật, ánh sáng, âm nhạc, kỹ xảo cùng hiệu ứng sinh động, hấp dẫn.

"Đây là sự kết hợp của yếu tố văn hóa truyền thống và có sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Chương trình diễn ra vào các ngày cuối tuần, sẽ mang lại một trải nghiệm không thể quên dành cho du khách khi đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Hà Nội" – TS. Lê Xuân Kiêu cho biết.

Mã QR chứa thông tin được gắn bên cạnh các tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Giống như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã gặt hái thành công với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Đây là nền tảng đa phương tiện (âm thanh, hình ảnh, bài viết), kết hợp sơ đồ chỉ dẫn trưng bày và hướng dẫn du khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thông qua thiết bị định vị iBeacon.

Theo TS. Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hơn cả một ứng dụng thuyết minh tự động thông thường, iMuseum VFA còn có những tính năng vượt trội như cho phép xem hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm; đọc nội dung bài giới thiệu; xác định vị trí hiện vật; xem sơ đồ hệ thống trưng bày; phân biệt các phòng đã, đang và chưa tham quan bằng màu sắc...

Chỉ với thiết bị thông minh cầm tay có kết nối Internet và trả phí tải ứng dụng, khách tham quan có thể tự do khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, trực tiếp hoặc trực tuyến mọi lúc và mọi nơi. Ra đời trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu bị tê liệt thời gian dài do đại dịch Covid-19, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vẫn duy trì đều đặn tương tác với khách tham quan, hỗ trợ du khách tìm hiểu về các hiện vật của bảo tàng này.

Ông Phạm Văn Thủy - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, giờ đây hầu như tất cả các khâu trong hành trình du lịch đều có thể được thực hiện trên môi trường số, như tìm kiếm thông tin, đặt tour và dịch vụ du lịch… Do đó, việc kết nối các di sản và danh thắng với nền tảng du lịch số là rất cấp thiết.

"Trên thực tế, phương thức bảo tồn truyền thống mặc dù rất quan trọng nhưng cũng bộc lộ các hạn chế theo thời gian. Việc số hóa các giá trị di sản và quảng bá trên các nền tảng số sẽ giúp nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, đa dạng của các địa phương trong cả nước; thông qua đó thu hút đông đảo khách du lịch - ông Phạm Văn Thủy nói.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng các bảo tàng, khu di tích, danh thắng cần nghiên cứu áp dụng hình thức bán vé tham quan trực tuyến, hỗ trợ du khách thanh toán không dùng tiền mặt tại chỗ khi mua và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ như mua đồ lưu niệm, mua nước uống, đỗ xe... Tất cả những chi tiết nhỏ khi phối hợp lại sẽ tạo nên trải nghiệm rất dễ chịu, thuận tiện cho khách du lịch./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận