Sau những đánh giá thành công của thành phố Hà Nội về tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, một số quận huyện nội, ngoại thành Hà Nội cũng đề xuất phương án mở phố đi bộ trên địa bàn, như: Phố đi bộ thành cổ Sơn Tây; phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình); Phố đi bộ Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì); Phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng).v.v…
Hà Nội, vẫn còn quá ít điểm vui chơi giải trí công cộng. Thế nên khi phố đi bộ ra đời đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Đến bây giờ, mỗi dịp cuối tuần vẫn có hàng ngàn người rủ nhau lên phố đi bộ vui chơi, tập thể dục.
Việc mở rộng không gian phố đi bộ, hay triển khai các tuyến phố đi bộ mới nằm rải rác trên địa bàn thành phố là điều cần thiết, và nên làm. Trước hết là để giúp người dân có nhiều chỗ vui chơi giải trí, không phải quá tập trung vào tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, chật chội, đông đúc; Đồng thời giúp những người ở xa có thể tiếp cận những phố đi bộ gần nơi mình ở.
Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động. Đã có nhiều người không muốn đến phố đi bộ vui chơi. Nguyên nhân thì có nhiều, ví dụ như chia sẻ của anh Quang ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Anh cho biết, khi tuyến phố đi bộ chính thức được mở, anh cũng như nhiều người dân Thủ đô rất háo hức, và đặc biệt thích thú: "Khi trải nghiệm phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm và khu vực chợ đêm thì mình thấy không gian rất vui nhộn. Có những trải nghiệm như lễ hội đường phố, ca nhạc, các bạn trẻ nhảy múa… mình thấy rất hợp với giới trẻ. Không gian ấy làm mình thấy thư giãn và rất vui"…
Tuy nhiên, anh Quang cũng cho biết, lâu lắm rồi anh không muốn đưa gia đình đến phố đi bộ chơi, bởi sự lộn xộn, mất vệ sinh, nhiều người ăn uống xả rác bừa bãi gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Anh không muốn các con nhỏ của mình vui chơi trong một không gian như thế.
Phố đi bộ, không nên hiểu chỉ là không gian để mọi người… đi bộ, mà hơn hết, nó là nơi giao lưu, vui chơi, giải trí, thậm chí là tham quan, học tập… Như tâm sự của chị Quyên ở Đống Đa, Hà Nội: Phố đi bộ là một điều tuyệt vời, đặc biệt là xung quanh Hồ Gươm. Ngày trước tôi hay lên đây chơi cuối tuần, có những hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian rất thích.
Chỉ có điều thời điểm đó xe điện hoạt động quá nhiều. Và tôi nghĩ rằng, phố đi bộ luôn hấp dẫn với mọi người, mọi người được lên vui chơi, ăn uống. Những hoạt động trải nghiệm văn hoá dân gian nên được phát huy. Đặc biệt, những sản phẩm về văn hoá truyền thống của người Việt Nam mình cần được giới thiệu nhiều hơn.
Tuần vừa qua, không gian đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm đã được Sở Văn hoá, Thể thao chọn làm nơi triển lãm những tác phẩm nghệ thuật trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo. Đây được cho là một sự kiện có ý nghĩa, nằm trong khuôn khổ hoạt động mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới do UNESCO chủ trì.
Theo như ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao thành phố Hà Nội cho biết, hoạt động này sẽ giúp người dân tiếp cận được với những sáng tạo nghệ thuật của các kiến trúc sư, nghệ sĩ. Đồng thời tạo sự hấp dẫn cho không gian phố đi bộ: Hà Nội có rất nhiều công viên, nhưng những tác phẩm nghệ thuật hội hoạ, điêu khắc, hay các điểm check-in quá ít, quá thiếu thốn về không gian công cộng cho người dân Thủ đô…
Hà Nội sắp tới đang có kế hoạch bỏ hàng rào của các công viên, để đúng ý nghĩa rằng công viên phải thuộc về người dân, hy vọng rằng sắp tới sẽ có nhiều không gian công cộng cho người dân vui chơi.
Có rất đông người dân đã đến đây để thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật sáng tạo của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, có cảm giác những người tổ chức chỉ quan tâm tới việc làm công trình thật to, hoành tráng, mà chưa thực sự đưa ra được những tác phẩm chất lượng và mới mẻ đối với người xem.
Thậm chí, theo quan sát, nhiều người chỉ đứng cạnh những công trình này chụp ảnh… check-in rồi đi, mà không hề xem hay quan tâm nó là cái gì… Dù sao thì vẫn đạt được một mục tiêu là thêm điểm check-in cho người đi chơi ở phố đi bộ…
Không gian xung quanh Hồ Hoàn Kiếm hoàn toàn là địa điểm phù hợp để mở tuyến phố đi bộ, bởi ở đây ngoài vị trí trung tâm còn tập hợp rất nhiều những di tích văn hoá, lịch sử, thắng cảnh đẹp. Nếu không biết tận dụng những điểm này thì thực sự là quá phí.
Mà thực sự, hiện nay vẫn còn quá ít những hoạt động như thế. Vào ngày cuối tuần, thành phố vẫn tổ chức những hoạt động văn hoá, tuy nhiên, có cảm giác hơi xô bồ và thiếu sự liên kết, mang tính chủ đề để có thể kéo người ta quay lại. Thậm chí rất nhiều hoạt động chỉ có tính chất để người đi bộ lên… check-in, chụp vài tấm ảnh rồi ra về.
Phố đi bộ chỉ để đi bộ?
Không phải vì dịch bệnh Covid-19 những năm vừa qua khiến phố đi bộ phải đóng cửa làm mất đi nhu cầu lên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm vào dịp cuối tuần của tôi, mà bởi vì, sau một hai lần đầu, ở những ngày mới mở, tôi đã không còn hứng thú lên đây nữa.
Ban đầu, ban tổ chức cũng chú trọng tới việc mở ra những sân chơi cho trẻ con, người lớn. Như các trò chơi dân gian, trải nghiệm một số hoạt động truyền thống, ca nhạc… Nhưng rồi cũng nhàm, và hình như sau đó dần dần biến mất.
Nhớ có lần dạo quanh phố đi bộ, thấy có khu vực các gian hàng bày bán đồ lưu niệm, ngay trước cổng Sở Văn hoá, Thể thao, tôi cũng tò mò vào xem. Vài gian hàng có những đồ thủ công, còn lại chủ yếu là đồ sản xuất hàng loạt nhập về từ nước khác. Đặc biệt có cả những gian hàng bán những sản phẩm thời trang giả thương hiệu của nước ngoài.
Mỗi cuối tuần, từ tối thứ 6 đến đêm chủ nhật, hàng ngàn người kéo nhau đổ về tuyến phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, đi quần quật, mệt thì nghỉ chân, đứng ngồi la liệt… Xong hết mỏi lại đi, rồi đói thì kéo nhau ra các phố lân cận ăn uống. Rồi về. Cái còn đọng lại duy nhất ở phố đi bộ sau những ngày cuối tuần, là Rác. Rác do người ta đi chơi ở phố đi bộ xả ra. Khổ nhất là các anh chị công nhân vệ sinh môi trường sau đó phải làm việc cật lực cả đêm thu gom hàng tấn rác thải, để trả lại đường phố sạch sẽ cho ngày thứ hai bình thường.
Vào các ngày tuyến phố đi bộ hoạt động, thời gian gần đây, chủ yếu là các sự kiện ca nhạc, chạy bộ… Thỉnh thoảng có thêm những sự kiện như hội sách, hay lễ hội sáng tạo vừa được tổ chức tuần qua. Nhưng thực sự không đem lại nhiều ý nghĩa.
Tất cả đều nhàn nhạt và chỉ gây cảm giác ngại ngùng khi bước chân vào đây bởi tập trung quá nhiều người. Điều này cũng thường lặp lại liên tục trong thời gian vừa qua.
Nếu muốn xem sách, người ta đã có hẳn một phố sách riêng được làm quy củ mấy năm trước. Nếu muốn nghe ca nhạc, có lẽ phải nghiên cứu một địa điểm tổ chức nào khác, chứ không thể dựng ở khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Mỗi lần dựng sân khấu là người ta phải làm trước vài ngày, gây cản trở giao thông là một chuyện. Nhưng hơn hết, những gia đình sinh sống quanh khu vực này thực sự là khốn khổ bởi ô nhiễm tiếng ồn mỗi khi có sự kiện ca nhạc được tổ chức. Có thể, khu vực tượng đài Lý Thái Tổ là phù hợp bởi không có nhà người dân xung quanh…
Còn nếu chạy bộ, có lẽ nên tổ chức ở nơi khác, như công viên chẳng hạn. Nhân nói về điều này, thì gần đây, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đang nghiên cứu bỏ hàng rào ở các công viên trong thành phố cho người dân vào vui chơi. Đây là một điều đáng mừng.
Đáng nhẽ, chúng ta phải nghĩ tới điều này sớm hơn. Khi mà ai cũng phàn nàn về việc Hà Nội thiếu thốn nơi vui chơi giải trí, thì các công viên, với không gian rộng rãi, cây cối xanh mát… lại bị bỏ hoang. Nếu chúng ta thay vì quá tập trung vào mở rộng không gian đi bộ thì nên đầu tư cho các công viên trong thành phố. Để người dân thêm chỗ vui chơi, hoạt động thể dục thể thao an toàn, dễ chịu mỗi cuối tuần.
Còn tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, cần phải tạo thành một không gian văn hoá đúng nghĩa hơn, như mục tiêu mà hình như ban đầu đã được ban tổ chức đặt ra./.
Theo VOV.VN