Người ta gọi những ca khúc có phần lời nhảm nhí, vô nghĩa… đang tràn lan trên mạng xã hội là nhạc rác. Điều đáng lo ngại là thứ nhạc này lại được không ít người yêu thích và nghe hàng ngày nên rất nhiều ca sỹ "đua" theo.
Ca sĩ tên tuổi cũng chạy theo nhạc rác
Thời điểm cuối năm, các ca sỹ Việt lao vào cuộc đua ra mắt sản phẩm âm nhạc mới khiến thị trường trở nên sôi động. Tuy nhiên, bên cạnh những tìm tòi sáng tạo, công chúng ngán ngẩm khi chứng kiến sự ra đời của loạt ca khúc có lời lẽ vô nghĩa. Người viết ra chúng đều là những tác giả có tiếng trong showbiz, vì thế khán giả không lý giải được tại sao họ có thể viết ra những bài hát chỉ kém "rác phẩm" không đến một gang tay.
Tất cả đứng im đánh dấu sự trở lại của Ngô Kiến Huy sau một năm im ắng, thuộc thể loại nhạc dance. Ca khúc này là một sáng tác của nhạc sỹ RIN9, nội dung là lời chất vấn của chàng trai khi phát hiện người mình yêu đang lừa dối. Tuy giai điệu bắt tai, phần thông điệp của ca khúc lại chẳng mang lại ý nghĩa gì ngoài câu: "Tất cả đứng im, không được nhúc nhích" được "nhai đi nhai lại". Câu điệp khúc này sau đó tràn lan trên các trang mạng xã hội để dân tình tạo trend nhảy nhót theo.
Sản phẩm mới khiến nhiều khán giả thất vọng, đặt dấu chấm hỏi về Ngô Kiến Huy - người có vị trí đáng kể trong thị trường nhạc, và từng thổ lộ rằng mỗi lần tái xuất của anh đều phải cho thấy sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu.
"Ừ! Thì em xin lỗi" của Hoàng Yến Chibi cũng là sản phẩm đánh dấu sự trở lại của cô sau 3 năm im ắng. Phần nhạc dễ nghe, nhưng ca từ bị phần lớn khán giả chỉ trích là nhảm nhí và vô nghĩa. Nữ ca sỹ nỗ lực PR bằng cách đưa ca khúc lên TikTok nhằm tạo trend, nhưng lại nhận về phản ứng ngược. Ngoài câu hát: "Anh muốn xin lỗi á, không dễ đâu anh" gây đau đầu, ca khúc chẳng đọng lại gì cho người nghe.
“Bài hát này được sinh ra với mục đích gì vậy?”, “Nhạc của Hoàng Yến giờ chán quá”, "Không hiểu ý nghĩa của ca khúc là gì?", "Nghe đau cả đầu"... là bình luận của khán giả khi ca khúc "chiếm sóng" suốt thời gian qua. Họ cũng thấy khó hiểu khi biết đây là tác phẩm cùa Khắc Hưng - nhạc sĩ nổi tiếng với hàng loạt bản hit đình đám.
Chi Pu thời gian qua cũng bị chê bai khi ra mắt các MV Black Hickey và Sashimi. Những sản phẩm này được nữ ca sỹ đầu tư mạnh tay về hình ảnh nhưng ca từ lại nông cạn, thậm chí có phần dung tục. Lời bài hát của Sashimi với những câu: “Sashimi kimochi/ Đồ ăn phải ngon thì anh mới thèm/ Phải tươi thật tươi thì anh mới quay lại” từng trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận.
Rẻ rúng vì dễ dãi
Tình trạng biến những lời nhảm nhí thành ca khúc không phải mới xuất hiện mà đã là vấn nạn của nhạc Việt thời gian qua. Khán giả yêu nhạc nhiều lần "muốn phát điên" khi thị trường giải trí xuất hiện những bài hát mà chỉ nghe tên đã “hết hồn” như: Ô mai chuối, Như cái lò, Mượn xe nhớ đổ xăng, Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu...
Năm 2021, MV debut của Phí Phương Anh nhận nhiều "gạch đá", bị gọi là thảm họa không chỉ vì giọng hát dù đã được xử lý vẫn như hết hơi, mà còn vì cụm từ "cắm sừng ai đừng cắm sừng em" có mặt ở tiêu đề và được nhắc đi nhắc lại trong phần điệp khúc.
Nói về bài này, nhạc sỹ ViruSs cho rằng không chấp nhận nổi khi một nhạc sỹ lại viết ra những câu ngô nghê như: "Sừng không tự nhiên sinh ra/ Sừng không tự nhiên mất đi/ Mà chỉ là chuyển từ đầu/ Người này sang đầu người khác". Gay gắt hơn, ViruSs "cầu xin" cư dân mạng ngừng chia sẻ ca khúc để tránh tình trạng nhạc Việt tràn lan ca khúc thảm họa.
Những bài hát kiểu Như cái lò, Ô mai chuối... không chỉ có ca từ vô nghĩa, nhảm nhí… mà giai điệu cũng rất phi âm nhạc. Tuy nhiên, chúng lại được lưu hành và phổ biến công khai trên nhiều phương tiện và nền tảng. Chính chất lượng "không chịu nổi" đó lại khiến các bài hát đó được nhiều bạn trẻ chia sẻ và thích thú nghe đi nghe lại để giải trí.
Khi thị trường âm nhạc bão hòa, việc nhạc sỹ, ca sỹ và cả khán, thính giả tìm đến các xu hướng mới là đương nhiên. Nhưng tìm sự khác biệt để câu khách bằng sự nhảm nhí, quái đản là một xu hướng nguy hiểm, đầu độc cả nền âm nhạc và thị hiếu công chúng. Nếu như trước đây, các bạn trẻ thường ngân nga những câu hát nhiều ý nghĩa và cảm xúc thì nay, một bộ phận không nhỏ lại xướng lên: “Ông bà già tao lo hết”, “Mượn xe nhớ đổ xăng”... Điều đáng nói, những câu khó có thể gọi là lời ca đó lại bị biến thành xu hướng "lây lan" như cỏ dại trên mạng xã hội.
Những khán giả dễ dãi khiến các bài hát vô bổ có cả triệu lượt xem. Bài hát càng nhảm, càng bất bình thường thì càng dễ được chú ý. Thực tế này khiến nhiều nhạc sỹ, ca sỹ cũng chạy theo xu hướng dung tục hóa, nhảm nhí hóa ca từ, khiến hai chữ "âm nhạc" trở nên rẻ rúng và người yêu nghệ thuật buồn lòng.
“Âm nhạc phải đẹp từ ca từ tới giai điệu"
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Chung cho rằng nếu phần lời ca khúc chỉ dừng ở sự vô nghĩa, chưa đến mức phản cảm hay thô tục thì chuyện khen hay chê tuỳ thuộc vào khán giả, nhưng sự phản cảm và thô tục thì đáng lên án.
"Việc viết những ca khúc vô nghĩa là do trình độ, phông văn hoá, khả năng ngôn ngữ và tâm hồn của nhạc sỹ, hoặc đó là lựa chọn của họ vì muốn theo trào lưu. Đó chưa phải là vấn đề đáng phê phán về đạo đức. Tôi không đánh giá về sự hay dở, chất lượng trong từng tác phẩm, nhưng tôi lên án những tiêu cực, sự phản cảm, thô tục (nếu có) trong nghề", tác giả Nhật ký của mẹ nói.
Theo Nguyễn Văn Chung, một bài hát phải đẹp từ giai điệu đến ca từ, đẹp từ nội dung ý nghĩa đến cả tựa đề, đó mới là sự hoàn mỹ. Người sáng tác phải miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, giữ gìn cái đẹp.
"Với cương vị là một nhạc sỹ, để được gọi là một bài hát thì phải có cả nội dung lẫn giai điệu. Một bài hát hay thì cần có thêm cảm xúc, sống lâu trong lòng khán giả. Với tôi, một sáng tác hay là sẽ được nghe đi nghe lại trong mỗi năm, tác động mạnh mẽ tới tâm hồn mỗi người chứ không phải chỉ gây sốt nhất thời trong thời điểm nào đó. Âm nhạc là phải đẹp từ ca từ, giai điệu đến nội dung, thậm chí cả cái tên bài hát. Dù thể loại nhạc nào cũng cần phải có giá trị nhân văn, tính nghệ thuật", nam nhạc sỹ nói.
Theo anh, việc đánh giá thế nào là một sản phẩm thành công phụ thuộc vào tiêu chí khác nhau của mỗi nghệ sỹ. Có những ca sỹ chỉ cần lên Top 1 Trending đã coi là thành công, nhiều người khác cho rằng thành công là được khắc sâu trong tim khán giả, được giới chuyên môn đánh giá cao.
Về xu hướng thay đổi cách sáng tác theo thị hiếu giới trẻ của nhiều nhạc sĩ hiện nay, Nguyễn Văn Chung nhận đinh: "Việc các nhạc sĩ trẻ thay đổi gu sáng tác để có tập khách hàng riêng là không sai. Giới trẻ hiện nay chính là đối tượng khán giả chính. Thay đổi thế nào để hợp xu hướng là lựa chọn của mỗi nhạc sĩ. Có thể khi lựa chọn thay đổi để đáp ứng thị hiếu khán giả, họ vô tình đánh mất đi điều có giá trị đối với mình, nhưng đôi khi lại đem lại giá trị cho người mình phục vụ".
"Là nhạc sỹ, tôi vẫn muốn có những ca khúc được yêu thích, lan toả rộng rãi. Tôi cũng đang suy nghĩ đến việc thay đổi xu hướng theo cái khán giả thích, nhưng phải cân bằng giữa xu thế và cái tôi của mình trong nghệ thuật. Điều quan trọng là cái chất riêng trong sáng tác của mình vẫn không được để mất", nhạc sỹ nói thêm./.
Ngọc Thanh/VTC News