Một không gian tràn ngập những con vật: chuột, rùa, chim, cá sấu... cùng nhiều thế hệ đang ngồi quây quần làm việc cười nói rôm rả - là cảnh đẹp phóng viên VOV ghi nhận được ngay khi đặt chân đến cơ sở sản xuất đồ chơi dân gian “Út Truyền”, ở số 192/PT, Bình Thường B, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ vào những ngày giáp Tết.
Chủ cơ sở sản xuất đồ chơi dân gian ấy tên đầy đủ là Đặng Thị Ly. Út Truyền là tên chồng bà - tên đầy đủ là Nguyễn Văn Truyền, cũng là người dẫn dắt và truyền nghề cho bà, để bây giờ bà là người thổi hồn cho những món đồ chơi an toàn, thủ công, đậm đà văn hóa dân gian.
Cầm trên tay con chuột màu hồng đang được tô điểm phần mắt, bà Đặng Thị Ly chia sẻ: "Hồi đó chồng tôi làm rồi chỉ lại tôi. Nghề thủ công của ổng học giỏi rồi về ổng tự suy nghĩ ra làm. Mới đầu ổng làm con rùa, sau làm con chuột, từ từ làm con cá sấu, con heo, có mấy con xe đẩy bồ câu… Sau đó chia ra mấy anh em người làm một con để dễ đi bán. Hồi xưa đi bán vui, đi lần mười mấy người. Trước giờ bán vẫn được, mấy chục năm bán vẫn được, có người mua chơi đã xong giờ mua cho con chơi".
Chữ “hồi đó” trong câu nói của bà Ly thế mà ngót nghét đã hơn 25 năm. Những con vật đồ chơi bé xíu xinh xắn, tinh xảo, đầy huyền diệu đã thể hiện rất nhiều tâm huyết, sức sáng tạo của gia đình bà. Chỉ bằng những nguyên vật liệu đơn giản như: mực đen, xốp đủ màu, đất sét khô, kẽm… nhưng qua đôi tay khéo léo, lành nghề của từng người trong cơ sở sản xuất “Út Truyền” đã tạo nên những con vật ngộ nghĩnh.
Để đảm bảo hơn tính an toàn, bà Ly cho biết, nguyên liệu xốp được gia đình đặt mua ở Long Xuyên (An Giang), còn sơn, bút lông, kẽm… được bà mua ở chợ; con lăn bằng đất sét trắng được chồng bà lấy dưới con sông trước nhà và đem lên nặn, phơi khô dưới ánh nắng quê hương.
Tình yêu đồ chơi dân gian của vợ chồng bà Đặng Thị Ly - Nguyễn Văn Truyền đã lan tỏa đến hết thành viên trong gia đình hai bên. Ông Nguyễn Văn Hậu - anh trai của ông Nguyễn Văn Truyền cho biết đã học nghề này khoảng vào năm 2000 từ người em của mình. Những năm đó, khi đồ chơi điện tử vẫn còn là một điều xa xỉ thì đồ chơi dân gian đầy màu sắc chính là món quà giải trí quý giá của trẻ con. Sau thời gian học hỏi, ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Bé Ba đã sáng tạo được nhiều con vật khác nhau như mèo, trâu, vịt, bồ câu,... có thể di chuyển, tạo ra âm thanh vui tai.
Ông Nguyễn Văn Hậu bồi hồi: "Hồi xưa các bé cũng lại xóm này kéo đồ chơi dân gian, thấy không khí phấn khởi, vui vẻ, hạnh phúc. Tết đến thì vợ chồng tôi làm số lượng nhiều hơn, mong mọi người có cái Tết vui vẻ, đặc biệt khơi gợi lại hình ảnh Tết ngày xưa thông qua những con vật làm thủ công này".
Tiếp lời chồng mình, bà Nguyễn Thị Bé Ba chia sẻ, trong năm mỗi ngày vợ chồng bà vẫn bán được cho khách từ vài chục con, mỗi con dao động từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng. Thời điểm Tết Nguyên Đán, vợ chồng bà làm nhiều hơn và đem đi bán ở các địa điểm vui chơi cộng đồng: "Trong dịp Tết vẫn bán bình thường, bán ở chợ, ở trường mẫu giáo hoặc đi lô bông bày bán. Người ta vẫn mua con vật thủ công này rất nhiều. Tôi làm trong dịp Tết thấy không khí vui vẻ, phấn khởi lên vì buôn bán được".
Ở Cần Thơ, vào dịp Tết đến, không khó bắt gặp đồ chơi dân gian bày bán ở các khu điểm du lịch. Đồ chơi điện tử đẹp nhưng không an toàn, lại đắt nên vẫn có nhiều phụ huynh chọn các sản phẩm thủ công cho con chơi. Trưng bày gian hàng đồ chơi dân gian tại không gian “Sắc Xuân miệt vườn” ngay Bảo tàng thành phố Cần Thơ, bà Phan Thị Thu Thủy, ở quận Bình Thủy cho biết: "Tết hay ngày thường đều bán chạy, cứ làm xong 300 - 400 con thì mình bắt đầu đi bán, bán hết thì về làm mấy trăm con bán nữa".
Đồ chơi dân gian thường gắn liền với những trò chơi dân gian mang tính cộng đồng, bằng hữu và cộng cảm. Bởi thế, nó đã đi qua bao thế kỷ, bao thời đại góp phần tạo nên ký ức tuổi thơ tươi đẹp của nhiều thế hệ. Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều đồ chơi công nghệ ra đời, nhưng đồ chơi dân gian vẫn có một vị thế quan trọng trong đời sống tinh thần người dân Cần Thơ. Mỗi độ Tết đến, Xuân về, những con vật ngộ nghĩnh đơn giản nhiều màu sắc lại tô điểm cho không gian xuân thêm đặc biệt, gợi lại trong lòng thế hệ trước một cái Tết xưa và tiếp lửa cho thế hệ trẻ tình yêu nét văn hóa truyền thống của dân tộc./.
Theo VOV.VN