Mùa lễ hội 2023: Nhiều chuyển biến tích cực

Với việc tăng cường các biện pháp quản lý, tổ chức, mùa lễ hội Xuân 2023 đã diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh.

 

Sau 3 mùa lễ hội (2020, 2021, 2022) phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mùa lễ hội 2023 trở lại với sự gia tăng đột biến về số lượng người tham gia. Tuy nhiên, với việc tăng cường các biện pháp quản lý, tổ chức, mùa lễ hội Xuân 2023 đã diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh.

Đông nhưng không lộn xộn

Những ngày cao điểm của mùa Lễ hội Xuân Quý Mão 2023 đã đi qua. Đến thời điểm này, hầu hết đã khai hội, thu hút đông đảo nhân dân tham gia nhưng đều diễn ra an toàn, đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng, vui xuân của nhân dân.

Mặc dù lượng du khách đến lễ hội rất đông nhưng Lễ hội Đúc Bụt diễn ra an toàn, tươi vui, lành mạnh.

Trở lại sau 3 mùa phải tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, mùa Lễ hội Xuân 2023 được đánh giá là dịp bùng nổ nhu cầu trảy hội vui xuân. Kể từ ngày 4 tháng Giêng, nhiều lễ hội truyền thống được khai mạc. Những lễ hội tập trung đông người nhất như: Lễ hội chùa Hương; Hội xuân chùa Yên Tử; Lễ hội đền Trần... đều có hàng vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn lượt khách tham gia mỗi ngày, tuy nhiên, vẫn đảm bảo được an toàn, an ninh trật tự, không có hiện tượng chen lấn lộn xộn, tranh cướp lộc, không có hình ảnh phản cảm.

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban Quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (Hà Nội) cho biết, Lễ hội chùa Hương năm 2023 được tổ chức với chủ đề “An toàn, văn minh, thân thiện”. Điểm đổi mới năm nay đó là việc bán vé tham quan, xuồng đò được chuyển sang bán vé điện tử. Ngày khai hội đón khoảng trên 4 vạn lượt khách tham quan nhưng không có hiện tượng chen lấn, ùn tắc. “Chúng tôi in vé hóa đơn điện tử và lắp đặt hoàn thiện mới hệ thống kiểm soát vé qua QR Code với 10 lối kiểm soát vé. Dịch vụ xe điện được thí điểm phục vụ đưa, đón du khách theo 3 hướng tuyến: Từ bến xe Hội Xá đến bến đò Yến Vỹ, từ bến xe Đục Khê đến bến trượt Đồng Cừ (đối diện Đền Trình) và từ bến xe đường số 1 đến bến đò chùa Tuyết Sơn cho nên hạn chế được tình trạng tắc nghẽn”, ông Hiển cho hay.

Cũng trong ngày mùng 6 tháng Giêng, hàng vạn người đã đến Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (Hà Nội) để tham gia Lễ hội đền Sóc xuân Quý Mão. Sau khi làm lễ tại đền Thượng, giò hoa tre và trầu cau cung tiến đức Thánh Gióng đã được san sẻ đưa về đền Hạ và đền Mẫu để phát lộc cho du khách đúng với quy trình của lễ hội như đã cam kết với UNESCO, không có hiện tượng cướp lộc tre, chen lấn xô đẩy tranh cướp lộc.

Hàng chục ngàn du khách trong ngày khai hội Chùa Hương 2023.

Còn đối với Lễ hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ) diễn ra ngày 12-13 tháng Giêng (tức 2-3/2/2023) với phần lễ được thực hiện theo nghi thức truyền thống; phần hội có nội dung tổ chức đánh Phết chỉ diễn tái hiện cảnh luyện tập võ nghệ cho quân sĩ của Nữ tướng Thiều Hoa và các hoạt động văn nghệ, không tổ chức cướp Phết.

Công tác tuyên truyền, quản lý đạt hiệu quả

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, VH-TT&DL), triển khai Chỉ thị 274 của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL về Tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch, ngay từ tháng 10/2022, Cục Văn hóa cơ sở đã tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát công tác tổ chức, quản lý lễ hội, các điểm di tích gắn với tổ chức lễ hội ở địa phương. Với một số địa phương có những hoạt động lễ hội còn hiện tượng gây tranh luận trái chiều trong việc tổ chức các lễ hội trước đây, như: Lễ hội Đúc Bụt, chọi trâu ở Hải Lựu… ngoài việc kiểm tra, Cục đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ trưởng, những quy định của Nghị định 110, sớm thành lập ban tổ chức, xây dựng kịch bản, phương án tổ chức các hoạt động lễ hội một cách khoa học và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân.

Năm nay BQL, BTC Lễ hội Chùa Hương bán vé tham quan, xuồng đò bằng vé điện tử.

PGS.TS Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, chia sẻ: “Một thành phần quan trọng góp vào thành công của công tác tổ chức tốt lễ hội năm 2023 chính là khâu quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách bài bản, hấp dẫn, tạo sức hút và tiếng vang cho lễ hội. Đồng thời cũng có những khuyến nghị, cảnh báo về việc tuân thủ nội quy, quy chế đã được tuyên truyền, tạo ra hiệu ứng tốt trong cộng đồng. Về cơ bản, những lễ hội đã diễn ra trong khoảng 2 tuần đầu tháng Giêng năm nay đảm bảo tuân thủ quy định, an toàn và ý nghĩa”.

Đúng như dự báo, hầu hết các Lễ hội Xuân Quý Mão đều rất đông người. Các địa phương đã xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, một số hiện tượng trước đây tạo dư luận chưa tốt, tạo cái nhìn tiêu cực về lễ hội thì năm nay cũng đã có giải pháp khắc phục. Trong các văn bản chỉ đạo hướng dẫn, Bộ VH-TT&DL đã đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết, có phương án cụ thể, đặc biệt về công tác phối hợp, diễn tập trong các tình huống có thể phát sinh để mùa lễ hội diễn ra an toàn, vui tươi, tiết kiệm.

TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, nhận định: Mùa lễ hội Xuân Quý Mão 2023 đã đi qua quãng thời gian cao điểm với nhiều chuyển biến tích cực. Những “điểm nóng” trong các mùa lễ hội trước đây đang dần khắc phục bất cập, biến tướng để trở về với giá trị cội nguồn, bản sắc.

Sự thay đổi trong ý thức của người đi lễ phần nào là nguyên nhân của những biểu hiện tích cực, hoặc tiêu cực tại lễ hội. Qua công tác tuyên truyền, năm nay người đi lễ đã có những chuyển biến rất rõ, không còn nhiều hiện tượng người dân sắm đồ lễ lãng phí chỉ vì tâm lý mâm cao cỗ đầy, trần sao âm vậy, vàng mã đốt vô tội vạ... Tại nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo cũng không còn tổ chức các đàn lễ dâng sao giải hạn thu hút đông người như trước. Nhiều sư trụ trì cho rằng, đó là biểu hiện của mê tín dị đoan, không phải của đạo Phật. Những phát ngôn, tuyên truyền này có tác động tốt đến tâm lý người dân, khắc phục biến tướng, giảm tiêu cực trong lễ hội./.

“Sự ra đời của Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ do Bộ Tài chính ban hành tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tiền công đức tại các di tích, cơ sở thờ tự. Qua đó, xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng. Ví dụ, tại đền ông Hoàng Bảy (Bảo Hà, Lào Cai) từ khi thành lập mô hình BQL di tích mới đã thu đến 45 tỉ đồng, mà cách đây khoảng 10 năm, con số này chỉ khoảng 2,5 - 3 tỉ. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải giám sát chặt chẽ theo các quy định tại Thông tư, nếu không thì tiền công đức vẫn sẽ được quản lý theo kiểu “tiền chùa” như trước kia”.

TS Trần Hữu Sơn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận