John Bột Nhào và câu chuyện ước mơ

John Bột Nhào (tên gốc: John Dough and the Cherub) là câu chuyện của ước mơ, nỗ lực vượt qua nghịch cảnh của nhân vật và của dịch giả Vũ Hoàng Dương.

 

Cuộc phiêu lưu của bác bánh gừng...

Một chiếc bánh gừng biết nói, biết cử động, biết suy nghĩ, có cảm xúc nhờ thấm đẫm Linh Dược là điều mà không ai có thể hình dung được. Nhưng ở bộ sách John Bột Nhào gồm 2 tập, các bạn trẻ không những có thể "gặp" nhân vật này, mà còn có thể "cùng" bác ta phiêu lưu lên rừng, xuống biển, vượt qua bao nghịch cảnh, để cuối cùng sống hạnh phúc, an vui bên những người bạn thân thiết của mình. John Bột Nhào không chỉ đơn thuần là truyện phiêu lưu, giả tưởng dành cho thiếu nhi, mà còn mang lại tinh thần vui vẻ, tích cực cho người đọc, ngay cả khi đã trưởng thành. Cuốn sách hấp dẫn bởi lối dịch kỹ càng, trau chuốt về mặt ngôn ngữ cũng như lời lẽ dung dị, gần gũi thể hiện một thái độ làm việc nghiêm túc của dịch giả.

Theo Vũ Hoàng Dương, anh chọn dịch John Bột Nhào từ sự đồng cảm sâu sắc với nhân vật chính - bác John, một chiếc bánh gừng hình người thạo nhiều ngôn ngữ, tính tình thú vị, nhưng lại như "một chiếc bánh mới ra lò" khi bước vào cuộc đời thực, gặp gỡ những con người thực với đủ cung bậc tính cách, cảm xúc: tốt có, xấu có, nhân hậu có, ác độc có. Chính sự non nớt ấy đưa bác đến với những miền đất mới và trải qua vô số chuyện dở khóc dở cười. Năng lực thành thạo mọi thứ tiếng và lối ứng xử hòa nhã đã giúp John Bột Nhào giải quyết các thách thức một cách khéo léo, ngay cả trong những tình huống oái oăm. Nghịch cảnh dần dần khiến John trở nên cứng cỏi, biết đương đầu, sẻ chia và hi sinh thay vì cứ trốn chạy trong sợ hãi, nhờ đó có được kết thúc đẹp cho mình và bạn bè.

Bộ sách John Bột Nhào

Vũ Hoàng Dương chia sẻ: "Nếu coi hoàn cảnh khó khăn và thiệt thòi là động lực thì ở một góc độ nào đó, cả tôi và bác bánh gừng phải cảm ơn cuộc sống".

...Và cách làm sách chuyên nghiệp

Vốn đam mê văn học từ nhỏ, Vũ Hoàng Dương từng thả hồn vào những tác phẩm văn học dịch nổi tiếng như Cánh buồm đỏ thắm, thơ Puskin, Bố già... và tinh tế nhận ra sự khác biệt ở nguyên bản và các bản dịch sang tiếng Việt.

Đang theo học ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam, do hoàn cảnh, Dương buộc phải lựa chọn để nhận một học bổng toàn phần du học Trung Quốc, đủ đảm bảo cuộc sống của lưu học sinh, toàn tâm toàn ý vào việc học. Trước khi tốt nghiệp ở Trung Quốc, anh đã học thêm tiếng Hàn và giành được học bổng toàn phần bậc thạc sĩ tại Hàn Quốc.

Dịch giả Vũ Hoàng Dương

Bốn năm tại Trung Quốc, thư viện là nơi Vũ Hoàng Dương say sưa với nguyên tác tiếng Trung truyện Lỗ Tấn, thơ Đường, tứ đại danh tác Trung Quốc...Niềm say mê ấy đã tặng cho anh điểm 9/10 ở môn thi Ngữ Văn Đại Học cùng sinh viên bản địa. Sang Hàn Quốc học cao học, thư viện trường rộng lớn lại là điểm đến quen thuộc với những bộ tiểu thuyết hiện đại Hàn Quốc.

"Tài sản" sau gần 7 năm cặm cụi trên giảng đường xứ người là điểm tuyệt đối TOIEC 990/990, tiếng Trung, Hàn trình độ dịch cabin, cùng lời mời của các tập đoàn lớn. Quan trọng hơn, Dương hiểu rõ phương thức dụng từ uyển chuyển của các ngôn ngữ, là hành trang giúp anh biến đam mê văn học thành hiện thực.

Đọc John Bột Nhào, ít người nhận ra người dịch không phải là "dân trong nghề" bởi sự chỉn chu tới từng chi tiết nhỏ. Vũ Hoàng Dương cho biết, John Bột Nhào là đứa con tinh thần đầu lòng, nên anh muốn chính đôi tay mình phải được nhào nặn và chăm chút như cách mà ông thợ làm bánh tài hoa Jules Grogrand đã tạo ra bác bánh gừng John Bột Nhào. Bởi vậy, không chỉ cặm cụi dịch sách, Dương còn quán xuyến tất cả những gì có thể làm được trong khâu hậu cần như chế bản, làm bìa, dàn trang…

Cùng với bản in, Vũ Hoàng Dương còn đầu tư làm sách nói John Bột Nhào như món quà tặng độc giả yêu thích.

Bộ sách như món quà tinh thần thú vị gửi đến độc giả

Trong lời tựa tác phẩm John Bột Nhào, TS. Diêu Lan Phương (Giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã viết: “Tôi thật sự trân quý người dịch cuốn sách này - Vũ Hoàng Dương, bởi trước hết anh ấy đã chọn một tiểu thuyết tuyệt vời của L. Frank Baum, đã chuyển ngữ một cách giản dị, sống động, nghiêm túc, đã giúp cho độc giả Việt Nam được tiếp cận thêm một cuốn sách kinh điển. Và tôi tin là nó sẽ chạm đến tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta vui vẻ, bất ngờ và tự do hơn!”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận