Ngày 26/3, tại TP. Cần Thơ, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (Hội VHNT các DTTS) tổ chức Hội nghị “Công tác Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nam Bộ”. Tham dự có Chi hội VHNT các DTTS trong vùng như Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long, An Giang, Trà Vinh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhìn lại chặng đường phát triển VHNT các DTTS hiện nay, các giải pháp chính sách phát triển bền vững văn hóa, VHNT các DTTS trong bối cảnh hội nhập ở vùng Tây Nam bộ. Đặc biệt, các đại biểu dành nhiều thời gian đánh giá thực trạng hoạt động VHNT của các Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam khu vực Tây Nam bộ trong thời gian qua.
Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng khu vực Tây Nam bộ là nơi sinh sống của đồng bào các DTTS Khmer, Hoa, Chăm, là vùng đất màu mỡ cho sự phát triển của các loại hình nghệ thuật nhất là các loại hình nghệ thuật lấy chất liệu từ văn học dân gian của các DTTS. Tuy nhiên, thời gian qua việc đầu tư phát triển lĩnh vực văn học vẫn còn bỏ ngỏ, chưa phát triển đúng tầm vì thiếu sức người sức của; các tác phẩm chưa được phổ biến rộng rãi vào đời sống đồng bào, chưa đi sâu vào tầng lớp trẻ, học sinh - sinh viên...
Để VHNT các DTTS ngày một khẳng định vị thế, phát huy tính độc đáo trong nền văn học Việt Nam, các đại biểu đề xuất cần có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ các hoạt động VHNT các DTTS. Cụ thể, Hội VHNT các DTTS Việt Nam cần mở các trại viết, lớp bồi dưỡng sáng tác, những hội thảo, hội nghị chuyên đề; phối hợp mật thiết với các hội VHNT địa phương để các hoạt động được tăng cường vừa sâu, vừa rộng.
Có chính sách đầu tư, khuyến khích người viết để có thêm những sáng tác hay, đặc sắc về chính quê hương, con người dân tộc mình; Tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác về đề tài DTTS, đưa văn nghệ sĩ là người DTTS đi thực tế sáng tác, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế để bám sát đời sống đồng bào.
Bàn về giải pháp phát triển VHNT các DTTS vùng Tây Nam bộ, ông Thạch Đờ Ni, Chi Hội trưởng Chi hội VHNT các DTTS tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, chi hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó hoạt động xuất bản quảng bá các tác phẩm VHNT dưới dạng song ngữ hoặc đa ngữ được đánh giá tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Chi hội cũng luôn nỗ lực để sưu tầm được những tác phẩm dân gian giá trị, in ấn và dịch qua nhiều thứ tiếng. Song song đó, khi có đủ điều kiện sẽ sân khấu hóa các tác phẩm, làm mới để tiếp cận được với đa dạng các đối tượng hơn, đặc biệt là giới trẻ.
“Ở Bạc Liêu có các anh em sáng tác bằng tiếng Khmer chỉ quảng bá trong cộng đồng đồng bào dân tộc Khmer. Các tác phẩm xuất bản được quỹ bảo trợ tác phẩm của Chính phủ hỗ trợ, quỹ sẽ trả một phần nhuận bút và tác phẩm in ấn sau đó bảo trợ sẽ tuyên truyền, phát hành trong cả nước. Bạn đọc có thể lên trang Thư viện quốc gia truy cập và quảng bá lên toàn quốc”, ông Thạch Đờ Ni cho biết.
Ngoài khó khăn nguồn lực sáng tác, in ấn, bà Trúc Linh Lan, Chi Hội trưởng Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam TP Cần Thơ nêu thực trạng việc Chi hội rất khó triển khai các hoạt động sinh hoạt chuyên đề cho hội viên, tổ chức đi thực tế sáng tác, thúc đẩy hội viên trẻ sáng tác và hỗ trợ in tác phẩm… do những quy định thắt ngặt về tài chính. Bà Trúc Linh Lan mong rằng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam ghi nhận những khó khăn trong thực tế hoạt động của các chi hội địa phương để đề xuất lên Trung ương, nhằm có cơ chế thoáng hơn về chính sách tài chính, khuyến khích các hoạt động của chi hội phát triển.
Ông Nông Quốc Bình, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam nhận định, sau hơn 30 năm hình thành, hoạt động với những thành tựu, dấu mốc đáng ghi nhận, Hội VHNT các DTTS Việt Nam đã và đang đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng cũng như xây dựng nền văn hóa mới, con người mới.
Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu, tôn chỉ của Hội vẫn tiếp tục bảo tồn những giá trị truyền thống; đồng thời xác định nhiệm vụ cấp thiết là tôn trọng và tạo điều kiện phát huy tối đa những giá trị tốt đẹp của mỗi dân tộc. Bên cạnh đó, những hạn chế sức người sức của là chuyện bất cập cần nhiều yếu tố để có thể giải quyết nhưng Hội sẽ cố gắng tổ chức các chương trình, các sân khấu, hội diễn về giá trị nghệ thuật dân gian đến đông đảo độc giả, khán thính giả.
“Hạn chế lớn nhất hiện tại là mức độ tuyên truyền, phổ biến, quảng bá tác phẩm. Hội cũng đang có Đề án mà Đảng và Nhà nước giao cho là “Phổ biến và quảng bá các giá trị VHNT các DTTS”. Đặc biệt đối với vùng Tây Nam Bộ, vốn văn hóa dân gian như Dù kê của đồng bào dân tộc Khmer và một số văn hóa quan trọng. Thời gian sắp tới, từ năm 2025 – 2030 Hội cố gắng làm sao giới thiệu được một phần các giá trị văn hóa đó”, ông Bình nêu kế hoạch.
Đẩy mạnh sự quan tâm đúng mức của các bạn trẻ DTTS về trách nhiệm gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, VHNT đặc thù của dân tộc mình cũng như bắt đầu chặng đường phổ biến và quảng bá tác phẩm VHNT các DTTS, vào đầu tháng 4 tới, Hội VHNT các DTTS Việt Nam sẽ phối hợp với Hội sân khấu Việt Nam tổ chức Hội diễn quy mô lớn về giá trị văn học dân gian Tây Nam Bộ./.
Hồng Phương/VOV-ĐBSCL