Nhiếp ảnh Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, khó khăn

Hiện nay, nghề nhiếp ảnh đang phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn như việc cạnh tranh thị trường, vấn đề bản quyền, chuyên môn…

 

Hiện nay, nhiếp ảnh được đánh giá là một trong những nghề có tiềm năng bởi nghệ thuật nhiếp ảnh đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội. Tuy nhiên, nghề nhiếp ảnh đang phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn như việc cạnh tranh thị trường, vấn đề bản quyền, chuyên môn…

Chỉ ra những thách thức trong nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam chưa có thị trường đúng nghĩa cho ngành này khi hoạt động quảng bá, triển lãm thưa thớt khiến công chúng không có nhiều cơ hội tìm hiểu và quan tâm các tác phẩm nhiếp ảnh. Cùng với đó, các nghệ sỹ nhiếp ảnh còn gặp khó khăn trong vấn đề bản quyền, khi người khác chụp lại những bức ảnh y hệt ảnh gốc, thậm chí đẹp hơn và rao bán với mức giá cao hơn.

Sự tùy tiện của một bộ phận nhiếp ảnh trẻ trong việc sáng tạo nghệ thuật cũng đang đặt ra nhiều thách thức trong việc xây dựng đội ngũ nhiếp ảnh trẻ chuyên nghiệp. Đặc biệt sự xuất hiện của những phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để vẽ ra một bản sao tác phẩm đang là mối đe dọa với các nhiếp ảnh gia.

Nghề nhiếp ảnh đang phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn như việc cạnh tranh thị trường, vấn đề bản quyền, chuyên môn… Chị Lê Hương Mi, giảng viên nghệ thuật cho rằng, mọi người rất dễ bị nhầm giữa hình ảnh và tác phẩm nhiếp ảnh: "Hình ảnh thì bạn chụp xong bạn nhìn trên màn hình là đủ rồi nhưng tác phẩm cuối cùng hoàn thiện thì mình nghĩ là những bạn thực hành hoặc muốn thực hành phải suy nghĩ rất thấu đáo. Có lẽ có rất nhiều bạn có hình ảnh đẹp đăng lên instagram, facebook hay bất cứ thứ gì. Nhưng nếu các bạn muốn làm một người thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật một cách chuyên nghiệp thì các bạn phải nghĩ rằng cái thể dạng tồn tại cuối cùng là gì".

“Ngày xưa ảnh là ảnh đen trắng nên người ta làm rất kĩ từng li từng tí một, từ khâu chọn, cân chỉnh trên máy rồi  chụp, rồi in phóng rửa phim nó rất kĩ càng, nên người ta rất trân trọng bức ảnh, rất quý từng bức ảnh, còn bây giờ ra nhiều quá thì như thế nào cũng được” - ông Phạm Mạnh Chính, người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh chia sẻ. 

Với những người trẻ khi theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh chuyên nghiệp gặp không ít khó khăn, như chia sẻ của một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi: “Khi mới bước vào con đường nhiếp ảnh thì khó khăn đầu tiên của em là về mặt thiết bị, máy ảnh là một chuyện nhưng mà cái quan trọng hơn đó là cái ống kính, cái lens, chưa có điều kiện để sở hữu những ống kính phục vụ tốt cho quá trình chụp ảnh của mình. Cái khó khăn thứ 2 là kinh nghiệm, kinh nghiệm ít ỏi, hiểu biết hạn chế thì mình chưa thể nào cho ra những bức ảnh được ưng ý”.

Với những người trẻ khi theo đuổi nghệ thuật nhiếp ảnh chuyên nghiệp gặp không ít khó khăn.Theo bà Dương Thu Hằng - Giám đốc Hanoi Studio Gallery, để chụp được những bức ảnh xuất sắc, vừa có giá trị nghệ thuật, vừa có giá trị nhân văn, nhiếp ảnh gia phải trải qua một thời gian dài học nghề và phát triển kỹ năng. Do vậy, để tạo nên đội ngũ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cần phải tổ chức các lớp học cơ bản, các lớp học truyền nghề, giao lưu và học hỏi giữa các thế hệ nhiếp ảnh: “Phải có những lớp học, những cuộc thi. Có những lớp học cơ bản, những lớp học truyền nghề, lớp học truyền cảm hứng, và có những chỉ dẫn để những bạn trẻ hoàn thiện kỹ năng, cách nhìn, cách tư duy của mình thì mới có những tác phẩm về nhiếp ảnh đầy nghệ thuật được” - Giám đốc Hanoi Studio Gallery nhấn mạnh. 

Là người có nhiều dấu ấn riêng biệt trong nhiếp ảnh bằng việc thực hành các kỹ thuật hình ảnh và bản in vô cùng độc đáo, nhiếp ảnh gia Phạm Tuấn Ngọc cho rằng, để nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam phát triển cần sự quan tâm và đầu tư từ nhiều phía: “Nhiếp ảnh Việt Nam có tiếng nói riêng. Trong tất cả mọi thứ không phải chỉ lĩnh vực nhiếp ảnh đều cần phải có những người thực hành chuyên nghiệp, cam kết cố gắng và có sự ủng hộ từ phía khán giả, cộng đồng. Đồng thời có sự hỗ trợ từ chính sách, luật pháp và các nhà bảo trợ. Tất cả mọi thứ cộng lại thì mới phát triển lên được”.

Một số chuyên gia cho rằng, nghệ sĩ nhiếp ảnh cần đa dạng các hình thức sáng tạo nhiếp ảnh. Thay vì e ngại trí tuệ nhân tạo AI đạo nhái tác phẩm thì nghệ sĩ nên học hỏi, nắm bắt xu hướng công nghệ để áp dụng vào công việc của mình. Chính sự tiếp nhận và phát triển các hình thức biểu đạt đa dạng trong nhiếp ảnh sẽ mở rộng phạm vi phản ánh, phạm vi biểu hiện, nội dung ý tưởng trong một bức ảnh, giúp các nhiếp ảnh gia có thể làm được những điều tưởng như là không tưởng bằng ngôn ngữ ảnh./.

Phương Anh/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận