Cái tin này khiến cộng đồng làm phim Việt lên cơn sốt. Nó tiếp thêm cho họ niềm tin sau năm 2022 ảm đạm.
Kêu gọi vốn thành công mới có phim đoạt giải
Bởi không dễ để một Liên hoan phim (LHP) danh giá như Cannes trao giải cho 2 người châu Á, 2 người gốc Việt, trong cùng một năm lại càng hiếm. Một số người thuộc giới làm phim Việt cho rằng, việc Cannes tôn vinh Trần Anh Hùng lần thứ hai là một sự khẳng định ông đã nằm trong số những tên tuổi hàng đầu thế giới. Với Phạm Thiên Ân, giải thưởng Camera Vàng cho phim dài đầu tay Bên trong vỏ kén vàng mở ra tương lai hứa hẹn cho chàng trai sinh năm 1989. Anh có cơ hội tiếp bước Trần Anh Hùng đứng trong hàng ngũ những đạo diễn phim nghệ thuật được thế giới trọng vọng.
Càng vui với thành tựu của Trần Anh Hùng và Phạm Thiên Ân, chúng ta không khỏi băn khoăn cho các nhà làm phim trong nước. Sau khi nhận giải, Thiên Ân tâm sự: "Giải thưởng phim ngắn tôi có được tại Cannes 2019 giúp ích rất nhiều cho việc thực hiện Bên trong vỏ kén vàng. Nó giúp tôi nhận được những khoản kinh phí quý báu cho sản xuất bộ phim, đặc biệt ở giai đoạn tiền kỳ. Tôi được các quỹ điện ảnh biết tới, họ rót kinh phí cho dự án Bên trong vỏ kén vàng. Trong đó, nhiều nhất là một quỹ tại Singapore với khoảng 30% kinh phí. Tiếp đến là hai quỹ khác, mỗi quỹ khoảng 15 - 10% kinh phí. 40% còn lại cộng gộp từ nhiều đơn vị ở Việt Nam".
Với các nhà làm phim trẻ theo đuổi dòng phim nghệ thuật hướng đến các LHP quốc tế như Phạm Thiên Ân, khó khăn lớn nhất với họ là kinh phí sản xuất phim dài đầu tay. Phim nghệ thuật doanh số thường không cao như dòng phim thương mại. Nếu đặt bài toán lợi nhuận, không nhiều nhà đầu tư đủ tin tưởng rót cả đống tiền cho việc sản xuất phim điện ảnh nghệ thuật, bởi khó lường trước được sự rủi ro.
Hãy nhìn doanh số hơn 4 tỷ đồng của phim Tro tàn rực rỡ là hiểu! Đây là phim nghệ thuật do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - thầy của nhiều nhà làm phim trẻ Việt Nam hiện nay - thực hiện. Ngay cả với thương hiệu đạo diễn như Bùi Thạc Chuyên, thêm kịch bản chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, vậy mà doanh số phim chỉ bằng số lẻ so với những tác phẩm của Trấn Thành hay Vũ Ngọc Đãng. Người trong cuộc sẽ hiểu, Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng theo đuổi dòng phim thương mại, công thức làm phim khác với Bùi Thạc Chuyên. Doanh số phim không minh chứng cho việc: Bùi Thạc Chuyên không giỏi bằng Trấn Thành hay Vũ Ngọc Đãng.
Cần lắm quỹ điện ảnh
Thực tế, phim nghệ thuật hướng đến các LHP luôn khó khăn khi gọi vốn. Năm 2022, Nhã Uyên (biên kịch - nhà sản xuất - nữ chính phim Đêm tối rực rỡ) từng tâm sự: "Em phải cảm ơn các “nhà đầu tư thiên thần” đã tin tưởng tụi em. Em và anh Aaron mất 2 năm loay hoay đủ cách kiếm kinh phí làm phim mà không đủ. Tới lúc tuyệt vọng quá, tụi em đã nghĩ hay là quay về Mỹ (Aaron Toronto là người Mỹ) để thử tìm kiếm cơ hội bên đó. Rất may mắn là ngay khoảnh khắc tụi em đang chờ ở sân bay thì cuộc gọi của một "nhà đầu tư thiên thần" đến. Đó là một người bạn của em, bạn nói thôi cứ cầm tiền mà làm, đừng lo nghĩ gì cả".
Với điện ảnh thế giới, sự tồn tại của các quỹ đầu tư phim là hết sức ý nghĩa trong việc phát hiện, nâng đỡ các tài năng điện ảnh mới. Khi bạn chưa là ai cả, có người nhìn ra/tin tưởng tài năng, sẵn sàng đầu tư mạo hiểm cho bạn làm phim dài đầu tay, đó là điều cực kỳ đáng quý. Nó có thể biến một đạo diễn vô danh thành người hùng (From Zero To Hero). Ở Việt Nam hiện nay rất thiếu những quỹ điện ảnh sẵn sàng mạo hiểm với cuộc chơi tốn kém bạc tỷ cho những tài năng trẻ như Phạm Thiên Ân.
Không phải những nhà quản lý trong nước không biết vấn đề đó. Chuyện lập quỹ điện ảnh dưới sự quản lý của nhà nước từng được đưa vào nội dung góp ý xây dựng Luật Điện ảnh 2022. Nhưng cuối cùng chuyện chẳng đi đến đâu! Hàng trăm ngàn lý do được đưa ra, rồi như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nói, "cuối cùng chúng ta có tất cả, đúng tất cả. Chỉ là không có phim thôi".
Khi người ta muốn, người ta tìm cách. Khi người ta không muốn, họ tìm lý do. Thiếu vắng các quỹ điện ảnh nhà nước sẽ khiến nhà nước hoàn toàn bị động trong việc định hướng, can thiệp nội dung phim từ đầu. Nếu là một nhà đầu tư có sức nặng về tài chính, nhà nước hoàn toàn có thể yêu cầu những nội dung theo hướng có lợi cho hình ảnh Quốc gia. Đó là cuộc chơi hoàn toàn chủ động để sản xuất một ấn phẩm văn hóa đại chúng “made by Viet Nam”, như cái cách mà Trần Anh Hùng và Phạm Thiên Ân tạo nên những bộ phim của mình.
Nút thắt cho việc lập Quỹ Điện ảnh nhà nước nằm ở chỗ, cán cân những đại biểu Quốc hội - những người sở hữu nút bấm đồng ý/phản đối - đang nghiêng về hướng “phản đối”. Số lượng đại biểu am hiểu lĩnh vực văn hóa, điện ảnh, truyền hình luôn là thiểu số, dẫn đến việc có những vị nhìn nhận vấn đề “một bộ phim truyền hình có thể làm tỉ lệ tội phạm gia tăng”.
Trong một bài hát, Đen Vâu từng rap: "Không có tiền thì làm nhạc sao". Câu chuyện với điện ảnh cũng chả khác: Không có tiền thì làm phim sao!?!
Anh Tuấn