Đề xuất này hiện đang gây tranh cãi trong dư luận. Theo ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực trang phục truyền thống, áo dài ngũ thân nên trở thành một trang phục được khuyến khích bên cạnh những trang phục khác, thay vì áp đặt một cách quá cứng nhắc.
Mong muốn đem bản sắc riêng đến bạn bè quốc tế
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra sáng 31/5, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đã đề xuất Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết kỳ họp, cho phép đại biểu mặc áo dài ngũ thân nam tại các phiên họp, được mặc vào viếng Lăng Bác và được mặc tại lễ chào cờ.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, với những hội nghị lớn ở nước ngoài thường quy định khách mời mặc trang phục truyền thống hoặc mặc complet phong cách châu Âu. Tuy nhiên Việt Nam chưa quy định trang phục truyền thống trong ngoại giao mà chỉ mặc áo vest có sẵn, nên chưa đưa được bản sắc riêng đến bạn bè quốc tế. Ông Nguyễn Văn Cảnh mong muốn có một bộ trang phục truyền thống dành cho hoạt động văn hóa, sự kiện ngoại giao, đề nghị Quốc hội xem xét đưa một nội dung vào nghị quyết kỳ họp này là cho phép đại biểu được mặc áo dài ngũ thân nam tại các phiên họp.
Vị đại biểu này cho rằng, việc mặc áo ngũ thân không làm thay đổi quy định nào về việc mặc các trang phục khác, không phải thay thế bộ comple mà chỉ giúp đại biểu, người tham dự có thêm lựa chọn được mặc trang phục truyền thống: "Việc cho phép mặc áo dài ngũ thân nam tại các hội nghị, các sự kiện sẽ giúp cho các cơ quan có trách nhiệm và người dân cái nhìn thực tế, có thời gian để nhìn rõ hơn về giá trị truyền thống, sự phù hợp thực tiễn khi đưa áo dài ngũ thân về lại với đời sống người Việt; hướng đến xây dựng riêng 1 bộ lễ phục truyền thống cho người Việt tại các hội nghị văn hóa lớn, các sự kiện ngoại giao Nhà nước. Bộ lễ phục này sẽ vẫn giữ gìn nét truyền thống, phù hợp với sinh hoạt, công việc trong xã hội hiện đại và tương xứng với trang phục của người đồng cấp trong sự kiện ngoại giao, trong hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế" - Đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định nhấn mạnh và mong Quốc hội chấp nhận đề xuất trên.
Nên khuyến khích thay vì bắt buộc
Là một người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực trang phục truyền thống, anh Nguyễn Đức Lộc - người sáng lập thương hiệu cổ phục Ỷ Vân Hiên bày tỏ sự vui mừng khi áo dài ngũ thân dành cho nam giới đang dần có tiếng nói trở lại và được đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tuy nhiên theo anh Nguyễn Đức Lộc, không dễ dàng và cũng không vội vàng gì để các đại biểu Quốc hội mặc áo dài ngũ thân truyền thống. Bởi trong tiến trình lịch sử, có rất nhiều trang phục của các triều đại, mang ý nghĩa khác nhau: "Tại diễn đàn Quốc hội, Quốc hội đại diện cho tiếng nói của 100 triệu người dân Việt Nam với nhiều văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, hoặc có thể đưa tà áo dài ngũ thân trở thành một trong những lựa chọn của các đại biểu Quốc hội tại các hội nghị, sự kiện quan trọng. Nó nên trở thành một trang phục khuyến khích bên cạnh những trang phục khác thay vì áp đặt một cách quá cứng nhắc thành quy định, bắt các đại biểu phải mặc" - Giám đốc Công ty CP Ỷ Vân Hiên chia sẻ.
Trước việc đề xuất mặc áo dài ngũ thân đang nhận về nhiều chỉ trích vì sự rườm rà, khó vận động, anh Nguyễn Đức Lộc cho rằng, các ý kiến này đa phần chưa hiểu rõ, hiểu đúng về trang phục. Sẽ có rất nhiều loại trang phục khác nhau, dành cho các độ tuổi, công việc và thời điểm khác nhau. Đó là điều mà các nhà thời trang cần tính toán. Áo dài nam không phải là trang phục để chúng ta vận động mạnh hay làm việc nhiều. Đây là một bộ lễ phục mang tính chất trang trọng, thường được sử dụng cho những buổi hội họp, sự kiện hội nghị mà ở đó những người mặc không cần vận động mạnh. Vì vậy những chỉ trích trên là chưa hiểu rõ, hiểu đúng, thậm chí hiểu sai về thời trang, văn hóa trang phục truyền thống.
"Tôi cũng không đồng tình khi mọi người nói áo dài ngũ thân sẽ khiến người mặc thiếu đi sự nam tính. Cần nhìn lại những tư liệu lịch sử, tư liệu sách vở, hình ảnh… của hàng nghìn năm qua, ông bà, tổ tiên chúng ta vẫn sử dụng những bộ áo dài truyền thống với nhiều dạng áo dài khác nhau. Ở đây, chúng ta đang áp đặt tư duy giới tính và thời trang hiện đại vào tư duy thời trang cổ, cụ thể là trang phục truyền thống. Đó là một hành động rất sai lầm" - anh Nguyễn Đức Lộc nêu quan điểm./.
Kim Nhung/VOV.VN