Nhu cầu tự xuất bản tăng
Nhiều năm trước, việc tự xuất bản sách văn học còn nhiều rào cản. Không mấy ai rành về thủ tục và quy trình, đồng thời cũng không ít người e ngại về việc bản thảo của mình không lọt vào “mắt xanh” của nhà xuất bản nào nên phải tự in. Giờ đây, quan điểm về tự xuất bản sách văn học đã thay đổi. Theo tác giả Trần Thúy Lành (Hải Dương), cùng với sự phát triển của internet và mạng xã hội, các cây bút đã chủ động hơn trong việc đưa tác phẩm tới tay bạn đọc: “Đến nay, tôi đã xuất bản 3 tập truyện ngắn thì 2 tập đầu tôi tự phát hành và tự bán sách của mình. Trước đó, tôi đã học hỏi kinh nghiệm của các bạn văn và nhận được tư vấn của các biên tập viên nhà xuất bản (NXB) có kinh nghiệm. Lần đầu, tôi xuất bản tập truyện “Đi qua mùa trăng” là vào năm 2018. Lần thứ hai, tôi xuất bản truyện ngắn “Lồng son” vào năm 2021. Cả hai lần xuất bản tôi đều hợp tác với NXB Hội Nhà văn. Để sách xuất bản được bán hết thì từ khi sách chưa ra đời, mới ở khâu vẽ bìa, tôi đã chia sẻ trên mạng xã hội, facebook, zalo. Bạn bè, người thân của tôi cũng tích cực chia sẻ giới thiệu giúp nên bạn đọc đã đặt mua sách. Sách về đến nhà là tôi chỉ việc đóng gói, chuyển đến tay người đặt mua”.
Có nên tự xuất bản sách hay không? là băn khoăn thường trực của nhiều tác giả, nhất là tác giả trẻ hoặc tác giả sáng tác thơ, bởi lẽ việc tham gia vào các hội chuyên ngành thường yêu cầu mỗi tác giả phải có ít nhất 2 tác phẩm đã in thành sách. Dĩ nhiên, việc chọn hình thức xuất bản truyền thống hoặc tự xuất bản hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của chính tác giả nhưng không thể phủ nhận những lợi ích mà việc tự xuất bản đem lại. Nhà văn Tống Phước Bảo nhấn mạnh: “Thời đại bây giờ hay nói về vấn đề: nhanh, sâu và rộng. Sách cũng thế. Chúng ta cần quyển sách xuất hiện đúng thời điểm mà mình mong muốn, nhanh chóng hơn là trao bản thảo cho một NXB nào đó rồi thương thuyết. Ngoài ra, chúng ta còn có kế hoạch để truyền thông cho cuốn sách đó, không lệ thuộc vào kênh phát hành của đơn vị xuất bản. Người viết có thể bán online trên trang mạng cá nhân hay qua các app mua hàng trực tuyến. Một điều nữa là chúng ta lan tỏa được giá trị cuốn sách. Hiện tại, giá thành tự xuất bản một cuốn sách khá hợp lý. Điều này giúp ngành xuất bản rộn ràng hơn và độc giả có nhiều lựa chọn hơn”.
Để tự xuất bản sách thành công
Cho phép tác giả chủ động hoặc can thiệp vào gần như hầu hết các khâu của xuất bản sách từ biên tập, thiết kế, trang bìa, số lượng in,... đây có thể coi là ưu điểm lớn nhất của việc tự xuất bản, thu hút nhiều người sáng tác. Thậm chí, nhiều nhà văn, nhà thơ đã thành danh cũng sẵn sàng bước vào cuộc chơi này với mong muốn có được “đứa con tinh thần” đúng như ý nguyện. Trong đó có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Khi tôi giao bản thảo thì có một số NXB in và trả nhuận bút. Nhưng bây giờ tôi lại thích tự làm lấy một cuốn sách, tự phát hành để biết độc giả đọc mình như thế nào, những ai sẽ là người mua sách của mình. Tôi có thể đưa lên facebook và bán sách. Tôi cho rằng đấy là một khuynh hướng rất hay và hấp dẫn. Điều đó tạo ra nguồn cảm hứng giữa người đọc và người viết”.
Là một xu hướng mới, mở đường cho nhiều tác giả trẻ, đồng thời cũng là một lãnh địa để nhiều nhà văn, nhà thơ “đo lường” và cảm nhận “cảm giác phát hành” như cách nói của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định, đây không phải là con đường trải hoa hồng. Và dù có là cuộc chơi thì tự xuất bản vẫn có những quy luật cần phải tuân theo và tìm hiểu rõ. Tác giả Trần Thúy Lành cho rằng: “Người tự xuất bản sách văn học cũng không nên mạo hiểm mà cần khảo sát tình hình cụ thể để quyết định số lượng sách in ra, tránh tình trạng sách bị ế, bị tồn kho, sẽ ảnh hưởng tới số tiền mình bỏ ra đầu tư”. Trong khi đó, nhà văn Lê Quang Trạng bày tỏ lo ngại: “Thứ nhất, một số tác giả trẻ không đủ vốn lẫn kinh nghiệm để xuất bản sách cũng như để điều tiết ra thị trường một cách thuận lợi. Thứ hai, khi tác giả tự xuất bản sách dễ dàng thì thị trường sách phải chăng sẽ kém chất lượng?”
Rõ ràng việc tự xuất bản sách, nhất là sách văn học, đã góp phần đẩy nhanh quá trình xã hội hóa trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả cũng như khắc phục những hạn chế, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị xuất bản và tác giả. Khâu biên tập, duyệt bản thảo, vì thế cũng cần được chú ý hơn để đảm bảo chất lượng ấn phẩm.