Ngành công nghiệp giải trí Hoa Kỳ lo sợ về sự sáng tạo của AI

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang có những tác động lớn lên ngành giải trí. Nhiều người hoạt động trong ngành lo lắng vai trò của họ sẽ bị AI thay thế trong tương lai.

 

Theo một cuộc khảo sát độc quyền về "Nền tảng trí tuệ nhân tạo AI" do YouGov thực hiện, nhiều nhân viên trong ngành giải trí Hoa Kỳ bày tỏ sự lo ngại, liệu công nghệ AI tổng quát sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vai trò của họ trong công ty và trong môi trường văn hóa rộng lớn hơn.

Kết quả khảo sát cho thấy, 36% nhân viên giải trí được khảo sát "rất" hoặc "hơi lo ngại" về tác động của AI đối với công việc của chính họ. 48% lo lắng AI có thể "được sử dụng để vi phạm quyền sở hữu trí tuệ", 43% hơi lo ngại tình trạng mất việc khi ngày càng nhiều vấn đề hiện nay đều được trí tuệ nhân tạo giải quyết triệt để. Tương tự, 43% người tin rằng AI khiến chất lượng và khả năng sáng tạo của con người bị hạn chế.

Những người hoạt động trong ngành giải trí lo lắng vai trò của họ sẽ bị AI thay thế ở tương lai không xa.

Cũng theo khảo sát, những người hoạt động trong ngành giải trí Hoa Kỳ có nhận thức cao về AI, với 87% biết về các công cụ ChatGPT và Midjourney, trong đó 65% khẳng định thành thạo một số công nghệ.

Mặc dù công cụ AI tổng quát vẫn còn trong trạng thái non trẻ, những người tham gia khảo sát được yêu cầu "chọn tất cả điều phù hợp" từ danh sách các nhiệm vụ sáng tạo mà AI có thể hoàn thành trong 2 - 3 năm tới. Kết quả được chọn nhiều nhất với tỉ lệ 58%, là "tạo hiệu ứng âm thanh trung thực hơn cho phim, TV hoặc game". Trong khi, chỉ 29% người nghĩ AI viết được kịch bản hay cho phim điện ảnh hoặc truyền hình. Chưa dừng lại, AI còn được dự đoán có khả năng tự động hóa các tác vụ VFX (hiệu ứng hình ảnh) để mang lại tác phẩm chất lượng cao nhanh chóng mà không cần tốn quá nhiều thời gian như trước.

Variety thông tin, những người làm việc trong lĩnh vực giải trí đang bắt đầu sử dụng các công cụ AI hoặc mong đợi công ty của họ sẽ làm như vậy. Cụ thể, 30% nhân viên chuyên nghiệp trong ngành giải trí Hoa Kỳ cho biết họ, nhóm của họ hoặc công ty của họ hiện đang sử dụng AI, hoặc dự định sử dụng. Ngược lại, 51% người nói rằng họ hoặc công ty "không sử dụng AI tổng quát và không có kế hoạch làm như vậy". Họ lo sợ bị trí tuệ nhân tạo cướp mất việc.

Kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood vừa phải đối mặt làn sóng đình công từ 11.500 thành viên Hiệp hội Biên kịch Mỹ vào tháng 5/2023. Cuộc đình công và biểu tình này nhằm phản đối mức lương thấp đã duy trì nhiều năm, cơ hội việc làm ngày càng ít khiến thu nhập của giới biên kịch bấp bênh, phải làm nhiều nghề khác để kiếm sống. Đặc biệt, việc các hãng phim bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo AI viết kịch bản cũng khiến giới biên kịch cảm thấy bị đe dọa.

Hiệp hội Biên kịch Mỹ đã kêu gọi đàm phán để giải quyết những vấn đề trên. Các nhà biên kịch cho biết họ đang làm nhiều hơn nhưng hưởng thu nhập ít hơn khi hãng phim chuyển trọng tâm sang phát sóng trực tuyến. Sự gia tăng việc phát sóng trực tuyến cũng kéo giảm doanh thu quảng cáo trên truyền hình truyền thống khi thị phần thu hẹp. Liên minh Các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình Mỹ (AMPTP - đại diện những hãng sản xuất phim lớn như Walt Disney Co, Netflix Inc...) phản bác giới biên kịch ở Hollywood dẫn đến tranh luận trái chiều.

Việc các hãng phim bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo AI viết kịch bản cũng khiến giới biên kịch cảm thấy bị đe dọa.

AI hiện đang có những tác động lớn lên điện ảnh, không riêng chuyện sáng tác kịch bản. AI đã tạo ra giọng nói của những người quá cố nổi tiếng, như đầu bếp Anthony Bourdain và họa sĩ Andy Warhol, trong hai phim tài liệu "Roadrunner" và "The Andy Warhol Diaries". Diễn viên James Earl Jones cũng đã đồng ý cho AI sử dụng giọng của ông khi vào vai Darth Vader trước kia để tạo ra nội dung mới trong các phim "Star Wars" tương lai.

Hiệp hội Diễn viên lồng tiếng cho biết họ không chống AI hay phản đối công nghệ, nhưng yêu cầu phải có luật lệ rõ ràng. Ngày càng khó nhận biết đâu là giọng người thật, đâu là giọng tổng hợp của máy trong nhiều sản phẩm, từ phim ảnh đến sách nói. Với diễn viên lồng tiếng, giọng nói là nguồn thu nhập của họ, nên nếu có nơi "tạo sinh" giọng của họ miễn phí, thì họ lo ngại là đúng.

AI cũng đã giúp các nhà làm phim trẻ hóa các diễn viên lão làng, muốn thành bao nhiêu tuổi cũng được. Chẳng hạn trong phim "Indiana Jones and the Dial of Destiny" sẽ ra mắt mùa hè này, Harrison Ford vẫn vào vai chính, nhưng mở đầu phim là các cảnh Indiana Jones lúc mới chừng 40, cũng do ông lão năm nay đã 81 tuổi thủ diễn. Máy tính sẽ xóa vết nhăn, kéo căng da mặt, nhuộm đen mái tóc bạc, nói chung là hóa phép để khán giả cứ tưởng nhà làm phim sử dụng các thước phim từng quay lúc thực hiện tập đầu của loạt phim phiêu lưu mạo hiểm này vào năm 1981, cách đây 42 năm.

Chẳng lạ gì khi đã có nhiều ý kiến cho rằng, cần đặt ra luật lệ cho việc sử dụng AI trong phim ảnh. Ví dụ nếu AI tạo sinh ra một nhân vật pha trộn giữa Brad Pitt và Tom Cruise, liệu hai diễn viên này có kiện được không? Diễn viên Keanu Reeves nói trên tờ Wired rằng hợp đồng làm phim của anh có điều khoản cấm hãng phim biên tập diễn xuất của anh bằng kỹ thuật số. Anh cho rằng một khi để AI chỉnh sửa dung mạo, hình ảnh đó không còn là của anh, anh không kiểm soát được nó nữa và điều đó thật đáng sợ với một người sống bằng hình ảnh của mình.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận