'Đại gia' mới và bài học cũ

Tân binh Viettel được nhận định là một trong những ứng cử viên cho chức vô địch ở giải chuyên nghiệp năm nay (V.League 2019).

Lý do chính được cho là ở khâu chuẩn bị trước thềm mùa bóng: Lãnh đạo đội bóng đã “không tiếc tay” trên trên thị trường chuyển nhượng.

Trong số những gương mặt mới của tập thể tự nhận là “hậu duệ của Thể Công” - biểu tượng lừng lẫy một thời của sân cỏ Việt - đáng chú ý nhất là nhà cầm quân lừng danh xứ Kim Chi: Lee Heung Sil - người từng dẫn dắt CLB nổi tiếng xứ Hàn Jeonbuk Hyundai Motors với bảng thành tích đáng nể: 6 lần vô địch K.League, 3 lần đoạt Cúp QG, 1 lần đoạt Siêu Cúp và 2 lần vô địch AFC Champions League.

Ở góc độ cầu thủ, Viettel cũng trình làng một loạt tên tuổi sáng giá: bộ đôi ngoại binh Kayo Dias - Joao Paulo, Soukaphone Vongchiengkham - chân sút được mệnh danh “Messi Lào”, cầu thủ gốc Việt Boby Lương Nguyên Bảo cùng hàng loạt tên tuổi quốc nội thuộc hàng “sao số” như Vũ Minh Tuấn, Trọng Hoàng (đến từ Thanh Hóa), Quế Ngọc Hải (Sông Lam Nghệ An)…

Nhìn vào cuộc “đại shopping” của lãnh đạo CLB Viettel người ta không thể không ao ước, “thèm thuồng”, nhất là trong thời buổi “gạo châu củi quế”. Tuy nhiên, nó cũng gợi nhớ đến một chuyển động tương tự, từng diễn ra ở hậu trường sân Thanh Hóa đầu mùa bóng 2016. 3 năm trước, dưới sự “chống lưng” của tập đoàn FLC, đội bóng bên bờ sông Mã thực sự đã trở thành “miền đất hứa” của “giới quần đùi áo số” quốc nội. Quân tinh, tướng giỏi, FLC Thanh Hóa nổi lên như một thế lực thực sự.

Xa hơn nữa, V.League từng chứng kiến những bận mua sắm rất rầm rộ ở các sân Ninh Bình, sân Thống Nhất. Với “túi tiền dồi dào”, 2 ông bầu Hoàng Mạnh Trường, Nguyễn Đức Thụy lúc đó đã mộ quân theo tiêu chí “tiền đè chết người”, gần như là “vơ cạn”, “vét sạch” bất cứ một cầu thủ thuộc diện “có số má” nào về dưới trướng.

Ấy thế nhưng, dẫu nghiệt ngã thì ở V.League hiện vẫn đang tồn tại nghịch lý: Đồng tiền không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với thành tích. Túi tiền của “ông bầu” có thể đem về một đội bóng làng nhàng nhiều cá nhân xuất sắc nhưng “đoạt vương miện” lại là câu chuyện khác. Theo nhận định của các chuyên gia, điều kiện cốt tử để một đội bóng có thể đứng trên bục cao nhất là sở hữu bộ khung “ổn định” và “có chất lượng”. Thiếu yếu tố “ổn định” thì một đội bóng “nhà giàu” cũng phải… khóc!

Mà ở sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội, câu chuyện “người giàu cũng khóc” là nỗi đau không phải của riêng ai. Chẳng phải những Ninh Bình, Xuân Thành Sài Gòn, Thanh Hóa đều đã lần lượt rơi lệ trước chiếc vương miện V.League đó sao? Những tập thể nói trên chẳng thiếu tiền và không phải không sẵn sàng “bạo chi” nhưng chức vô địch vẫn là khái niệm hết sức xa vời.

Không phủ nhận thực tế, với vị thế tân binh, Viettel cần bổ sung thêm những nhân tố mới, nhưng song song với việc “hô mưa gọi gió” trên chợ cầu thủ, điều cần thiết là lãnh đạo CLB phải tìm được lời giải cho nghịch lý: Tại sao không ít “đại gia V.League” không thể thành công với công thức “mua nhiều + thưởng lớn” (?) và cần làm gì để không đi vào vết xe đổ ấy? Có được một ông bầu mạnh tay mua sắm là “điều kiện cần” nhưng chưa phải “điều kiện đủ” để đội bóng nào đó có thể bỗng chốc “vươn vai Phù Đổng”!

Nếu không thì “thiếu gia” Viettel cũng chỉ là “phiên bản lỗi” của những Ninh Bình, Xuân Thành Sài Gòn mà thôi!

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận