Đẳng cấp của Nhà hát Hồ Gươm
Hà Nội vừa có thêm một công trình nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu: Nhà hát Hồ Gươm. Tọa lạc tại số 40-40A Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Công trình gây chú ý bởi phong cách kiến trúc tân cổ điển, điểm nhấn là 52 cột đá nguyên khối nhập khẩu từ Tây Ban Nha. Bên trong là những khán phòng sang trọng cùng những thiết bị âm thanh được đặt riêng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trình diễn đa dạng các loại hình nghệ thuật từ opera, nhạc giao hưởng, nhạc kịch,… cho tới nhạc hiện đại, hội thảo, show truyền hình. Công trình do Bộ Công an phối hợp với UBND TP Hà Nội thực hiện không chỉ có thể trở thành một thánh đường nghệ thuật mới mà còn là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách của ngành du lịch.
Nhà hát Hồ Gươm ra đời ngay lập tức tạo nên một sự háo hức với giới văn nghệ sĩ. NSND Quốc Hưng, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết, anh và đồng nghiệp đang chờ đợi được tiếp cận, tìm hiểu và có những chương trình biểu diễn nghệ thuật đầu tiên tại đây: “Lâu nay, Nhà hát Lớn là địa điểm lý tưởng nhất cho các buổi hòa nhạc. Thiết kế của nhà hát này giúp nghệ sĩ tự kiểm soát âm thanh của mình; đây là ưu điểm vượt trội, nhất là đối với người biểu diễn opera, không cần sử dụng hệ thống âm thanh hiện đại như thông thường. Tuy nhiên, nhiều chương trình nghệ thuật khác, hệ thống sân khấu, âm thanh, ánh sáng tân tiến hỗ trợ rất lớn cho nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. Nhà hát Hồ Gươm đáp ứng tốt nhất yêu cầu này”.
Nhà hát Hồ Gươm ra đời là tin mừng cả với giới nghệ thuật biểu diễn lẫn ngành du lịch. Trong lễ khánh thành nhà hát, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, phải có phương án kết nối Nhà hát Hồ Gươm với các công trình văn hóa nghệ thuật khác để tạo không gian văn hóa nghệ thuật, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch của Thủ đô, của đất nước.
Nhưng một nhà hát hiện đại tiêu chuẩn thế giới chỉ là phần xác. Phần hồn cho nghệ thuật, điều khiến ngành nghệ thuật biểu diễn có thể cất cánh đóng góp cho ngành công nghiệp văn hóa nước ta, vẫn là những chương trình nghệ thuật xứng tầm với
Nhà hát Hồ Gươm, hay thậm chí là một chương trình gắn liền với thương hiệu Nhà hát Hồ Gươm.
Chuyện của Broadway, West End
Những người yêu nhạc kịch hẳn không xa lạ gì khu vực West End ở London. Nơi đây là một khu vực quy tụ 39 nhà hát, được xem là thánh đường của nhạc kịch và opera, nơi diễn ra những vở diễn huyền thoại như Bóng ma trong nhà hát (Phantom of the Opera), Những người khốn khổ (Les Misérable)… Vở Bóng ma trong nhà hát được biểu diễn liên tục hàng tuần từ năm 1986 đến nay, qua nhiều thế hệ diễn viên vẫn bền bỉ trường tồn, tạo thành thương hiệu nghệ thuật cho West End nói riêng và London nói chung.
Tương tự West End, Broadway là một khu vực quy tụ 41 nhà hát (mỗi nhà hát có sức chứa từ 500 chỗ trở lên) ở quận Manhattan, thành phố New York (Mỹ). Nếu các nhà hát ở West End thiên về nhạc kịch cổ điển thì Broadway nghiêng về đương đại với các vở diễn như Aladdin, Chicago, Cuộc đời của Pi (Life of Pi)… Điểm chung của chúng là những vở diễn có niên đại hàng chục năm và diễn ra liên tục mỗi ngày.
Tôi có một người bạn vô cùng yêu thích nhạc kịch. Từ 20 năm trước anh đã đặt chân đến Mỹ, tới thánh đường nghệ thuật Broadway để xem nhạc kịch. Tại căn nhà của mình ở phố Quang Trung nhìn ra hồ Thiền Quang (Hà Nội), anh Dũng dành một căn phòng áp mái để làm “rạp hát tại gia”. Tại đó, anh có một bộ sưu tập đĩa Bluray 10 vở nhạc kịch ăn khách nhất mọi thời đại như: Bóng ma trong nhà hát (Phantom of the Opera), Những người khốn khổ (Les Misérable), Miss Sai Gon… Anh Dũng kể: “Lần đầu tôi đặt chân đến Mỹ vào năm 2002, được chứng kiến tận mắt tượng Nữ thần Tự do, thành phố New York, nhưng tuyệt nhất là tôi được đến Broadway xem nhạc kịch. Ở Mỹ, văn hóa nghệ thuật quan trọng và có sức ảnh hưởng với người dân như cơm ăn nước uống. Họ có nhu cầu đến nhà hát, viện bảo tàng, rạp phim để hưởng thụ các ẩn phẩm văn hóa. Chính nhờ vở nhạc kịch Miss Saigon đã tạo ra một làn sóng công chúng Mỹ ủng hộ chính quyền gỡ bỏ cấm vận với Việt Nam năm 1995. Tôi đến Broadway đã được nghe kể về sức ảnh hưởng của Miss Saigon như một hiện tượng văn hóa. Cho đến nay đó vẫn là vở nhạc kịch ăn khách thứ 3 ở đây”, anh Dũng chia sẻ.
Ở lĩnh vực opera phải nói đến Nhà hát Phượng Hoàng Teatro La Fenice ở Venice, Italia. Đây được xem là bộ mặt của nền âm nhạc cổ điển Italia. Những tác phẩm của các tên tuổi Rossini, Bellini, Donizetti, Verdi đều từng trình diễn ở đây. Và tôi xem lịch diễn tháng 7/2023 của họ gần như kín đặc.
Vậy Nhà hát Lớn 1 năm có được bao nhiêu đêm sáng đèn? Tương tự là Trung tâm Hội nghị Quốc gia? Rồi các khán phòng của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam. Thế mới thấy, vấn đề không phải là không có chỗ để diễn, mà là số lượng các chương trình nghệ thuật đẳng cấp ở ta đang rất thiếu./
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tầm nhìn đến 2030 đặt mục tiêu, đến 2030 các ngành công nghiệp văn hóa phải đóng góp 7% GDP. Muốn như vậy thì việc khánh thành Nhà hát Hồ Gươm là không đủ, mà phải làm sao để nhiều nhà hát sáng đèn mỗi đêm. |