Năm 2020, tiểu thuyết “Gió bụi đầy trời” mở đầu cho dự án dài hơi của anh, tái hiện những sự kiện lịch sử lớn của dân tộc trong thế kỷ 20.
“Gió bụi đầy trời” tập trung vào lát cắt lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến tháng 6/1946 - khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn đàm phán Việt Nam lên đường sang Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhân vật trung tâm của tiểu thuyết này.
Góp một tiếng nói thật khách quan
Chọn thời điểm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm 1945 để mở đầu cho tiểu thuyết “Gió bụi đầy trời”, hẳn anh đã phải đầu tư công sức rất nhiều?
“Gió bụi đầy trời” chọn một thời điểm ngặt nghèo nhất trong lịch sử đất nước ta ở thế kỷ 20. Ngay sau khi giành được độc lập vào Tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam mới đã phải đối diện với "thù trong, giặc ngoài" cùng bao thách thức, khó khăn, đặt chính quyền cách mạng non trẻ vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Ngoài Bắc, 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch kéo vào với đủ thứ yêu sách. Đi cùng họ là những đảng phái người Việt đối lập như Việt Nam Quốc dân Đảng hay Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội. Miền Nam thực sự là miền đất năm bè bảy mối với nhiều màu sắc chính trị, đảng phái, tôn giáo. Thực dân Pháp trở lại, muốn cắt miền Nam ra. Lực lượng Bình Xuyên, các giáo phái như Cao Đài, Hòa Hảo nổi dậy, các điền chủ lập những vùng cát cứ hoang vu. Từ thực tế đó, một bức tranh lịch sử rộng lớn, bề bộn, phức tạp, đa chiều với biết bao sự kiện, tình huống, nhân vật được tái hiện lại, lật giở soi chiếu lại, với cái nhìn hết sức trung thực và khách quan.
Cảm xúc của anh khi xây dựng nhân vật Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Nhân vật Hồ Chí Minh có sức hấp dẫn đặc biệt đối với tôi. Sau những năm tháng đầm mình tìm hiểu về Người, khi bắt đầu viết thì cảm thấy nhân vật vô cùng sống động, hấp dẫn kỳ lạ, như thể hiện hữu bằng xương bằng thịt. Nhân vật ấy quay trở lại cảm hóa người viết, khiến tôi thực sự xúc động. Hồ Chí Minh yêu con người, yêu hòa bình, yêu nhân dân, yêu đất nước đến tận cùng. Không bao giờ Người có một toan tính gì cho riêng mình. Cuộc đời Người là một minh chứng cho sự tận hiến vì nhân dân vì đất nước. Điều này phải nhắc lại cho rõ, bởi vì sau này có nhiều người quay trở lại chỉ trích những nhà khai sáng, khi họ thấy hiện tại không được như ý, họ phản kháng, thậm chí phê phán nặng nề. Tôi cho đấy là thái độ không hợp lý. Vì thế, trong quá trình viết, tôi cố gắng góp một tiếng nói thật khách quan. Không ngợi ca một chiều, nhưng với những người anh hùng vĩ đại đã gánh vác trách nhiệm nặng nề của thời đại, của lịch sử dân tộc thì chúng ta phải kính trọng.
Lịch sử nhiều tầng, nhiều bậc
Cùng với “Gió bụi đầy trời”, anh đã hoàn thành xong bản thảo phần 2 và chuẩn bị cho phần 3 của bộ tiểu thuyết đề cập những sự kiện lớn của dân tộc trong thế kỷ 20. Dấn thân vào một đề tài khó, anh còn muốn gửi gắm điều gì?
Tôi muốn viết về lịch sử như tôi nhận thức, tức là một lịch sử cực kỳ phức tạp, một lịch sử ngổn ngang, đầy gian khó và nỗ lực, để chúng ta thấy rằng chúng ta đã đi qua giai đoạn ấy như thế nào, và ở đó có những nhân vật ra sao. Tôi có cảm giác là con người chúng ta rất hay quên. Người ta đánh mất những ký ức lịch sử, quên đi nhiều điều đẹp đẽ trong dĩ vãng, thậm chí họ cũng quên đi rất nhiều điều xấu xa. Cho nên, tôi muốn đề cập một sự thật nhiều chiều, để chúng ta nhìn lại, ngẫm nghĩ và liên hệ với hiện tại. Lịch sử là những cuộc giằng xé, thay đổi. Nếu chúng ta không nhận thức được, chúng ta sẽ xóa nhòa tất cả, chẳng biết đường hướng tương lai sẽ thế nào. Nhà văn viết về lịch sử để đánh thức lại những ký ức, những bài học, những sự thật bị chìm lấp.
Tôi không dám tin rằng những trang sách của tôi có thể nói được tất cả. Đời sống phong phú hơn, phức tạp hơn. Lịch sử hùng tráng hơn, bi thảm hơn. Lịch sử nhiều tầng, nhiều bậc. Lịch sử tinh tế và lịch sử đầy bóng tối.
Cái khó nhất của người viết tiểu thuyết là gì, thưa anh?
Cái khó nhất của nhà tiểu thuyết là phải có một hệ thống tri thức dồi dào, và phải biết tổ chức các hành động kịch. Trong tiểu thuyết trường thiên bao giờ cũng rất nhiều bè, và khi hành động này xuống thì hành động khác phải lên. Hành động kịch liên tục diễn biến, liên tục bùng nổ, nhiều bè lên xuống cài vào nhau và càng về sau thì càng căng thẳng. Việc bố trí hành động kịch là vấn đề rất quan trọng.
Thứ hai là vấn đề mâu thuẫn. Tôi quan tâm đến cái người ta gọi là những mâu thuẫn cân não, những mâu thuẫn làm cho người ta choáng váng. Trong một tác phẩm bắt buộc phải có những mâu thuẫn, chi tiết kiểu như vậy. Nhà văn phải tư duy trên những chiều kích khác nhau của hiện thực để tìm ra mâu thuẫn. Một chi tiết hay, một mâu thuẫn sâu sắc phải giúp cho người ta nhận thức lại hiện thực, hoặc là nhận thức lại chính bản thân mình, phá vỡ những định kiến, hồi sinh những điều có thể đã bị mai một.
Chuẩn bị một tâm thế kỹ càng như vậy, anh đã thực sự hài lòng với lao động văn chương của mình?
Trong lao động văn chương, nhà văn không chỉ đối diện với trang viết mà còn phải đối diện với nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Vì thế, khó có thể coi mình đã hài lòng. Những câu chuyện mà tôi muốn tái hiện càng về sau càng phức tạp, sẽ là những cuộc kháng chiến trường kỳ, là những vấn đề tư tưởng, những vấn đề nội bộ. Qua đó thấy rằng lịch sử của dân tộc để đi đến hiện tại đã trải qua rất nhiều đau đớn. Và ngày hôm nay chúng ta phải rút kinh nghiệm rất sâu sắc. Viết lịch sử là để nói đến những thông điệp, gợi mở cho con người đương đại một thái độ nào đó để tránh những bi kịch quá khứ, học tập được những bài học lịch sử của các bậc tiền nhân. Đây là điều mà tác phẩm của tôi mong muốn đạt tới.
Nhà văn Thiên Sơn sinh năm 1972 tại Diễn Châu, Nghệ An. Tiểu thuyết “Gió bụi đầy trời” đã được trao giải Ba cuộc thi tiểu thuyết lần thứ V (2016 - 2020) do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức. Ngoài tiểu thuyết, anh còn thành công với truyện ngắn.
|
Xin cảm ơn nhà văn!
Anh Thư thực hiện