Nghịch lý ngành kỹ xảo đồ họa VFX ở Việt Nam

Có một nghịch lý là, Việt Nam hiện có nhiều studio kỹ xảo đồ họa VFX được các hãng phim Holywood tìm tới để thuê sản xuất.

 

Nhưng những chuyên viên, nghệ sĩ đồ họa Việt Nam không có đất dụng võ trên sân nhà mà chỉ có thể bán chất xám cho nước ngoài.

Việt Nam - trung tâm gia công kỹ xảo điện ảnh VFX

Nhen nhóm từ đầu năm 2010 rồi dần được biết đến nhiều hơn trong thời gian gần đây nhờ gia công cho một loạt siêu phẩm Holywood, Việt Nam hiện có cả chục studio kỹ xảo đồ họa VFX nổi tiếng toàn cầu. Có thể kể ra những cái tên như: Sparx* - A Virtuos Studio, BlueR Studio, Colory Animation, Cyclo, Heta, LuciDigital, Planion Animation, Rainstorm Film, SPARTA Visual Effects Studio, Vega Animation Studio, Vinamation, Bad Clay Studio…

Những studio Việt Nam đó đã tham gia vào khâu kỹ xảo đồ họa của các phim bom tấn nổi tiếng như: Captain Marvel, Avenger: Infinity war. Đặc biệt, Việt Nam còn là đối tác quen thuộc của nhiều studio Hàn Quốc, đảm nhiệm một số tác phẩm đình đám châu Á như: Hotel Del Luna, Sweet Home, Penthouse, Squid Game. Những sản phẩm được các studio kỹ xảo Việt Nam thực hiện không chỉ mang lại hình ảnh chân thật mà luôn khiến khán giả ngạc nhiên vì độ hoành tráng, sáng tạo.

Dù kỹ xảo điện ảnh đã được biết đến từ lâu nhưng phải đến gần đây mới được áp dụng rộng rãi trong nhiều phim điện ảnh trong nước. Một số phim Việt có phần kỹ xảo ấn tượng như: Trạng Tí phiêu lưu ký, Em và Trịnh, Người bất tử, Chị chị em em 2, Hai Phượng. Trong đó, Hai Phượng của Ngô Thanh Vân,  bối cảnh đa phần được quay trong phim trường rồi hậu kỳ bằng kỹ xảo, nhưng hiệu quả mang đến sống động một cách bất ngờ. “So với Trung Quốc hay Ấn Độ, Việt Nam vẫn chưa nổi tiếng trong ngành hoạt hình và kỹ xảo quốc tế. Nhưng với các thành tích về số lượng cũng như chất lượng thu được trong 5 năm gần đây, chúng ta có thể khẳng định lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh của nước ta có tiềm năng rất lớn và có khả năng phát triển, vươn tầm thế giới trong các năm tới”, ông Thierry Nguyen, đồng sáng lập Bad Clay Studio - một studio chuyên về kỹ xảo điện ảnh tại TP.HCM cho biết.

Dù kỹ xảo điện ảnh đã được biết đến từ lâu nhưng phải đến gần đây mới được áp dụng rộng rãi trong nhiều phim điện ảnh trong nước. Kỹ xảo VFX chưa có đất diễn trên “sân nhà”

Có một nghịch lý  là, dù có sẵn một lượng nhân lực có chất lượng cao về kỹ xảo điện ảnh, đã gia công cho nhiều siêu phẩm của Holywood và Hàn Quốc, nhưng công chúng lại thấy chưa nhiều phim Việt áp dụng kỹ xảo điện ảnh (nếu có thì chất lượng và hiệu quả cũng không quá cao). Vấn đề này có nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên, Việt Nam chưa có nhiều nhà sản xuất mạnh dạn đầu tư vào thể loại phim khoa học viễn tưởng, hành động, trong khi đây lại là “khách hàng chính” của các studio chuyên về kỹ xảo đồ họa VFX. Đa số phim Việt sản xuất trong nước là phim hài, tình cảm, kinh dị, gia đình,… những thể loại không cần đầu tư quá cầu kỳ về kỹ xảo mà chỉ cần tập trung vào khâu trang phục, hóa trang.

Thứ hai, VFX luôn là hạng mục đầu tư bị bỏ qua khi hạch toán ngân sách cho một bộ phim. Dù kinh phí làm VFX tại Việt Nam không quá cao so với mặt bằng chung thế giới, chất lượng lại ổn định, nhưng với các hãng phim trong nước, chi phí này vẫn còn nằm ngoài tầm với. Với những bom tấn Holywood có kinh phí lên tới cả trăm triệu USD, họ có một khoản nhất định dành cho VFX. Trong khi đó, ngân sách sản xuất một phim điện ảnh chiếu rạp ở Việt Nam chỉ loanh quanh mức 1 - 2 triệu USD, nên gần như không bố trí được ngân sách cho VFX.

Trong khi đó, giá thành để thiết lập và vận hành một studio VFX không hề thấp. Chỉ tính các phần mềm cao cấp dùng để chỉnh sửa VFX có phần mềm có giá 200 triệu đồng/giấy phép. Ngoài ra còn phải tính đến thu nhập bình quân của những chuyên viên đồ họa, nghệ sĩ thuộc lĩnh vực này. Dù ở Việt Nam đã là rẻ so với thế giới, nhưng cũng không thể hạ giá quá nhiều. Chi phí thấp thì phần mềm tương ứng cũng không phải là phần mềm cao cấp, chất lượng hình ảnh sẽ hạn chế, cũng không thể thuê những chuyên gia tay nghề cao. Chưa kể, thời gian sản xuất dự án nếu có ứng dụng VFX sẽ kéo dài hơn.

Suy cho cùng, việc đầu tư kỹ xảo điện ảnh ở Việt Nam là một canh bạc lớn mà đa số các nhà đầu tư tránh né. Thay vì đầu tư vào dòng phim khoa học viễn tưởng ứng dụng VFX, các nhà đầu tư và sản xuất phim ở Việt Nam có nhiều lựa chọn “ngon, bổ, rẻ”, dễ ăn tiền hơn như phim hài, tình cảm, kinh dị, phim remake kịch bản nước ngoài. Có thể thông cảm với nhà đầu tư bởi họ cần quay vòng vốn và tái đầu tư nên sẽ chọn những dự án nhanh gọn. Nhưng việc tránh né này chỉ mang lại lợi ích tạm thời cho cá nhân nhà làm phim, lâu dài không có lợi cho nền điện ảnh nước nhà khi chúng ta sẽ mãi thiếu đi những phim khoa học viễn tưởng hoành tráng. Tiếp tục tránh né, điện ảnh Việt không chỉ đi chậm hơn so với bước tiến của điện ảnh thế giới mà còn khiến lực lượng nhân sự VFX không có đất dụng võ, chỉ có thể bán chất xám cho nước ngoài./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận