Ứng xử thế nào để tạo nét đẹp, lan tỏa giá trị nhân văn là điều bất cứ ai cũng cần hướng đến, đặc biệt là với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Bởi văn hóa ứng xử là "tấm hộ chiếu" không chỉ của cá nhân mà còn là của quốc gia.
Văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân trong cộng đồng là một trong những “lát cắt” quan trọng, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn, là cánh cửa mở ra mọi thế giới giữa con người với nhau. Với một cá nhân bình thường trong xã hội đã là vậy, đối với những người có ảnh hưởng với số đông công chúng, như văn nghệ sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn hóa ứng xử lại càng mang ý nghĩa sâu sắc hơn. Ở tầm cao hơn, văn hóa ứng xử còn phản ánh văn hóa cộng đồng, quốc gia - dân tộc.
Nghệ sĩ và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa là những người có tầm ảnh hưởng và lan tỏa đến xã hội. Đặc biệt trong thời đại hiện nay khi mạng xã hội là phương tiện giao lưu, giao tiếp của phần đông dân số, đặc biệt là giới trẻ thì những hành động, phát ngôn của nghệ sĩ luôn được chú ý dõi theo. Nếu nghệ sĩ có hành vi "lệch chuẩn" sẽ để lại những ảnh hưởng tiêu cực tới cộng đồng.
Mới đây nhất là câu chuyện của ca sĩ Hoàng Thùy Linh, cô bị cho là ngạo mạn, trịch thượng sau màn đối đáp với báo chí tại buổi giới thiệu live concert của mình tại TP.HCM. Khi một phóng viên đặt câu hỏi đối với Hoàng Thùy Linh rằng cô chuẩn bị cho việc hát live ra sao và nhắc đến "vai trò của Hồ Hoài Anh trong đêm nhạc", nữ ca sĩ đưa ra câu trả lời không đúng trọng tâm và có thái độ "đôi co", “xù lông” không cần thiết. Ngay sau đó, Hoàng Thùy Linh còn xuống mời người phóng viên này lên sân khấu để giao lưu. Tuy nhiên, cách ứng xử của Hoàng Thùy Linh tiếp tục gây khó hiểu khi hỏi tuổi của nhà báo và nói những câu bị cho là "dạy đời".
Hành vi, ứng xử của ca sĩ Hoàng Thùy Linh sau đó bị vấp phải phản ứng trái chiều của dư luận. Trước tình hình đó, sáng 18/9, trên trang cá nhân chính thức của Hoàng Thùy Linh đăng tải lời xin lỗi.
Cô viết: “Hoàng Thùy Linh xin được gửi lời xin lỗi chân thành đến những người đã yêu thương, tin tưởng và ở bên cạnh Linh, vì những thông tin đã gây ảnh hưởng đến tâm trạng mọi người trong hơn mười ngày vừa qua, khiến mọi người buồn lòng, đặc biệt là trước thời điểm mà chúng ta sắp được đoàn viên sau gần hai thập kỷ yêu thương nhau. Linh xin được rút kinh nghiệm sâu sắc, xin được học hỏi và khéo léo hơn trong giao tiếp, trò chuyện và chia sẻ. Linh hiểu rằng bản thân có trách nhiệm gửi lời xin lỗi đến khán giả yêu thương vì lòng tốt nhận được từ mọi người. Đó cũng là động lực để Linh nỗ lực và cố gắng qua từng ấy năm" - trích đăng từ chia sẻ của Hoàng Thùy Linh.
Tuy nhiên, lời xin lỗi của Hoàng Thùy Linh vẫn bị đánh giá là muộn màng, hời hợt và thiếu thành ý. Nhiều chuyên gia truyền thông cho rằng, cách làm, lời xin lỗi của Hoàng Thùy Linh khiến hình ảnh người nghệ sĩ trở nên xấu xí và tạo tiền lệ không tốt.
Đáng tiếc, câu chuyện buồn về văn hóa ứng xử của ca sĩ Hoàng Thùy Linh không phải là duy nhất. Từ trước đến nay những lùm xùm trong việc phát ngôn, ứng xử của các nghệ sĩ Việt cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội không phải là chuyện hiếm. Cũng đã có những nghệ sĩ từng bị miễn nhiệm chức vụ vì phát ngôn thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng đến danh tiếng. Đôi khi, đó là những câu chuyện cá nhân nhưng trong thời đại số, cách ứng xử chưa chuẩn mực của nghệ sĩ, của những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực có sự ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, lại rất dễ trở thành vấn đề chung để dư luận soi xét lâu dài. Một phần, xuất phát từ sự đòi hỏi khắt khe của dư luận đối với những người nổi tiếng khiến nghệ sĩ chịu áp lực nặng nề. Nhưng một phần, đó cũng chính là một cách soi chiếu để những người của công chúng cẩn trọng hơn trong văn hóa ứng xử.
Nghệ sĩ và những người làm văn hóa chỉ là danh xưng, họ cũng là những người bình thường, cũng có thể mắc lỗi. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là lỗi lầm lớn tới đâu mà ở chỗ họ ứng xử như thế nào trước những lỗi lầm đó. Lên tiếng kịp thời, nhận sai đúng lúc không chỉ khẳng định bản lĩnh, mà còn là thước đo hành vi ứng xử. Lời xin lỗi không hạ thấp bản thân mà nâng cao thêm giá trị người nói.
Trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật có không ít những nghệ sỹ, người nổi tiếng nhận được sự mến mộ của khán giả, đồng nghiệp và cộng đồng bởi sự nỗ lực hoàn thiện bản thân và những đóng góp cho xã hội. Đối với họ được công chúng quan tâm vừa là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm. Nếu người của công chúng có ý thức trách nhiệm trước xã hội thì sẽ có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng. Nhưng ngược lại nếu sơ sẩy thì cũng rất dễ truyền đi những hình ảnh, thông điệp xấu. Bức xúc, lên án hay đòi xử lý nghiêm… là thái độ của công chúng đối với những hành vi chưa chuẩn mực song cũng nói lên mong muốn những người làm trong lĩnh vực văn hóa hãy thể hiện trách nhiệm, tầm văn hóa của mình trước cộng đồng, xã hội.
Văn hóa Việt Nam đã, đang được đặt trong tâm thế mới, với mục tiêu cốt lõi là xây dựng con người. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đang tích cực xây dựng “Chương trình mục tiêu Quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thiết nghĩ, trước khi tạo nên những bước ngoặt đột phá, khơi dậy khát vọng xây đắp và phát huy “sức mạnh mềm” của nền văn hóa quốc gia, dân tộc, công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa cần bắt đầu từ những hành vi, những ứng xử văn hóa thường nhật của chính những người làm trong lĩnh vực văn hóa. Bởi người xưa đã dạy rằng “hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”.
Thu Hà/VOV2