Niềm hoan lạc của con người

Tập bút ký của Trần Phương Trà với số trang khiêm tốn-275 trang nhưng nói lên được nhiều vấn đề về nhiều mặt của cuộc sống, rất có ý nghĩa, giá trị văn hóa.

 

“Niềm hoan lạc của con người há không phải là con người ư?”

 Đó là câu nói của vị thầy dạy ở Trường Khải Định (Quốc học Huế) nói với học trò sau khi ông kể một câu chuyện… tách một con người ra khỏi đồng loại của nó, nhốt nó vào một nơi nào đó, bỏ vào một số con vật như mèo, chó… Chỉ một thời gian ngắn, con người chán các con vật đó. Cuối cùng, đưa vào nơi nhốt con người ấy một con người. Người ấy sẽ vồ vập, yêu thương người mới đến. Và ông kết luận: Niềm hoan lạc của con người không phải là con người ư?

    Cố GS Hoàng Trinh trong công trình “Ký hiệu - nghĩa và phê bình văn học” (NXB Văn học - 1979) kể lại một thí nghiệm về ngôn ngữ học: Người ta đem một đứa trẻ chưa biết nói sống chung với một số con vật. Sau một thời gian đứa trẻ ấy đã chết.

 Con người với con người, hay quan hệ con người với con người, chính là cuộc sống của con người. Từ một cá nhân đến tập thể, cộng đồng và xã hội. Bản chất của xã hội chính là nội dung của mối quan hệ này.

  Trên tinh thần đó chúng tôi cảm nhận được nội dung của tập bút ký “Đi dọc miền Trung” của tác giả Trần Phương Trà nói lên những quan hệ giữa con người với nhau trong cuộc sống của xã hội Việt Nam từ trong kháng chiến chống Pháp cho đến ngày thống nhất đất nước (năm 1975) và sau này, những năm 20 của thế kỷ XXI (Gặp lại bạn cũ lớp Đệ tứ Khải Định, Sđd, tr.231). Đó là những quan hệ tốt đẹp giữa con người với nhau; Giữa cá nhân, gia đình với sự nghiệp chung của đất nước, trong mọi hoàn cảnh. Nội dung này rất phong phú và cảm động, chỉ xin dẫn một số ví dụ:

   GS Trần Văn Giàu đã động viên và cho phép học sinh bị đau - gãy tay - làm bài thi ngay trong văn phòng của ông. Bài thi của học sinh này được điểm cao (tr.227).

   -  Người con gái tật nguyền Nguyễn Thị Hạnh sinh ra không có hai tay, chị gái em đã không đi lấy chồng, ở nhà chăm sóc em. Em cũng được cộng đồng giúp đỡ tận tình mà tiêu biểu là bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng - bậc lão thành cách mạng - dành ra mỗi tháng 10 ngàn đồng (tiền những năm trước rất có giá) để giúp em Hạnh.

- Ba nhà báo về hưu: Trần Thiên Nhiên, Trần Nhật Lam, Trần Nguyên Vấn năm 1998 được mời làm tờ báo in Tiếng nói Việt Nam. Tết Kỷ Mão (1999), một cộng tác viên họ Trần đã gửi đến tòa soạn bài thơ “Đọc mãi không hết” động viên ba nhà báo cao tuổi: “Báo Đài có ba ông Trần/ Thiên Nhiên rực rỡ muôn phần đẹp tươi/Nhật Lam nhiều nét hơn người/Nguyên Vấn thì rõ vàng mười còn thua/Họ Trần xưa đã làm vua/Thời nay làm báo được mùa Đài ta/Kỷ Mão có mấy lời ca/Gọi là tí chút làm quà đầu xuân/Báo Đài có ba ông Trần… (Sđd, tr.84)

   Và còn nhiều sự tích cao đẹp khác.

  Chúng tôi muốn dừng lại ở tấm lòng của cố GS Trần Văn Giàu.

 Nếu học sinh này - chính là tác giả Trần Phương Trà - bị đau, có thể không làm được bài thi và GS Trần Văn Giàu không có gì đáng phàn nàn coi như một lý do bất khả kháng. Nhưng ông đã rất hiểu những khó khăn của một học sinh. Nếu không làm được bài thi, sẽ phải thi lại. Và ông đã đặc cách cho học trò được ngồi riêng trong văn phòng của ông để làm bài thi.

     Trường hợp em Nguyễn Thị Hạnh, được mọi người giúp đỡ để em sống được bình thường.

     Vừa rồi ở Thanh Hóa có em Lê Thị Thắm, nay là cô giáo dạy tiếng Anh ở trường Tiểu học Đông Thịnh, Đông Sơn, Thanh Hóa. Em Thắm sinh ra không có hai tay, nhưng em quyết tâm học, viết bằng hai chân. Em được Hiệu trưởng trường Đại học Hồng Đức đặc cách cho vào học khoa Sư phạm, và sau này được Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đặc cách tuyển dụng làm giáo viên trường Đông Thịnh. Hai trường hợp này ở Việt Nam đã nói lên tính nhân văn, văn hóa cao cả của người Việt Nam.

 Có thể nói, Đi dọc miền Trung đã nói lên được vẻ đẹp văn hóa của con người Việt Nam, xã hội Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Từ tấm lòng của bà con Đô Lương thời chống Pháp đến phong trào sâu rộng như ở xã Bách Thuận trong chiến tranh và xây dựng hòa bình. Từ ngành đường sắt đến đường biển. Từ nhà trường sư phạm đến nông trường. Từ kỷ niệm ở trường Tiểu học An Hòa đến lớp Đệ tứ Khải Định, dù ở trong nước hay định cư ở Hoa Kỳ, vẫn giữ tình bè bạn, quê hương, đất nước.

Trong văn học từ Đổi mới đến nay, dòng chính, âm điệu chính là trở lại văn học hiện thực phê phán, tuy nội dung và giọng điệu khác hẳn hiện thực phê phán thời 1930-1945, dĩ nhiên. Từ ký của Phùng Gia Lộc, Trần Huy Quang… đến truyện của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương… Tiểu thuyết của Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng… đến Tạ Quy Anh, Nguyễn Phúc Lộc Thành… toát lên điều đó. Đó là sự chính đáng. Vì hiện thực nó đang như thế và sự phê phán là một nhu cầu cũng rất chính đáng. Nhưng dù chính đáng, nó vẫn chỉ đem lại cảm hứng khinh bỉ, căm ghét, hài hước cười cợt…

  Nhưng cuộc sống không chỉ có một mặt trái, tiêu cực là chủ đạo. Cuộc sống vẫn có mặt tích cực, tốt đẹp, cao cả của nó. Và trong thực tế, hiện thực là như thế. Vì vậy, nhưng tác phẩm ký như Đi dọc miền Trung là rất có ý nghĩa, có giá trị văn hóa. Nó cũng như hương thơm, sắc đẹp của hoa quả tự nhiên mà con người hái lượm, yêu thích, trân trọng. Nó đem lại lòng tin cậy cho con người. Đưa con người gần lại với nhau.

Hà Nội, ngày 10/10/2023

Chu Giang

 

Bình luận

    Chưa có bình luận