HLV Troussier sẽ… bẻ lái?

Trong ngày tiếp quản chiếc ghế 'nóng' nhất làng cầu quốc nội, HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam không ngần ngại nhắc đến 'mục tiêu World Cup 2026'.

 

Cái đích ngắm khiến người nghe cảm thấy “sướng lỗ tai” nhưng đang trở thành áp lực lớn khiến “ghế” của nhà cầm quân người Pháp không ngừng rung lắc.

Thời điểm HLV Philippe Troussier đặt bút ký kết những ràng buộc với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, túc cầu giáo nước nhà vừa trải qua “kỷ nguyên Park Hang Seo” rất thành công. Vì lẽ đó, việc ông Troussier chủ động (hoặc buộc phải) hướng đến mục tiêu “ra biển lớn” là… thuận với lộ trình! Dẫu vậy, nếu bình tâm nhìn nhận, chúng ta khó tránh khỏi cảm giác: Dường như đa số người hâm mộ có đôi chút ảo tưởng về sức mạnh của đội nhà; thiếu thực tế về cái gọi là “nền tảng”, “đẳng cấp” của một đội bóng lớn.

Không phủ nhận, đội tuyển của chúng ta đã cán cột mốc lịch sử: Lần đầu tiên lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2022, nhưng điều đó chưa đủ để tạo ra “tầm vóc” một đội bóng lớn. Đây dẫu là những căn cứ khá mơ hồ, khó định lượng nhưng chẳng phải bóng đá Thái Lan thập niên 2010 chính là “bằng chứng sống” đó sao? Họ mất tới cả thập kỷ để hoạch định chiến lược, con người nhưng ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh vẫn mang hình bóng “cánh chim cuối chân trời”. 4 năm sau khi túc cầu giáo xứ Chùa vàng sản sinh ra một thế hệ tài năng thì “người Thái” lại mơ tới tấm vé dự World Cup 2018 nhưng rồi giấc mơ ấy vẫn không thành hiện thực. Như vậy để thấy rằng đường đến World Cup luôn rất gian lao, nhọc nhằn, đòi hỏi một lộ trình dài hơi, liên tục - từ chiến lược tới con người; thậm chí cần đến hơn một thế hệ cầu thủ.

Có lẽ ông Troussier đã “nhìn thấu” và đang đi theo chiến lược này. Từ ngày dẫn dắt đội tuyển, nhà cầm quân ngoại quốc đã trao nhiều cơ hội cho các cầu thủ trẻ, nhân tố mới nhằm tạo ra nền móng vững chãi, đủ sức chinh chiến đường dài. Ở đợt tập trung chuẩn bị cho vòng loại World Cup 2026, lượng cầu thủ trẻ được triệu tập cũng khá đông đảo. Diễn biến trên sân cỏ cũng cho thấy không ít tín hiệu khởi sắc. Khác với đấu pháp “rình rập” dưới thời “thầy Park”, các học trò của HLV Troussier thường chơi tấn công, thời gian kiểm soát bóng cũng tăng lên đáng kể (ở trận với Trung Quốc, dù thất bại chung cuộc 0-2 nhưng thời lượng kiểm soát bóng của đội tuyển Việt Nam trong hiệp 1 lên tới hơn 65%).

 

Song, oái oăm thay, thứ mà ông Troussier còn thiếu lúc này lại là những chiến thắng - để hoàn thành mục tiêu đi tiếp ở vòng loại World Cup 2026; để mang lại nụ cười cho cổ động viên; và còn để ngăn chặn những “dấu hỏi lớn” về năng lực của ông. Nhất là khi ông hành nghề dưới cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm.

Các học trò của HLV Troussier thường chơi tấn công.

Nói cách khác, trước áp lực của “chiến thắng” (cần nhấn mạnh là thời gian gần đây, sau chuỗi thành tích bất xứng kỳ vọng của thày trò ông Troussier, đã có không ít dư luận kêu gọi VFF chấm dứt hợp đồng với chủ nhân băng ghế huấn luyện đội tuyển Việt Nam), nhiều khả năng HLV Troussier sẽ không dám tiếp tục mạo hiểm với cầu thủ trẻ. Đồng nghĩa ở cuộc đối đầu với đội tuyển Philippines ngày 16/11/2023 tới đây, trong đội hình “lữ đoàn đỏ” sẽ là dàn cựu binh dày dặn kinh nghiệm trận mạc.

Nếu kịch bản này xảy ra, có thể sẽ thỏa mãn được cơn khát chiến thắng đã lên đến đỉnh điểm của hàng triệu tín đồ sân cỏ nước nhà (?). Nhưng điều đó ít nhiều sẽ để lại tiếc nuối khi “bản thiết kế” cho mô hình đội tuyển Việt Nam (với đa số các cầu thủ trẻ) phải bấm lệnh dừng, “chưa thi công hoàn thiện đã phải bỏ dở giữa chừng”.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận