Từ tình yêu và niềm đam mê nghệ thuật dân tộc cô Lý Thị Sa Quyên ở ấp An Nhơn, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng đã và đang cố gắng giữ gìn nghệ thuật dân tộc Khmer bằng tất cả đam mê, góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy loại hình văn hóa, văn nghệ tại địa phương.
Ở miền quê sông nước Kế Sách có cô Sa Quyên, năm nay 67 tuổi nhưng luôn tận tụy, hết lòng phục vụ nghệ thuật. Cô may mắn sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật. Cha bà từng là nhạc công, mẹ là diễn viên của gánh hát Dù kê ông Xã Kọn, tại Phum Pô, nay là ấp Sóc Vồ, xã An Ninh, huyện Châu Thành. Tiếp xúc với môi trường nghệ thuật từ nhỏ, các bài bản ca múa in trong kí ức của cô Sa Quyên mỗi khi đi lưu diễn cùng cha mẹ. Học nghề trực tiếp, thuộc lòng lâu ngày nên nghệ thuật đã nảy mầm, đâm chồi trong lòng của cô Sa Quyên.
Được truyền thụ nghệ thuật từ cha mẹ nên cô Sa Quyên ca múa đều nhuần nhuyễn, tham gia lưu diễn cùng với cha mẹ và nhanh chóng nổi tiếng khi tuổi mới đôi mươi. Những năm tháng hoạt động nghệ thuật, cô luôn dành trọn tâm huyết với nghề, dù nhận vai chính hay vai phụ cô cũng luôn hoàn thành vai diễn một cách trọn vẹn nhất. Chính vì thế, tên tuổi của cô ngày càng được nhiều người biết đến và nhiều đoàn đến tìm để mời cô cùng đi lưu diễn. Trong đó có Đoàn Nghệ thuật quần chúng Khmer Pra-sath Kong (Ánh Bình Minh), xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên và Đoàn Nghệ thuật Khmer Ron Ron, xã Phú Tân, huyện Châu Thành. Khi gặp chúng tôi, cô Lý Thị Sa Quyên kể lại năm tháng gắn bó với nghề:
"Những năm tháng đi diễn, khi đạo diễn đặt tôi vào vai chính hay vai phụ thì tôi cũng cố gắng học hỏi và tìm tòi để làm tốt vai diễn mà mình. Tôi không bao giờ lựa vai để diễn, bởi cha mẹ tôi từng dạy tôi rằng "khi con đi diễn con đừng lựa vai, đừng chỉ diễn vai chính, nếu con làm như vậy thì con đường nghệ thuật của con sẽ không có bước phát triển tốt được". Từ đó, tôi luôn ghi nhớ trong lòng, cha và mẹ tôi họ là những nghệ sĩ thực thụ. Từ khi năm 13 tuổi đến nay trong lòng tôi nghệ thuật luôn sống mãi, tôi không bao giờ từ bỏ, dù tôi có mất đi thì tôi cũng mong rằng con cháu của tôi sau này sẽ giữ gìn nó, tiếp bước tôi như tôi đã tiếp bước cha mẹ tôi" - cô Lý Thị Sa Quyên kể.
Đến nay, tuy không còn tham gia biểu diễn nữa nhưng tình yêu nghệ thuật trong cô vẫn cháy bỏng như ngày nào. Tay chân không còn linh hoạt như lúc trẻ nhưng cô vẫn miệt mài biểu diễn từng động tác thị phạm để cho các cháu học theo. Để truyền nghề, cô thành lập 1 đội chay dăm và múa chằn có 10 cháu tham gia. Đến với buổi tập trước sân nhà của cô Sa Quyên chúng tôi mới cảm nhận hết được niềm đam mê và tình yêu nghệ thuật của cô dành cho nghệ thuật dân tộc.
Những bạn trẻ đến với lớp học của cô đa số điều chưa biết gì về múa Chhay dăm hay múa chằn, nhưng khi đến với lớp học này các bạn được cô Sa Quyên chỉ dạy từng động tác, từng bước đi, từng cử chỉ tay chân, nét mặt, đến nay đội Chhay dăm đã có thể đi biểu diễn phục vụ cộng đồng.
Cô Lý Thị Sa Quyên cho biết thêm: "Hiện nay, có nhiều người giỏi lắm nhưng mình phải luôn cố gắng hơn nữa, đó mới chính là tình yêu nghệ thuật dân tộc. Vì thế mình phải hành động thiết thực nên tôi mới cố gắng giữ nghề, hơn nữa tôi thành lập đội Chhay dăm vì tôi thấy rằng nhu cầu của nó trong các lễ hội của dân tộc như: Lễ dâng bông, an vị tượng Phật, lễ đi tu... người dân cần có đội văn nghệ này đi phục vụ, và tôi phục vụ dù nhận được thù lao ít hay nhiều tôi cũng làm, vì tôi yêu nó. Chính vì thế, tôi mới suy nghĩ dạy các con, các cháu và dặn các cháu phải ghi nhớ trong lòng, đây không phải là trò chơi vô bổ mà nó là bản sắc của dân tộc mình. Từ đó, các cháu cũng nghe lời và tập luyện rất nghiêm túc".
Em Lý Văn Mạnh, ở ấp An Nhơn, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ khi về những điều được học cùng cô Sa Quyên: "Em học Cô Sa Quyên từ tháng 8 đến nay. Ban đầu học múa khỉ, múa chằn và học đánh trống Chhay dăm sau khi cô dạy xong em biết hết các môn. Lúc học múa khỉ cô dạy rất kỹ những động tác tay chân làm sao cho đúng vai, tay chân mở rộng và thế đứng vững chắc trông đẹp mắt hơn. Em sẽ cố gắng học từ cô để tiếp bước bảo tồn nghệ thuật dân tộc trong tương lai".
Không chỉ dừng lại ở niềm đam mê múa hát, cô Sa Quyên còn tích cực bảo tồn trang phục biểu diễn trong loại hình sân khấu Dù kê và Rô Băm. Trong khoảng thời gian nhàn rỗi cô luôn ngồi cắt, may các loại trang phục, phụ kiện để phục vụ cho đội Chhay dăn và Rô băm của mình. Những trang phục sặc sỡ sắc màu, lấp lánh ánh sáng treo trong tủ nhà điều do một tay cô làm nên nên rất có bản sắc.
Cô chia sẻ: "Thứ nhất tôi thấy trang phục này cần thiết cho đội múa và Chhay dăm, thứ hai nữa tôi thấy bản thân có tuổi không làm gì nặng được nên tôi mới ngồi may mấy đồ này. Làm như thế để khi có ai cần như chùa hay Trường dân tộc nội trú của huyện cần tôi cho mượn ngay, chỗ nào cần thuê tôi cho thuê, cần mượn tôi cho mượn không tính phí cũng chẳng sao, đó là tấm lòng của tôi với nghệ thuật".
Gặp gỡ với cô Sa Quyên chúng tôi mới cảm nhận được tình yêu vô tận của cô với nghệ thuật dân tộc. Mỗi khi nghe thông báo có nơi thi diễn văn nghệ là cô đăng ký ngay để cho mình và các cháu có dịp biểu diễn và học hỏi thêm kinh nghiệm. Cô giữ gìn và phát huy nghệ thuật dân tộc Khmer bằng cả sự tâm huyết của chính mình. Những vị tiền bối như cô chính là người mở lối để thế hệ trẻ biết đến văn hóa dân tộc và cũng là “ngọn lửa” truyền nghề không bao giờ tắt cho thế hệ mai sau.
CTV Trọng Danh/VOV-ĐBSCL