Trong Lời nói đầu ông tự bạch: “Năm 1996, tôi cho xuất bản tập bút ký đầu tiên “Vị giáo sư và ẩn sĩ đường”. Lúc này, tôi đã ngoài 60 tuổi, là thầy giáo đại học gần 30 năm đã có ít nhiều vốn sống... Chuyện vui, chuyện buồn, chuyện lạ nơi quê hương, nơi xứ người hấp dẫn lôi cuốn tôi. Tôi không có khả năng biến con vịt trời thành con thiên nga mà chỉ ghi chép lại chân thực như một kỷ niệm cho riêng mình...”.
Kể từ cuốn bút ký đầu tiên ấy, đến nay GS Hà Minh Đức đã có 14 tập bút ký được xuất bản. Đầu tiên phải kể đến những tập ký về những người thầy của ông, đến quê hương ông, đến bạn bè của ông. Và những tập bút ký - du ký qua ba lần đến nước Mỹ, nước Nga mà ông yêu mến, và Paris, nơi ông lui tới hai lần. Từng ấy tác phẩm, từng ấy câu chuyện, từng ấy con người nay được ông gói gọn lại trong tập sách gần 400 trang khổ 14,5x20,5cm. Không thể kể hết ra đây.
Nhưng có thể thấy sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tác phẩm của ông là tấm lòng trước sau như một của ông. Trong cuộc sống, trong sự nghiệp nghiên cứu và với bạn bè.
Tập bút ký “Cõi học và người thầy “(NXB Công an nhân dân 2017) là tập bút ký mà Hà Minh Đức tri ân những người thầy lớn của mình. Các GS Đặng Thai Mai, Cao Xuan Huy, Hoàng Xuân Nhị, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Nguyễn Lương Ngọc, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường... Ở trong tuyển tập mới này, ông chỉ chọn và đưa vào 2 người thầy lớn: GS viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn và GS Trương Tửu. Với giáo sư Trương Tửu, ông kể tỉ mỉ về con người - cuộc sống và sự nghiệp giảng dạy tuy ngắn ngủi của ông, về một nhân cách lớn. Hà Minh Đức kể chi tiết lần gặp cuối cùng của GS Trương Tửu với đám học trò năm xưa trong dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày các trò ra trường: Lúc này thầy đã ở tuổi 84 mà vẫn còn sáng suốt, minh mẫn. Thầy nói: “Phải biết vui mừng với những gì có được. Chuyện người xưa đã thế, ngày nay cũng thế, tôi cũng thế và các anh cũng thế”.
Hà Minh Đức nhấn mạnh: “Nghĩ đến các thầy, thế hệ sinh viên chúng tôi ngày ấy vẫn luôn tưởng nhớ, kính trọng”.
Được các nhà trí thức lớn dạy dỗ, ra trường được ở lại làm công tác giảng dạy và nghiên cứu văn học Nguyễn Định Thi, cơ duyên đã đến với nhà giáo trẻ Hà Minh Đức khi ông được làm quen, rồi trở thành bạn bè với nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng của đất nước khi ấy: Văn Cao, Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Anh Thơ, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Tố Hữu... Những ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ những lần gặp gỡ - làm việc với các nhà văn, nhà thơ lớn của một thời đã được ông gìn giữ cẩn thận và sau này, lần lượt giúp ông cho ra các chuyên luận về từng người - cũng lại như một lời tri ân với những người bạn vong niên đã tin cậy, gửi gắm nơi ông những trăn trở, băn khoăn trên bước đường sáng tác của mình.
Tôi muốn nhắc đến tình cảm của ông đối với Nguyễn Đình Thi qua bài viết “Nguyễn Đình Thi - tài năng và danh phận” được in trong tuyển tập này. Hà Minh Đức được biết và làm quen với Nguyễn Định Thi khi tiểu thuyết “Vỡ bờ” tập 1 của ông được xuất bản. Và tình bạn của hai ông bắt đầu từ đấy. Hà Minh Đức kể: “Trong những lần gặp, tôi cũng hay hỏi ông về thơ, thể loại mà ông xem ra nói được mình nhiều nhất, về mình. Cây đàn thơ của Nguyễn Đình Thi có vẻ đẹp riêng và có nhiều âm thanh quyến rũ. Ông có một cách vận dụng ngôn từ chắt lọc, kiềm chế, vô ngôn, ý tại ngôn ngoại. Phẩm chất ấy biểu hiện từ những bài thơ kháng chiến chống Pháp đến những bài thơ viết cuối đời. Với tấm lòng trìu mến, ông kể về mối tình giữa Nguyễn Định Thi và nữ chiến sĩ cách mạng Pháp, nhà báo Ma-đơ-len Rip-phô “vẻ đẹp của hai tâm hồn, hai nhà văn hóa hòa hợp”. Và chuyên luận “Nguyễn Đình Thi, chim phượng bay từ núi” là một chuyên luận thành công về nhà văn - nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi của Hà Minh Đức.
Không phải ngẫu nhiên mà GS Hà Minh Đức để ở đầu tuyển tập “Bút ký và Du ký” của mình những ghi chép về một cuộc họp mặt lý thú kỷ niệm 55 năm lớp sinh viên khóa 8, khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp ra trường. Ông là chủ nhiệm lớp này trong suốt 4 năm học. Cuộc họp được tổ chức ở trụ sở báo Nhân Dân (71 Hàng Trống, Hà Nội).
Khóa 8 Văn khoa Tổng hợp có hơn 100 sinh viên, sau khi ra trường có nhiều người thành đạt trong bước đường công tác của mình. Đến năm 2023 hầu hết đều đã đến tuổi nghỉ hưu. Cả thầy và trò đều vui mừng chúc mừng cựu sinh viên khóa 8 Nguyễn Phú Trọng - người đang được toàn Đảng, toàn dân tín nhiệm trên cương vị Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam.
Trong phát biểu của mình hôm ấy, GS Hà Minh Đức nhắc tới nhiều sinh viên khóa 8 đã có những cống hiến cho đất nước và đã hoàn thành trách nhiệm công tác của mình.
Ông như sống lại niềm vui của tuổi trẻ học đường những năm xưa.
Và tập sách “Bút ký và Du ký” của ông còn là lời cảm ơn những thế hệ học trò của ông đã sống và nghiên cứu - làm việc, góp phần cùng đất nước vượt qua chiến tranh, gian khổ , xây dựng đất nước bước vào thời kỳ thịnh vượng, phát triển như hôm nay.
Đó chính là tấm lòng của một người thầy./.
Thanh Vũ