Miền đất hội tụ tinh hoa văn hoá
Nằm ở vị trí trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định là tỉnh có nhiều di sản văn hóa được thể hiện qua các công trình tôn giáo, tín ngưỡng như: đình, đền, chùa, miếu, lăng, phủ, từ đường…Theo danh mục kiểm kê di tích được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, toàn tỉnh hiện có 1351 di tích, trong đó có 02 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 87 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 328 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra trên địa bàn toàn tỉnh còn có hơn 400 nhà thờ Thiên Chúa giáo và hơn 100 làng nghề truyền thống.
Di sản văn hóa phi vật thể của Nam Định cũng rất đa dạng. Toàn tỉnh có 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. và nhiều loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian như: hát chèo, hát chầu văn, hát ca trù, nghệ thuật múa rối nước, rối cạn, cà kheo, nhạc kèn, múa rồng, múa sư tử, múa lân... và 236 lễ hội truyền thống.
Nói tới di sản văn hóa Nam Định không thể không nhắc đến những ẩm thực mang nét văn hóa đặc trưng của người Nam Định: Đó là phở bò Nam Định, bún đũa, bánh cuốn Làng Kênh, nem nắm Giao Thủy, cùng với các sản phẩm đặc sắc như gạo tám xoan Hải Hậu, nước mắm Sa Châu đã được sách kỷ lục Việt Nam đưa vào Top 100 món ăn đặc sản tiêu biểu của cả nước. Các sản phẩm kẹo lạc Sìu Châu, bánh nhãn Hải Hậu, gạo tám Xuân Đài, cá nướng úp chậu Trực Ninh, cá chạch kho Nghĩa Hưng…được xếp hạng OCOOP và được thực khách rất ưa chuộng, tin dùng.
Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nhất là gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày 09/6/2016, Ban BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về “Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định” đã xác định nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa là một trong các nhiệm vụ trọng tâm.
Các lễ hội được tổ chức theo đúng nghi thức truyền thống. Phần lễ tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính. Phần hội được tổ chức quy mô, hình thức tổ chức với nhiều nội dung, nhiều hoạt động, phong phú hấp dẫn. Các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra được triển khai, phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các địa phương. Công tác an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn giao thông, trật tự được tăng cường. Thông qua tổ chức lễ hội đã huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân, phần lớn kinh phí tổ chức lễ hội (nhất là lễ hội truyền thống) đều do nhân dân và du khách thập phương tự nguyện đóng góp. Các lễ hội hầu hết được tổ chức tại các điểm di tích, danh thắng nên việc tổ chức tốt lễ hội không chỉ nhằm tạo thuận lợi cho người dân du xuân vãng cảnh, thực hành tín ngưỡng tâm linh truyền thống mà còn tạo điều kiện phát triển du lịch.
Xây dựng các loại hình văn hoá lành mạnh, tiến bộ
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cho biết, nhằm gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố kiểm kê, quản lý, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể theo Luật Di sản văn hóa; Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương, các địa phương tổ chức nghiên cứu, khảo sát, kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn để xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh.
Nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Nam Định đã được ghi danh Quốc gia và nhân loại. Đặc biệt tháng 12/2016, tại thành phố Addis Ababa, nước Cộng hòa dân chủ liên bang Etiopi, Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” chính thức được vinh danh ở tầm quốc tế. Sau khi được vinh danh, tỉnh đã tập trung xây dựng Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở tỉnh Nam Định đến năm 2030” (Quyết định số 1255/QĐ-UBND) trong đó có mục tiêu: từng bước phát huy giá trị của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa của người dân khu vực Nam Định, trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ nhằm tăng cường khả năng đối thoại giữa các cộng đồng, phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Ngày 21/10/2020, Sở Nội vụ tỉnh Nam Định có Quyết định số 2107/QĐ-SNV cho phép thành lập Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định. Một trong các tôn chỉ mục đích hoạt động của Hội là tuyên truyền, bảo vệ những giá trị của “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, đấu tranh, phê phán những hành động làm sai lệch, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của di sản, đề xuất các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo tinh thần của Luật Di sản văn hóa.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã triển khai xây dựng các kế hoạch, đề án về kiểm kê di tích, bảo tồn một số loại hình di sản văn hoá phi vật thể đặc trưng của Nam Định như: nghệ thuật Ca trù, hát Chèo, hát Chầu văn, múa rối nước.
Di sản văn hóa Nam Định là một nhân tố đắc lực, thực sự góp phần tạo nên bản sắc riêng của tỉnh Nam Định trong bối cảnh hội nhập và có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa tiếp tục đạt hiệu quả, thời gian tới Nam Định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản của Đảng, Chính phủ, của Bộ VHTTDL và của UBND tỉnh về di sản văn hoá tới các cấp, các ngành, các địa phương và người dân trong tỉnh.
Tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá và các di sản văn hoá phi vật thể đã được ghi danh. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính quyền địa phương, các ngành chức năng; tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý di tích và lễ hội; thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội theo đúng quy định của pháp luật.
Huy động các nguồn lực để tập trung đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử văn hoá có giá trị tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế, gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hoá với phát triển du lịch. Khuyến khích thu hút các nguồn lực xã hội hoá trong công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác quản lý, tổ chức các lễ hội, góp phần giáo dục truyền thống và phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương, con người Nam Định đến với du khách trong và ngoài nước. Làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa của quê hương cũng là một trong những mục tiêu chính, góp phần thúc đẩy kinh tế xã - hội tỉnh Nam Định phát triển./
11 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là: lễ hội Phủ Dầy, lễ hội Đền Trần, lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, lễ hội Chùa Đại Bi, lễ hội Đền Đức Thánh tổ xã Yên Xá, nghề sơn mài Cát Đằng, lễ hội Đền Chùa Linh Quang, Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định, nghệ thuật hát Ca trù, Lễ hội chùa Cổ Lễ, Lễ hội Thái bình xướng ca.
|