. Vấn đề này tiếp tục là điểm nóng được đem ra thảo luận tại hội thảo Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh, diễn ra mới đây trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23.
Mặt trái của internet: Dung dưỡng vi phạm bản quyền
Tham luận tại hội thảo, bà Phạm Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT&DL cho rằng, môi trường internet tạo điều kiện cho các hành vi xâm phạm quyền tác giả được thực hiện một cách dễ dàng với mức độ thiệt hại rất cao và đặt ra rất nhiều thách thức đối với việc bảo hộ quyền tác giả, đặc biệt là các thách thức về mặt pháp lý. “Internet tạo điều kiện cho người sử dụng có thể truy cập, sử dụng thậm chí kinh doanh trái phép các tác phẩm này mà không trả tiền sử dụng gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả”, bà Phạm Kim Oanh nhận định
Nhiều nhà làm phim chia sẻ, họ không ít lần là nạn nhân của tình trạng vi phạm bản quyền, phim bị livestream trái phép ngay khi vừa chiếu rạp, nhiều đoạn trích bị quay lậu post lên mạng làm clip review (tóm tắt, đánh giá phim). Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, hai bộ phim của anh là “578: Phát đạn của kẻ điên” và “Xẩm đỏ” đang bị phát tán trái phép vô tội vạ trên mạng. Đạo diễn Võ Thanh Hòa lấy ví dụ, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”, “Con Nhót mót chồng” và “Siêu lừa gặp siêu lầy” là các phim bị cắt ra thành nhiều clip nhỏ, phát trên mạng xã hội nhằm qua mặt các thuật toán kiểm duyệt. Xa hơn nữa, chưa ai quên chuyện nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng bức xúc vì phim “Cô Ba Sài Gòn” bị livestream lậu. Luật sư Quách Văn Minh - Tổng thư ký Hội Bảo vệ quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam (VAFC) chia sẻ, trào lưu review phim nếu không được nhận thức và định hướng sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh. Review chỉ là bề nổi, đằng sau đó là mục đích câu view, kiếm tiền bất chính, gây tổn hại đến quyền lợi của đơn vị sản xuất phim.
Một thời gian dài, công chúng nước ta đã quen với việc các tác phẩm điện ảnh truyền hình được trình chiếu một cách miễn phí hoặc định giá thấp trên các nền tảng miễn phí được nhà nước trợ cấp, từ đó hình thành thói quen xem nhẹ công sức lao động của các nhà làm phim. Bên cạnh đó, theo luật sư Quản Văn Minh, một phần nguyên nhân nữa là do các đơn vị sản xuất phim chưa nhận thức đầy đủ về các biện pháp bảo hộ của pháp luật Việt Nam: “Việc chưa hiểu rõ các quy định pháp luật, chưa biết sử dụng các biện pháp bảo hộ mà pháp luật quy định (như tìm đến các luật sư, các cơ quan chức năng bảo vệ, tố cáo trước các cơ quan thực thi pháp luật đối với những hành vi xâm phạm bản quyền…) hay đăng ký bản quyền cho tác phẩm… cũng được cho là những nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng xâm phạm bản quyền vẫn tiếp tục diễn ra”.
Cần giải pháp quyết liệt, cụ thể
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, để giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam phải đi từng bước một, trước hết là thay đổi nhận thức của người dùng về giá trị tác phẩm điện ảnh: “Cần coi tác phẩm điện ảnh là một sản phẩm kinh doanh được làm ra từ tiền bạc và trí tuệ của nhà làm phim. Vì vậy khi đưa ra rạp cũng cần được bảo vệ một cách đúng mực, đúng quy định pháp luật. Không phải bất kỳ cá nhân, hay tổ chức nào cũng có thể xâm phạm một cách dễ dàng bằng ngôn từ”.
Luật sư Quản Văn Minh gợi ý một giải pháp mà theo ông là phát huy hiệu quả nếu được triển khai đồng bộ, đó là: Chặn nguồn thu quảng cáo của các trang web lậu. “Biện pháp này đã được nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Úc, Anh thực hiện khá hiệu quả. Ví dụ, tại nước Anh, lực lượng cảnh sát chống tội phạm sở hữu trí tuệ được thành lập. Mô hình xử lý vi phạm bản quyền của Anh được đánh giá khá thành công do có sự phối hợp của Chính phủ, các nhà sở hữu quyền và các đơn vị quảng cáo”, luật sư Quản Văn Minh phân tích.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, bà Phạm Kim Oanh cho rằng, cần triển khai đồng bộ 4 giải pháp: Hoàn thiện văn bản pháp lý, nâng cao nhận thức và ý thức từ các chủ sở hữu bản quyền, tăng cường công tác truyền thông đến công chúng, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan. Về cơ chế xử phạt vi phạm hành chính, phải tăng mức phạt để đủ sức răn đe./.