NSND Tạ Duy Ánh: Ảo thuật Việt Nam cần được đầu tư

'Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần thứ IV năm 2023 vừa qua được diễn ra tại TP.HCM quy tụ được nhiều đơn vị, cá nhân tham gia.

 

Nhân dịp này phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn ông Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo về xu hướng phát triển của bộ môn nghệ thuật này.

Qua Liên hoan Ảo thuật lần này, ông đánh giá như thế nào về ảo thuật của Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới?

  Theo nhận định chung của những nhà nghiên cứu ảo thuật quốc tế, khoa học kỹ thuật của quốc gia phát triển ở tầm nào thì bộ môn ảo thuật của nước đó phát triển ở tầm ấy. Nói như vậy để thấy rằng, Việt Nam đang hội nhập và phát triển nên đây cũng là cơ hội để ảo thuật Việt Nam tiếp thu và học hỏi được nhiều kỹ thuật và xu hướng biểu diễn mới của ảo thuật nước bạn!

Ông Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Vậy ảo thuật gia ở ta cần cập nhật những kỹ năng gì để đáp ứng yêu cầu của khán giả, thưa anh?

 Qua Liên hoan Ảo thuật lần thứ IV có thể thấy rõ các ảo thuật gia của Việt Nam đang rất cố gắng, họ có đam mê và mong muốn ảo thuật nước nhà phát triển. Nhiều thí sinh tự đầu tư mua các đạo cụ và công nghệ mới đắt tiền. Tuy nhiên nếu chỉ bỏ tiền mua đạo cụ và công nghệ nhưng sự tìm tòi, sáng tạo chưa đủ lớn thì cũng khó có thể cho ra một tiết mục có phong cách, dấu ấn riêng. Nếu dàn dựng tiết mục mà dập khuôn như các ảo thuật gia quốc tế sẽ rất đáng tiếc, vì tới đây để hội nhập sâu rộng hơn Việt Nam sẽ tổ chức các cuộc thi ảo thuật khu vực và quốc tế, rồi một số ảo thuật gia Việt Nam sẽ đi thi ở các nước. Chúng ta sẽ rất khó có giải cao nếu như đạo cụ, công nghệ và kỹ thuật biểu diễn giống như các ảo thuật gia quốc tế đã làm.

Làm thế nào để ảo thuật Việt Nam có những suất diễn lớn chứ không chỉ là những tiết mục nhỏ lẻ đi kèm trong chương trình của các loại hình nghệ thuật khác?

Muốn bộ môn nào phát triển thì phải có sự quan tâm đầu tư về mọi mặt, nhất là về kinh tế và con người. Đầu tư về kinh tế để xây dựng sân  khấu dành riêng cho ảo thuật và mua sắm những đạo cụ mới hiện đại... Còn đầu tư về con người là đào tạo nhân lực bài bản về kỹ năng, phong cách biểu diễn, xử lý tình huống, cách làm chủ sân khấu, biết tương tác và giao lưu với khán giả…

Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam rất quan tâm đến bộ môn ảo thuật nên đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM tổ chức Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần thứ IV. Qua cuộc thi, chúng ta có thể thấy mặt bằng chung của ảo thuật Việt Nam. Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và Hội đồng Nghệ thuật ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị và cá nhân tham gia, nhưng đáng tiếc là đa số họ lại chưa nhận được sự quan tâm, trợ giúp nào, mà phải tự thu xếp mọi thứ để có thể dự thi. Chúng tôi nhận thấy phần lớn ảo thuật gia dành thời gian đi biểu diễn để mưu sinh, ít có điều kiện trau dồi, nâng cao nghề nghiệp. Vậy nên mong muốn về một sân khấu chuyên nghiệp dành riêng cho bộ môn ảo thuật Việt Nam xem ra vẫn còn là một chặng đường xa.

Ngoài việc tổ chức các sự kiện mang tính chuyên môn cao như Liên hoan ảo thuật, cấp phép biểu diễn, các cơ quan chức năng, hội nghề nghiệp còn có hoạt động nào thiết thực để ảo thuật Việt Nam có thể phát triển trong tương lai, thưa ông?

Trong khuôn khổ Liên hoan Ảo thuật toàn quốc vừa qua, Ban chỉ đạo và Ban tổ chức đã tổ chức tọa đàm để trao đổi các vấn đề liên quan đến việc nâng cao kỹ năng và trình độ chuyên môn cho người biểu diễn ảo thuật, đồng thời có thể đánh giá đúng thực trạng và có các giải pháp tháo gỡ những khó khăn tồn tại của bộ môn này. Tiếc là thời gian của buổi tọa đàm không nhiều để tất cả các ảo thuật gia nói hết những nỗi niềm, những trăn trở, mong muốn của họ… Tuy nhiên từ thời gian hạn hẹp của buổi tọa đàm đã gợi mở cho các nhà quản lý cùng các ảo thuật gia bước đầu trao đổi để dần hiểu được những khó khăn, trăn trở, những mong muốn của anh em làm nghề để cùng tìm cách tháo gỡ hoặc đề xuất cơ chế với các cấp lãnh đạo có liên quan.

Để phát triển bộ môn ảo thuật một cách bài bản, bền vững cần phải có nguồn nhân lực chuyên nghiệp.

Anh nhận xét như thế nào về các trường hay cơ sở đào tạo ảo thuật của Việt Nam hiện nay?

Để phát triển bộ môn ảo thuật một cách bài bản, bền vững cần phải có nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Các học viên phải được học tập nghiêm túc các bộ môn từ cơ bản như kỹ thuật của ảo thuật, kỹ thuật biểu diễn, phương pháp sáng tạo trong dàn dựng tiết mục… Hiện nay chúng ta mới có Trường trung cấp Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam có khoa đào tạo về ngành ảo thuật. Tuy nhiên là đơn vị đào tạo công lập nên sẽ phải theo những quy định của nhà nước về tuyển sinh như các bộ môn cơ bản, các môn học nghệ thuật và phụ trợ…

Về giải pháp ngắn hạn cần có sự quan tâm của các cấp để mở ra các lớp tập huấn giúp cho các ảo thuật gia đang hành nghề nâng cao trình độ chuyên môn và các kỹ năng khác! Muốn nâng cao chất lượng đào tạo, các trường, các cơ sở cần phải tuyển dụng các thầy cô có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, mời các chuyên gia nước ngoài về giảng dạy, tập huấn cho học viên.

Xin cảm ơn ông!

Vũ Nga thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận