Nhiều làng nghề đang có nguy cơ mai một vì các nghệ nhân không thể "gồng gánh" nổi trong điều kiện khó khăn hiện nay. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những làng nghề "sống khỏe" nhờ những bước đi bài bản, sự quan tâm, đầu tư, thích đáng từ phía cơ quan quản lý.
Nguy cơ nghề gia truyền thành “thất truyền”
Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch”được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt vào năm 2020 và giao cho UBND thành phố Thủ Dầu Một triển khai thực hiện. Dự kiến đến năm 2024, đề án sẽ hoàn thiện, từ đó góp phần bảo vệ, phục hồi làng nghề sơn mài trước nguy cơ mai một. Định hướng là vậy, nhưng đến nay đề án vẫn “nằm trên giấy”.
“Tôi đóng hàng cho người ta từ món hàng nhỏ nhất, khâu đóng gói mình tự làm để đảm bảo. Ngày xưa, hàng hóa xuất khẩu toàn container chứ không như bây giờ không có bóng người lại đây mua đồ” - Đó là trăn trở của bà Trương Thị Thúy Diễm, chủ Cơ sở sơn mài Thùy Vân, ở phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Theo bà Diễm, trước đây, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp rất được ưa chuộng và liên tục có đơn hàng xuất khẩu đi các nước. Sau đó, chịu sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường nên đơn hàng xuất khẩu giảm, đơn hàng trong nước cũng vắng bóng. Thu nhập không đảm bảo nên nhiều người bỏ nghề đi làm công nhân dẫn đến làng nghề thiếu thợ. Gần đây nhất, ảnh hưởng của dịch COVID-19 rồi đến chiến tranh Nga-Ukraine, lạm phát kinh tế thế giới khiến làng nghề càng khó để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bà Diễm cho biết, do không đủ kinh phí hoạt động, bà đành trả mặt bằng trưng bày sản phẩm và đóng cửa xưởng sản xuất của gia đình. Giờ đây muốn sản xuất lại phải đầu tư thêm máy móc, cải tạo nhà xưởng nhưng không có vốn. Hơn 35 năm gắn bó với nghề nên bà rất nuối tiếc nếu phải từ bỏ.
Cũng như gia đình bà Diễm, từ hàng trăm hộ dân trong phường Tương Bình Hiệp và các địa phương ở TP.Thủ Dầu Một theo nghề sơn mài thì nay chỉ còn 15 hộ duy trì sản xuất. Các hộ trụ với nghề cũng đang gặp nhiều khó khăn để cải tạo nhà xưởng, tìm đầu ra cho sản phẩm, từ đó mới có kinh phí giữ chân thợ.
Khó khăn chồng chất nên khi biết Bình Dương xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một” và dành quỹ đất hơn 5,4ha ở khu phố 8, phường Tương Bình Hiệp xây dựng làng nghề ai cũng vui mừng, phấn khởi. Thế nhưng, sau lễ công bố rồi đến lễ khởi động thì đến nay Đề án lại tạm dừng để điều chỉnh và khu đất xây làng nghề vẫn là bãi đất trống.
Trước sự mai một của làng nghề, cũng như trăn trở của những người yêu nghề, Hiệp hội Sơn mài Điêu khắc tỉnh Bình Dương cũng đã liên tục kiến nghị với cơ quan chức năng sớm triển khai xây dựng làng nghề.
Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Sơn mài- Điêu khắc tỉnh Bình Dương cho biết, Đề án được hình thành từ năm 2017 sau khi làng nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thế nhưng đến nay, đề án vẫn chưa có bản vẽ chi tiết, kế hoạch, quy chế hoạt động để doanh nghiệp có bước chuẩn bị.
Nói về nguyên nhân Đề án chậm triển khai, lãnh đạo UBND thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương giải thích, trong 2 năm 2020 và 2021 địa phương tập trung dập dịch COVID-19. Đề án do Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn xây dựng, tham mưu UBND tỉnh Bình Dương từ năm 2017 vẫn còn thiếu nhiều hạng mục nên giờ đây UBND thành phố đang rà soát, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. UBND thành phố đã hoàn thiện Đề án và chuyển Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn xem xét trình UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định phê duyệt.
Ông Võ Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một khẳng định, cuối năm nay, địa phương sẽ hoàn thiện thủ tục liên quan đến dự án để đầu tư xây dựng làng nghề trong năm 2024. Khu này có tất cả các điều kiện để sản xuất như hệ thống xử lí khí thải, nước thải, chất thải nhưng việc đưa hộ dân vào sản xuất thì cần phải tính toán lại.
Theo Đề án, khu làng nghề sơn mài tập trung sẽ có cổng chào, nơi trưng bày sản phẩm, nơi trình diễn kỹ thuật làm nghề, Nhà thờ Tổ. Song song đó, các đơn vị sẽ kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước.
Đề án mở ra hy vọng cho nhiều lớp nghệ nhân trong việc vực dậy làng nghề trước những “sóng gió” bên ngoài. Do đó, họ mong muốn chính quyền địa phương sớm triển khai thực hiện một cách nghiêm túc để khôi phục làng nghề trước nguy cơ mai một.
Bài học thành công từ gốm Bàu Trúc
Năm nay bước qua tuổi 70, Nghệ nhân Trượng Thị Gạch ở làng gốm Bàu Trúc vẫn miệt mài với nghề gốm truyền thống của tổ tiên. Điều mà bà Gạch quan tâm nhất là phải truyền dạy cách làm nghề cho con cháu của mình: Mong muốn con cháu mình nó yêu nghề truyền thống này, nó học hỏi đề làm được nghề. Mình cố gắng chỉ dạy lại cho con cháu của mình. Làm sao phải giữ được nghề truyền thống của ông bà mình để lại, mẹ truyền lại cho mình, mình truyền lại cho con, con truyền lại cho cháu, cứ vậy truyền miết”.
Làng nghề gốm Bàu Trúc được trường tồn cho đến ngày nay chính là nhờ việc lưu truyền bí quyết, tinh hoa làm gốm giữa các thành viên trong gia đình, từ đời này sang đời khác.
Đặc trưng của gốm Chăm là không dùng bàn xoay để tạo hình mà chủ yếu nhờ đôi tay khéo léo của nghệ nhân để thổi hồn vào đất. Đây là nét độc đáo thể hiện sự tinh tế, chịu khó của phụ nữ Chăm. Những hoạ tiết truyền thống bao gồm đường răng cưa hình xoắn, hoa văn thực vật... được tạo nên từ vỏ sò và các dụng cụ sinh hoạt hằng ngày của bà con.
Từ nét đặc trưng đó, năm 2017, Bộ Văn hoá - Thể thao và du lịch đã công nhận nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Gần đây nhất, ngày 29/11/2022, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Ông Vạn Quan Phú Đoan, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Thương mại và dịch vụ gốm Chăm Bàu Trúc cho biết, từ khi nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm được đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, số lượng khách tham quan làng nghề ngày càng nhiều. Nhất là các dịp lễ hội, sản phẩm gốm Chăm được tiêu thụ nhanh chóng: “Khách thập phương rất ưa chuộng và họ mua nhiều sản phẩm để mang về. Ở đây chúng tôi cũng có dịch vụ gởi sản phẩm sau khi khách đã mua. Khi khu di tích này khách đông, thì lượng khách hàng đông. Ngoài quần lưu niệm ở đây, khách còn tìm đến tham quan 2 làng nghề và mua sản phẩm trực tiếp tại làng nghề”.
Làng gốm Bàu Trúc hiện có 300 hộ làm nghề, 2 hợp tác xã gốm, 2 công ty và 60 cơ sở sản xuất gốm hoạt động thường xuyên. Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Ninh Thuận triển khai nhiều đề án bảo tồn tại làng nghề gốm Bàu Trúc. Trong đó, có đề án đầu tư xây dựng tuyến du lịch trọng điểm tỉnh Ninh Thuận và gần đây nhất là dự án của Ấn Độ với vốn đối ứng của tỉnh, trị giá hơn 19 tỷ đồng, đầu tư xây dựng Nhà sinh hoạt cộng đồng tại làng nghề.
Hiện nay, làng gốm Bàu Trúc đang tập trung phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản văn hoá phi vật thể, vừa góp phần đảm bảo cuộc sống cho người dân, vừa bảo tồn nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Chăm nơi đây.
Trong đó, dự án phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản tại làng gốm Bàu Trúc do Hội đồng Anh tài trợ được thí điểm vào năm 2018 và đã mang lại hiệu quả tích cực cho làng nghề Bàu Trúc. Số lượng đoàn tham quan làng nghề ngày càng nhiều hơn, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Ông Đàng Chí Quyết, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Quản lý khu phố khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho biết, để tạo điều kiện cho người dân làm du lịch, Ban Du lịch cộng đồng tại làng gốm Bàu trúc được thành lập, gồm 15 thành viên chính. “Có các nhóm như: nhóm ẩm thực, nhóm nghệ nhân, nhóm văn nghệ, nhóm tìm hiểu văn hoá Chăm (chức sắc) nằm trong Ban Du lịch cộng đồng từ năm 2018 đến nay. Không chỉ hoạt động tại làng nghề, các nhóm này còn đi phục vụ tại TP. Phan Rang – Tháp Chàm khi khách có nhu cầu” – ông Đàng Chí Quyết cho biết.
Bà Đàng Sinh Ái Chi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, địa phương đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, đào tạo nhân lực làm gốm và nhân sự du lịch: “Việc gắn kết với du lịch ở đây đã có nhiều chủ trương, chính sách như tổ chức tập huấn cho con em làng nghề biết cách làm du lịch. Cùng với đó là các chương trình đào tạo về thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch, quảng bá sản phẩm làng nghề. Hiện nay, du khách đến tham quan làng nghề ngày một đông, trong đó có làng gốm”.
Lời giải nào cho các làng nghề hiện nay?
Các nghệ nhân, thợ giỏi kiên trì với con đường nghệ thuật, nghệ thuật hóa các sản phẩm của mình, đưa văn hóa trở thành hồn cốt của các sản phẩm, mang lại giá trị cao cho sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương cũng như quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Các nghệ nhân thợ giỏi được xem như hồn cốt của các nghề, làng nghề truyền thống, những người biến các sản phẩm đơn thuần thành các tác phẩm nghệ thuật “những tài hoa kết tinh giá trị”, những người đóng góp cho việc tạo dựng văn hóa Việt, văn hóa làng nghề và truyền lại cho con cháu đời sau.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất giải pháp để nâng cao giá trị các làng nghề, đặc biệt là những sản phẩm của nghệ nhân và thợ giỏi, cùng với sự chủ động của các làng nghề. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ kết nối doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm làng nghề: “Mỗi nghệ nhân, thợ giỏi có thể truyền cảm hứng cho những người lao động cùng tạo ra được sản phẩm làng nghề, trong sản phẩm đó có bóng dáng của nghệ nhân làng nghề. Làm sao để những sản phẩm ở tỉnh Hà Giang, Tây Nguyên, Đồng Tháp, Long An đều được mọi người biết đến. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng với làng nghề tạo ra thị trường, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ cho những sản phẩm làng nghề. Mục đích cuối cùng là phải bán những sản phẩm của bà con của làng nghề mình”./.
Theo VOV.VN