Khai thác 'mỏ vàng' văn hóa

Ngành văn hóa Việt Nam trong năm 2023 đã có những bước phát triển ấn tượng, cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và hành động...

 

Bùng nổ concert đẳng cấp

Chưa năm nào người hâm mộ Việt Nam được chứng kiến nhiều ngôi sao âm nhạc quốc tế trên chính “sân nhà” của mình nhiều như năm 2023. Blackpink, 911, Charlie Puth, Kenny G, Maroon 5, Katy Perry,… đã có những đêm nhạc “đã mắt, đã tai” khán giả trên dải đất hình chữ S, thu hút không chỉ fan Việt mà cả người hâm mộ quốc tế đến để thưởng thức những sự kiện âm nhạc giải trí đẳng cấp.

Góp sức cùng dàn sao ngoại đình đám, những nhà tổ chức và nghệ sĩ bản địa cũng để lại những dấu ấn trong năm 2023 bằng loạt sự kiện như Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa Monsoon diễn ra suốt một tuần lễ tại Hà Nội hay Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP.HCM Hozo thu hút hơn 200.000 người xem chỉ trong 3 ngày. Xen kẽ vào đó là Lễ hội Âm nhạc kết nối cộng đồng BridgeFest và đêm concert chung kết ca sĩ Mặt nạ mùa 2. Đó đều là những sự kiện âm nhạc lớn, duy trì được tần suất định kỳ, cho thấy mức độ sẵn sàng của các đơn vị tổ chức và sự hưởng ứng, ủng hộ từ khán giả, những người sẵn sàng chi ra những khoản tiền không nhỏ để mua vé bất chấp tình hình kinh tế không thực sự khả quan.

Với khán giả, đó là cơ hội để trải nghiệm âm nhạc, nhưng với các nhà tổ chức, nhà quản lý đó là lời giải cho câu hỏi: Ngành nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đã sẵn sàng sánh vai với thế giới hay chưa? Việc các ngôi sao quốc tế chọn Việt Nam làm điểm đến cho thấy hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của chúng ta đã đáp ứng được nhu cầu của các sự kiện ở đẳng cấp cao nhất. NSƯT Bùi Công Duy - sau khi thưởng thức đêm nhạc Kenny G tại Nhà hát Hồ Gươm - đã nói rằng: “Việc Kenny G biểu diễn ở Nhà hát Hồ Gươm cho thấy khả năng ưu việt của một nhà hát đa năng với hệ thống âm thanh hiện đại nhất thế giới, có sự đầu tư trang thiết bị mà nhà tổ chức đêm nhạc ước ao. Đây là tín hiệu vui để Việt Nam sẽ là điểm đến của các huyền thoại và nghệ sĩ hàng đầu thế giới”.

Cú bắt tay của âm nhạc và du lịch

Đi kèm với chất lượng sân khấu là hệ thống khách sạn lưu trú, dịch vụ ăn uống, đi lại, thưởng lãm cảnh đẹp điểm đến, sự sẵn sàng tour tuyến để níu chân du khách khám phá cảnh đẹp sau khi trải nghiệm nghệ thuật. Nói cách khác là sự bắt tay giữa âm nhạc và du lịch.

Theo một báo cáo của công ty thanh toán điện tử visa, du lịch âm nhạc đang là xu thế của ngành du lịch thế giới sau dịch Covid-19, trong đó Việt Nam nằm trong top 3 các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương về tần suất tham dự hoạt động biểu diễn nghệ thuật với 41% (dẫn đầu là Ấn Độ với 45% và thứ 3 là Indonesia với 40%).

Theo nền tảng đặt phòng trực tuyến Agoda, kể từ khi xuất hiện thông tin ngôi sao âm nhạc Mỹ Charlie Puth biểu diễn tại Nha Trang, số lượng tìm kiếm nơi lưu trú tại đây tăng 80% với khách nội địa và 25% khách quốc tế. Còn theo Sở Du lịch Hà Nội, 2 đêm diễn Blackpink tại Hà Nội đem đến lượng khách hơn 170.000 người, doanh thu 600 tỷ đồng.

Có thể thấy, các sự kiện âm nhạc là một đòn bẩy kinh tế lớn không chỉ cho địa điểm diễn ra đêm diễn mà còn có ý nghĩa liên vùng. Âm nhạc và du lịch - đều là những đơn ngành thuộc ngành văn hóa, là những phạm trù không thể tách rời nhau. Xu hướng du lịch kết hợp đi xem concert sẽ đem đến nhiều nguồn lợi cho cả ngành giải trí lẫn du lịch.

Lễ hội Âm nhạc quốc tế Gió mùa Monsoon diễn ra suốt một tuần lễ tại Hà Nội. Điện ảnh là nNgọn cờ đầu về doanh thu

Những năm qua, bất chấp một số khó khăn khách quan và chủ quan, điện ảnh Việt Nam đang có sự phát triển ấn tượng. Tổng doanh thu 10 phim ăn khách nhất Việt Nam mọi thời đại là trên 2.200 tỷ đồng, tương đương với tổng doanh thu ước đạt của ngành du lịch Việt năm 2023. 

Chỉ tính riêng 2023, dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng doanh thu của 25 tác phẩm phim Việt trong 10 tháng đã là hơn 1.500 tỷ đồng. Nếu tính cả doanh số phát hành phim quốc tế, thị trường chiếu bóng Việt Nam đã đem lại doanh số gần 3.500 tỷ đồng, nhiều khả năng sẽ cán đích thứ hai trong danh sách năm dương lịch có doanh thu cao nhất mọi thời đại (dẫn đầu là năm 2019, doanh thu toàn thị trường chiếu bóng Việt đạt 4.100 tỷ đồng). Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, những con số này cho thấy tiềm năng phát triển lớn của điện ảnh nội địa.

Bên cạnh những con số, xu thế phát triển của điện ảnh Việt Nam năm qua cũng ghi nhận nhiều điểm sáng. Về mặt nội dung, nếu 10 năm trước đa số là các tác phẩm hài nhảm vô thưởng vô phạt thì các phim điện ảnh sản xuất trong năm 2023 đã khai thác nhiều hơn các chất liệu văn hóa dân gian bản địa, dựa trên lịch sử, hoặc khai thác các câu chuyện gia đình đương đại để góp phần mang hình ảnh Việt Nam ra với thế giới, góp phần xóa bỏ định kiến “nói đến điện ảnh Việt Nam là nói đến những bộ phim chiến tranh”.

Có thể kể ra “Tết ở làng Địa Ngục” và “Kẻ ăn hồn” của đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân, dựa trên tiểu thuyết của Thảo Trang. Đây là dự án kép gồm một phim truyền hình và một phim điện ảnh khai thác đậm đà các yếu tố văn hóa bản địa như đám cưới chuột, múa rối nước, các nét văn hóa vùng cao… Dự án này được đánh giá cao nhờ bối cảnh hùng vĩ, hoành tráng, sự chỉn chu trong thiết kế mỹ thuật. Tương tự, trong “Đất rừng phương Nam” đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng dựng lại cả một khu phố cổ Sài Gòn - Gia Định xưa kia. Phim Việt đã không chỉ khai thác các bối cảnh đương đại nữa, mà các nhà sản xuất, nhà đầu tư đã mạnh dạn tái hiện những bối cảnh xưa, những thứ tốn rất nhiều tiền khi sản xuất. Điều đó cho thấy, quy mô và tiêu chuẩn sản xuất điện ảnh Việt Nam đã tăng lên một bậc trong năm nay. Nhà sản xuất chỉ thúc đẩy số tiền đầu tư khi họ tính toán được khả năng có lãi, đồng nghĩa với sự phát triển của toàn ngành, toàn thị trường.

Từ điện ảnh cũng khơi thông dòng chảy sang ngành công nghiệp nội dung khai thác các tài nguyên sở hữu trí tuệ (IP). Nếu như trước đây, phim chỉ là phim thì nay đi kèm với phim còn là vô số vật phẩm đi kèm. Đơn cử như dự án “Tết ở làng địa ngục”. Xuất phát từ tiểu thuyết đã có một TV series, sau đó là một phim điện ảnh kể về thế giới tiền truyện của tiểu thuyết, tiếp nữa lại là trò chơi board game.

Một ngành công nghiệp nội dung - thứ to lớn hơn, bao trùm ra bên ngoài công nghiệp điện ảnh - đang dần thành hình. Nhà sản xuất Hoàng Quân chia sẻ: “Tôi vui, vui lắm. Ai tham gia ngành nào cũng mong muốn quy mô ngành đó ngày càng mở rộng. Vì không ai có thể bao quát được hết mọi khâu trong ngành của mình. Khi ngành ngày càng mở rộng thì sự hỗ trợ, chuyên môn hóa cũng gia tăng. Chúng tôi cũng có sự định hướng tốt hơn từ cơ quan quản lý nhà nước. Tất cả cùng chung tay để phát triển ngành công nghiệp nội dung ở Việt Nam”.

Khai thác “mỏ vàng” văn hóa

Năm qua cũng là năm ghi nhận sự chuyển biến toàn diện về tư duy của tất cả các cấp các ngành đối với lĩnh vực văn hóa nói chung và ngành công nghiệp văn hóa nói riêng. Sau phát “pháo hiệu” bằng các hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, hội thảo thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa năm 2022 do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội chủ trì, cuối năm 2023, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì thêm một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng - Nhà nước đối với ngành công nghiệp văn hóa.

Hành làng pháp lý cho các hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa đang được các địa phương, cơ quan quản lý tháo gỡ dần dần. Trong khối tỉnh thành thậm chí đã xuất hiện những cuộc chạy đua về tốc độ hỗ trợ nhằm lôi kéo, thu hút doanh nghiệp văn hóa đến đầu tư, kinh doanh sản xuất ở tỉnh mình. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trong hội nghị công nghiệp văn hóa thẳng thắn đề nghị “Các doanh nghiệp đang có mặt trong hội nghị, trong quá trình triển khai Đề án, xem xét, lựa chọn TP.HCM để phát triển công nghiệp văn hoá".

Những hoạt động và kết quả ngành văn hóa Việt Nam đạt được trong năm qua là minh chứng cụ thể cho câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, có mỏ vàng đừng để bị lãng quên”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận