Sở VHTT tỉnh Nghệ An cho biết, sẽ tiến hành rà soát, kiểm kê, phân loại các ngôi nhà sàn, nhà cổ để xem xét, xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản, phục vụ phát triển du lịch.
Nghệ An là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống như Thái, Mông, Khơ Mú… Đến nay, bà con vẫn còn lưu giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình cả về phong tục, ẩm thực, trang phục và đặc biệt là kiến trúc nhà ở là những ngôi nhà sàn cổ, lâu đời.
Tuy nhiên, tại nhiều bản làng, nhà sàn truyền thống của bà con các dân tộc đang dần mất đi, nhất là với những mái nhà sàn cổ có thời gian hàng trăm năm tuổi như làng thái cổ Mường Đán xã Hạnh Dịch (Quế Phong), làng thái cổ Hoa Tiến (Quỳ Châu); những mái nhà truyền thống của người Mông lợp bằng gỗ sa mu, pơ mu… ở Kỳ Sơn, Tương Dương. Có thời kỳ, người miền xuôi lên miền ngược gạ mua bằng được những ngôi nhà sàn cổ có giá trị nhiều mặt, và vì thế nạn “chảy máu” nhà sàn cổ, truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Đây là vấn đề đã, đang cần đặt ra đối với việc gìn giữ không gian, giá trị văn hóa truyền thống, kiến trúc cảnh quan trong xây dựng, thiết kế kiến trúc nhà sàn gắn với phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua, tại một số huyện vùng cao biên giới, có nhiều dân tộc cùng chung sống gồm Thái, Khơ Mú, Mông..., công tác phục dựng, gìn giữ nhà sàn cổ rất được quan tâm, chú ý. Là huyện vùng cao biên giới, có nhiều dân tộc cùng chung sống gồm Thái, Khơ Mú, H’Mông... mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng, cho nên trong nhiều năm qua, huyện Tương Dương luôn chú trọng triển khai nghiêm túc việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số.
Địa phương đã lựa chọn một số làng Thái cổ để bảo tồn, giữ gìn và phát huy các nét đặc trưng vốn có nhưng đang đứng trước nguy cơ mai một. Từ chỗ trước đây có một số hộ dân tự ý bán nhà sàn chuyển sang làm nhà xây thì nay đã dần nhận thức đúng tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị truyền thống, quay lại làm nhà sàn phù hợp với phong tục tập quán và nét sinh hoạt cộng đồng.
Nằm giữa đại ngàn Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt là những nếp nhà sàn cổ của đồng bào Thái làng Mường Đán, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong. Với lịch sử hơn 300 năm, những ngôi nhà sàn có diện tích từ 120 - 150m2 được lợp bằng gỗ sa mu dầu, xẻ thủ công vuông vắn. Gỗ sa mu có dầu nên không mối mọt, cũng không bị mưa gió làm cong gãy. Có mái nhà đã tồn tại hàng trăm năm, qua bao thế hệ gia chủ nhưng thớ gỗ vẫn sáng như mới. Người dân nơi đây cho biết, đã bao đời nay người dân đều sinh ra, lớn lên bên nếp nhà sàn, mọi sinh hoạt văn hóa, những điệu nhảy sạp hay khắp, nhuôn, suối đều được vang lên dưới nhà sàn mỗi khi có khách quý đến chơi.
Chủ tịch UBND huyện Quế Phong - Dương Hoàng Vũ cho biết, địa phương đã mời các chuyên gia về du lịch đi khảo sát thực tế, đánh giá về lợi thế, khai thác về du lịch từ bản làng Thái cổ, nếp nhà sàn độc đáo nơi đây. Cùng với thác Bảy tầng, những ngôi nhà sàn cổ, huyện Quế Phong đang xây dựng làng Mường Đán, xã Hạnh Dịch thành điểm du lịch cộng đồng
Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An - Trần Thị Mỹ Hạnh chia sẻ, trong thời gian tới, ngành VHTT sẽ tiến hành rà soát, phân loại, kiểm kê, hệ thống các ngôi nhà sàn cổ, nhà sàn truyền thống từ đó tiến hành xếp hạng di tích lịch sử theo Luật Di sản văn hóa. Nhiều địa phương đã xây dựng đề án bảo tồn, phát huy các giá trị và không gian văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch thông qua các mô hình du lịch cộng đồng. Sở cũng đề nghị ngành Xây dựng và Hội Kiến trúc cần số hóa kiến trúc nhà sàn nhằm phục dựng lại các ngôi nhà sàn cổ, phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng gắn với không gian văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc.
Thời gian tới, ngành VHTT sẽ tiến hành rà soát, phân loại, kiểm kê, hệ thống các ngôi nhà sàn cổ, nhà sàn truyền thống, từ đó tiến hành xếp hạng di tích lịch sử theo Luật Di sản văn hóa. Nhiều địa phương đã xây dựng đề án bảo tồn, phát huy các giá trị và không gian văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch thông qua các mô hình du lịch cộng đồng…
Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An Trần Thị Mỹ Hạnh
|
Theo VOV.VN