Theo NSND Xuân Bắc, một bộ phận khán giả sẵn sàng bộc lộ quan điểm, nhận định của mình một cách cảm tính, thiếu kiểm chứng, họ sẵn sàng phán xét, chụp mũ, khiến bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị bắt nạt, tấn công trên mạng xã hội.
Sáng 3/1, Bộ VHTT&DL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Hội nghị nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện những kết quả quan trọng sau 2 năm triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, với các nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hoá đã được Bộ VHTT&DL cùng các bộ, ban, ngành và các địa phương trên cả nước cụ thể hoá trong hoạt động công tác.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ VHTT&DL, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, NSND Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, đứng trước sự thay đổi, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam luôn ý thức rất rõ vai trò và vị trí của mình trong việc phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa và bảo vệ nền tảng tư tưởng văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong tình hình mới.
Nhà hát Kịch Việt Nam chú trọng đến công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng website, fanpage, quảng bá vở diễn trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok…
Theo NSND Xuân Bắc, xây dựng thương hiệu Nhà hát Kịch Việt Nam trên mạng xã hội chính là tự định vị và quảng bá tới khán giả để thu lại tiếng nói và sức ảnh hưởng nhất định. Các thông tin vở diễn, suất diễn đều được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội của nhà hát. Để gắn kết, gần gũi hơn với khán giả, gần đây, sau khi kết thúc các buổi diễn ở nhà hát, khán giả sẽ có buổi giao lưu với dàn diễn viên và ê-kíp sản xuất.
“Đây là cơ hội để khán giả bày tỏ cảm xúc của mình sau buổi diễn. Những màn thể hiện cảm xúc chân thực, những tràng cười giòn giã, những giọt nước mắt rơi xuống vì xúc động... Giây phút này rất tuyệt vời. Chúng tôi mong muốn chuyển đến khán giả những cái hay, cái đẹp, cái xuất sắc của truyền thống ông cha để lại thông qua các tác phẩm của Nhà hát Kịch Việt Nam", NSND Xuân Bắc nói.
Tuy nhiên, khi mạng xã hội phát triển bùng nổ, thông tin được lan truyền theo cấp số nhân, xuất hiện ngày càng nhiều thông tin độc hại, thiếu chính xác cần phải được đính chính, chỉnh lý, giải thích kịp thời để tránh nghi ngờ lây lan. Nhất là trong giai đoạn một bộ phận khán giả sẵn sàng bộc lộ quan điểm, nhận định của mình một cách vội càng, cảm tính, thiếu kiểm chứng, họ sẵn sàng phán xét, chụp mũ, khiến bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân bị bắt nạt, tấn công trên mạng xã hội.
“Không chỉ người dân bình thường, các nghệ sĩ, thậm chí cả các lãnh đạo cấp cao cũng có thể trở thành nạn nhân. Nếu tình trạng này còn kéo dài hơn nữa, tôi cho rằng nét văn hóa của Việt Nam trong tình hình mới là văn hóa phán xét, chụp mũ, a dua. Điều này quá nguy hiểm”, NSND Xuân Bắc nêu.
Để khắc phục, ngăn chặn tình trạng này, NSND Xuân Bắc mong Bộ VHTT&DL cùng bộ, ban, ngành liên quan có cách giải quyết quyết liệt, triệt để hơn.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, năm 2023 - năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 - đã đi qua với nhiều dấu ấn về kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của đất nước. Lãnh đạo Bộ VHTT&DL khẳng định thành công rõ nét của ngành văn hóa trong năm qua là sự chuyển biến tư duy từ "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa".
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết, trong năm 2024, ngành VHTT&DL quyết tâm phát huy hơn nữa vai trò lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới".
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đề nghị Quốc hội ban hành chính sách đặc thù cho thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở (thiết chế văn hóa, thể thao Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn và tương đương).
Lãnh đạo Bộ VHTT&DL đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung kinh phí đầu tư và định mức kinh phí từ các nguồn chương trình mục tiêu quốc gia để tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, nhất là đối với các tỉnh khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo.
Đối với các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị bố trí ngân sách, quỹ đất để đầu tư xây dựng, hoàn thiện, sửa chữa, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, đảm bảo kinh phí hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ tin tưởng sâu sắc, sau hội nghị, toàn ngành sẽ quyết liệt hành động với phương châm "tăng tốc, sáng tạo, về đích" nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam.
Theo VOV.VN