Đền Chợ Củi 500 năm vượng hương khói

Đền Chợ Củi (Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là di tích lịch sử cấp quốc gia nổi tiếng linh thiêng, hằng năm thu hút hàng vạn du khách mọi miền.

 

Đền Chợ Củi nằm dưới chân núi Ngũ Mã bên bờ sông Lam. Núi Ngũ Mã, hay dân sở tại gọi là núi Bà hoặc Cô Độc Lâm Lưu. Từ núi Hồng Lĩnh đến chùa Thiên Tượng có một nhánh tách ra qua xã Xuân Lam đến xã Xuân Hồng, chia ra nhiều ngọn núi trông như một đàn nghé đua nhau chạy xuống tắm dòng sông Lam. Trong đó, ngọn núi Cô Độc Lâm Lưu đứng riêng lẻ như một con nghé sắp lội qua sông Lam.

Đền Chợ Củi không những tọa lạc dưới một ngọn núi đẹp, mà còn ở vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ tinh hoa của núi Hồng, sông Lam. Đền tựa lưng vào núi, quay mặt về hướng Bắc, soi mình xuống dòng sông Lam. Các tòa điện cao dần theo thế núi uy nghi, đường bệ, trong ngút ngàn của rừng cây cổ thụ, tạo nên một không gian vừa huyền ảo, linh thiêng, khoáng đạt mà gần gũi.

Bằng công nhận di tích đền Chợ Củi, Hà Tĩnh

Đền cấu trúc hình chữ Tam gồm có: hạ điện, trung điện và thượng điện, nối liền với nhau theo trục thần đạo. Bố trí các cung thờ trên xuống: cung thờ Thánh Mẫu (thờ Tam Phủ), cung thờ Ngũ vị Tôn ông, cung thờ quan Hoàng Mười, cung Chầu Mười và cung Trần Triều. Tòa thượng điện (hậu cung), nơi đặt bàn thờ Tam tòa Thánh mẫu, gồm: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải.

Hiện, trong đền vẫn con lưu lại bia đá khắc chữ nho 2 mặt, khổ 75 x 45cm, nêu rõ lịch sử lập đền. Theo sách “Văn bia Hà Tĩnh”, bia Đền từ Tháp Sơn, tức bia Đền Củi xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, không có năm tạo, nhưng dựa vào những văn tự khắc trên bia có thể biết bia được tạo lập vào sau đời Minh Mạng nhà Nguyễn (sau năm 1831).

Nội dung bia nêu rõ Đền (Chợ Củi) được xây từ lâu đời, những năm trước đó dân thôn lạm dụng điện thờ, đã làm ngói gạch dột nát, gỗ mục, tường vách hoang tàn. Thủ từ Nguyễn Văn Tịu (Tựu) ở thôn Tháp Sơn, xã Tam Xuân thượng, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Thọ cùng mọi người muốn lòng thiện được mãi mãi truyền về sau cho nên dựng bia ghi lại việc hưng công tu sửa Đền.

Bia di tích

Qua nhiều đời, việc hương hỏa trong Đền vẫn do dòng họ Nguyễn Sỹ của ông Nguyễn Văn Tịu trông coi. Hậu nhân 8 đời của ông Nguyễn Văn Tịu là ông Nguyễn Sỹ Quý cho hay, từ khi lập Đền đến nay, dòng họ Nguyễn Sỹ làm nhà cạnh Đền, tự nguyện tu bổ, hương khói cho các vị thần linh.

Ông Quý cho rằng, việc hương hỏa trong Đền cần những người biết rõ văn hóa tâm linh. Công việc trong Đền tuy không phức tạp nhưng nhiều điều nhỏ nhặt cần lưu ý, từ việc lau dọn ban thờ, thắp hương cúng bái, khấn vái hằng ngày… đều cần sự tỉ mỉ chi tiết. “Cho nên, chùa cần có nhà sư trông coi, nhà thờ cần có cha xứ gìn giữ, còn việc trong Đền cần có thủ nha, đồng Đền”, ông Quý nói.

Cổng đền Chợ Củi

Cụ Trần Xuân Bá (86 tuổi, Thôn 2 xã Xuân Hồng, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nguyên là Chủ tịch xã Xuân Hồng cho biết, việc hương khói trong Đền là hệ trọng, bởi Đền là chốn tâm linh, phải là người hiểu rõ và biết việc mới đáng để gửi gắm và chăm lo Đền. Cụ Bá nói thêm, việc lựa chọn thủ nhang, đồng đền trong Đền đều phải được sự đồng thuận, nhất trí của người dân.

Đền Chợ Củi nổi tiếng linh thiêng từ rất lâu, nhưng nhiều năm trước, danh tiếng của Đền chỉ lan truyền trong vùng Nghệ An - Hà Tĩnh, bởi Đền đã xuống cấp, nên không thu hút được nhiều du khách. 

Du khách đến viếng đền

Đến giai đoạn sau năm 2013, gia đìnhông Nguyễn Sỹ Quý không ngại khó khăn, thậm chí đi vay thêm tiền của ngân hàng để trùng tu, tôn tạo lại Đền. Nhờ đó, hương khói của Đền ngày càng hưng vượng, việc kinh doanh buôn bán của người dân xung quanh thêm phần phát đạt, cụ Bá cho biết.

Hiện nay, danh tiếng của Đền đã vang khắp đất Bắc. Những ngày cuối năm (âm lịch), dòng người tạ lễ liên miên không dứt. Anh Trần Hải Dũng (Long Biên, Hà Nội) cho biết, đến Đền Chợ Củi hiện nay không chỉ tạ lễ, mà còn để cảm nhận sự trong lành, thư thái, bình yên.

Người dân dâng lễ

Còn chị Nguyễn Thị Thùy Linh (Ba Đình, Hà Nội) về đây với niềm tin sẽ được hưởng sự linh thiêng của ngôi đền cũng như thưởng ngoạn cảnh quan sông núi đan xen nhau tạo nên vẻ đẹp huyền ảo, kỳ bí nên thơ cho ngôi đền. Các sinh hoạt văn hóa dân gian như hát chầu văn, lễ hầu đồng diễn ra thường xuyên tại đền, những lời ca, tiếng nhạc tạo nên một không khí lễ hội rất sống động như mời gọi, níu giữ bước chân du khách muôn phương.

Hàng năm, Đền Chợ Củi có 3 lễ hội lớn vào dịp ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch (ngày giỗ Thánh Mẫu), ngày 20 tháng 8 âm lịch (ngày giỗ Đức Thánh Trần) và ngày 10 tháng 10 âm lịch (ngày giỗ Quan Hoàng Mười) suốt nhiều ngày liền lượt khách về chiêm bái, hành lễ rất đông.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận