Khám phá chất liệu tự nhiên mang lại nhiều cảm xúc
Việt Hà sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tốt nghiệp Cao đẳng Nghệ thuật và Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Sau khi ra trường, anh phát triển công việc thiết kế thời trang và giảng dạy ở Khoa mỹ thuật, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Không chỉ định hình phong cách của riêng mình trong làng áo dài Việt, ngay cả việc sử dụng các chất liệu khó và quý hiếm, dệt và xử lý các công đoạn bằng tay, theo xu hướng phát triển bền vững đã sớm trở thành đặc trưng trong các mẫu áo dài được làm ra từ đôi tay Việt Hà.
Việt Hà chia sẻ: “Tôi là một người cực kỳ mê chất liệu tự nhiên, vì thế nó chính là linh hồn, là mấu chốt trong các bộ sưu tập (BST) của tôi. Việc kết hợp các loại vải tự nhiên mang đến cảm giác như tôi đang được "chơi" với chất liệu. Trong hành trình tìm tòi đó càng tìm thấy nhiều thứ mới lạ, hấp dẫn”. Việt Hà từng thử nghiệm với những chất liệu thuần thiên nhiên ở Việt Nam như sợi vải gai, sợi lanh, sợi tơ chuối hay tơ tằm, sợi tơ sen...
Trên cơ sở là các sợi truyền thống, Việt Hà kết hợp thêm những loại sợi tơ với nhau cho đến khi cảm thấy chất liệu đó hội tụ được đầy đủ giá trị về tinh thần, về văn hóa và ý nghĩa về một không gian nào đó. Vũ Việt Hà đã ghi dấu ấn với nhiều BST như: Nước đầu nguồn, Ký gửi người Mông vào tương lai, Ngày trở về, Chuyện tình cao nguyên đá, Thiên di, Về quê...
Tháng 12/2023 tại Tokyo American Club, Nhật Bản, Việt Hà đã cho ra mắt BST áo dài làm từ sợi dứa, thêu họa tiết dát vàng. 30 thiết kế của anh đã ra mắt trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Từ nhiều tháng trước, Việt Hà đã tới các nông trường trồng dứa trong nước để tìm chất liệu. Với khoảng 480 lá dứa, người thợ có thể làm ra một tấm vải rộng 10m2. Để tạo ra những thước vải tự nhiên, Việt Hà dệt sợi dứa cùng sợi tơ tằm, sau đó nhuộm màu thủ công. Trên nền chất liệu mới, anh tiếp tục khai thác thế mạnh của kiểu dáng áo dài ở thập niên 1930, cách điệu ở phần ống tay loe, tạo vẻ trẻ trung và phóng khoáng.
Việt Hà cho biết: “Trước khi nhận show diễn này tôi đã dành 6 ngày sang Nhật Bản để tìm hiểu thêm mọi góc cạnh của của văn hóa Nhật Bản. Đặc biệt khi tôi được đứng chung sân khấu với một NTK Nhật Bản “gạo cội” Yumi Katsura (91 tuổi) - một thương hiệu “khủng” ở Nhật Bản thì thấy mình lại càng phải thận trọng, chắt lọc những gì mang đến giao lưu”.
Không những thế, Việt Hà còn liên tục có sự khám phá, tìm tòi những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên dải đất hình chữ S. Anh luôn cập nhật xu hướng quốc tế, từ màu sắc, kiểu dáng cho đến cách họ ứng dụng văn hóa bản địa vào trang phục. Qua góc nhìn mới mẻ của anh, trang phục dân tộc - một mảng thiết kế vô cùng thách thức và “khó nhằn” ít ai dám động vào - bỗng trở nên gần gũi, cuốn hút, hiện đại hơn và “chạm” được vào cảm xúc của khán giả khi vượt xa khỏi vùng núi Tây Bắc để đến với nhiều tín đồ thời trang khắp mọi miền.
BST “Ký gửi người Mông vào tương lai” lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trang phục thổ cẩm của người Mông Đen ở Sapa, Lào Cai. Dân tộc Mông phổ biến ở Tây Bắc, có ngữ hệ đông đúc gồm Mông Hoa, Mông Xanh, Mông Trắng và Mông Đen. Việt Hà chọn truyền tải nét văn hóa của người Mông Đen vì nhận thấy trang phục của họ vẫn giữ được vẻ đẹp đặc trưng, không chịu ảnh hưởng từ sự phát triển nền công nghiệp.
Hơn 30 thiết kế khai thác chất liệu truyền thống dệt từ các sợi tự nhiên, kết hợp cách cắt cúp, xử lý phom dáng mang hơi thở vị lai. Việt Hà tâm sự: "Trong hành trình tìm kiếm vẻ đẹp bất tận của văn hóa truyền thống, với tôi thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam là một kho tàng và cũng là tài sản lớn. Dựa trên nền tảng trang phục dân tộc, chúng ta có thể phát triển thành đồ ứng dụng gần gũi và hiện đại”.
Áo dài truyền thống mang hơi thở thời trang đương đại
Việt Hà cho biết, cách đây gần 20 năm, ngay từ hồi là sinh viên anh đã say mê theo đuổi các chất liệu tự nhiên, dệt và xử lý các công đoạn làm thủ công. Ở thời điểm này, phần lớn NTK của Việt Nam đều có những ý tưởng, những BST mang hơi hướng các nhãn hàng hoặc của những NTK lớn trên thế giới.
Nhưng Việt Hà hiểu rằng, mình đi theo con đường đó thì chắc chắn sẽ thua. Nếu như bắt chước họ thì đó chỉ là hàng fake, không có giá trị, mãi không bao giờ theo kịp ngành thời trang thế giới. Mà trong ngành thiết kế thứ quan trọng nhất chính là sáng tạo, không có điều đó thì mãi mãi chỉ là thợ may. Nhưng nếu mình có được tiếng nói riêng, cũng như định vị riêng trong thiết kế thì sẽ rất có giá trị. Vì thế, Việt Hà luôn trăn trở, suy nghĩ tìm con đường đi cho mình.
So với các kinh đô thời trang lớn như Paris, Milan thì công nghệ, kỹ thuật chắc chắn mình thua. Vì vậy,Việt Hà luôn đào sâu vào tất cả những gì mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống nhưng vẫn phải có hơi thở chung của thế giới. Ví dụ, BST “Ký gửi người Mông vào tương lai”. Hà không làm chỉ để cho người Mông mặc mà làm cho những người yêu thích thời trang, cho giới trẻ của hiện tại cũng như tương lai mặc sản phẩm của mình. Người mặc sẽ cảm thấy rằng đó là một sản phẩm thời trang trên những nền tảng văn hóa truyền thống.
Khi mặc chiếc áo dài của Việt Hà, người mặc có thể kết hợp với những phụ kiện sang trọng, đắt tiền của Dior hoặc Chanel... và họ cảm thấy rất hãnh diện, rất thời thượng. Không chỉ mua để mặc, nhiều người sở hữu với tâm thái là được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tà áo dài, họ cảm thấy tự hào khi trưng bày nó trong không gian của gia đình. Bởi những áo dài của NTK giống như một bức tranh, từ cách bố cục, cách xử lý chất liệu cho đến sử dụng các họa tiết thêu rất tỉ mỉ.
Việt Hà cũng có những khách hàng rất đặc biệt như những vị phu nhân Đại sứ. Họ mặc trang phục truyền thống trong bữa tiệc mang tính ngoại giao và chỉ cần qua bộ trang phục họ có thể kể được về văn hóa của đất nước hay những câu chuyện lịch sử... của dân tộc.
Việt Hà chia sẻ: “Tôi nghĩ không chỉ người mặc hay người nghe và kể cả bản thân tôi là người sáng tạo cũng cảm thấy đó là những câu chuyện thú vị. Tôi cũng biết những người yêu sản phẩm của mình luôn luôn ở trong tâm thế, mong ngóng đón đợi sự mới mẻ trong mỗi BST. Điều đó khiến tôi rất hạnh phúc và có thêm nhiều hứng khởi trong sáng tạo”.
“Tôi tự tin trong hành trình mình đang đi và vẫn tiếp tục mày mò để có một cái gì đó khẳng định tốt hơn nữa. Với những gì thuộc về làng nghề truyền thống của Việt Nam, nhất là thủ công, tôi luôn đặt lên hàng đầu. Tôi muốn những chiếc áo dài của mình không chỉ nổi bật nhờ họa tiết hay thuần theo kiểu dáng quen thuộc mà có cả hơi thở đương đại”. NTK Vũ Việt Hà |