Chỉ với 10 ngày công chiếu, dù không quảng cáo rầm rộ nhưng “Đào, Phở và Piano” hiện đã trở thành bộ phim “cháy vé” nhất, thậm chí phải nói rằng săn vé xem phim này còn “khó hơn săn vé concert Idol” hay "kinh nghiệm săn vé concert bao năm chỉ để săn vé bộ phim lịch sử lần này" vì chỉ chiếu tại 1 rạp duy nhất cả nước cùng 18 suất chiếu 1 ngày.
Đào, phở và piano là một trong 2 phim được nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất và thí điểm chiếu rạp trong dịp Tết Giáp Thìn. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày gần đây, bộ phim bất ngờ gây sốt và được khán giả ủng hộ nhiệt tình.
Theo số liệu từ Box Office Việt Nam, doanh thu “Đào, Phở và Piano” tính đến tối 19/2 là hơn 505 triệu đồng - một con số khá ấn tượng đối với một phim Nhà nước chiếu có bán vé tại một rạp duy nhất. Tính riêng trong dịp cuối tuần qua, bộ phim bán được 2.234 vé với doanh thu 3 ngày là 134 triệu đồng.
Vậy lý do gì mà Đào, phở, piano lại khiến khán giả ùn ùn đến rạp như vậy?
Nét chấm phá lãng mạn giữa hiện thực chiến tranh tàn khốc
Kịch bản Đào, Phở và Piano lấy bối cảnh trận chiến đông xuân kéo dài 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 ở Hà Nội. Câu chuyện theo chân chàng dân quân Văn Dân (Doãn Quốc Đam đóng) và chuyện tình với nàng tiểu thư đam mê dương cầm Thục Hương (Cao Thị Thùy Linh thủ vai). Khi những người khác đã di tản lên chiến khu, họ quyết định cố thủ lại mảnh đất thủ đô đã tan hoang vì bom đạn, mặc cho những hiểm nguy đang chờ đợi trước mắt.
Mỗi nhân vật trong "Đào, Phở và Piano" mang theo một số phận, câu chuyện riêng. Điểm chung của họ là tinh thần lạc quan, tích cực giữa những bộn bề, đổ nát và khắc nghiệt của chiến tranh. Mỗi người đều sống chết vì những niềm đam mê riêng. Anh lính tự vệ tên Dân và cô tiểu thư Hà thành Hương thất lạc nhau trong cuộc chiến. Khi tìm được nhau, họ chỉ còn chưa đầy nửa ngày để làm đám cưới.
Ông họa sĩ già luôn ấp ủ về được bức tranh thỏa ý mình. Vợ chồng ông bán phở đam mê cặm cụi, chỉ mong có người để thưởng thức. Chú bé đánh giày luôn nhớ về ngày tháng cũ bình yên, ước ao có một chiếc mũ cảm từ quân. Vị linh mục luôn khao khát sự an bình trong chiến trận. Họ đại diện cho các tầng lớp người Hà Nội. Tuy khác nhau về thân thế, nhưng gặp nhau bởi tình yêu cái đẹp, đam mê sự tao nhã, khí chất lãng tử và lòng yêu nước hồn nhiên.
Sự lãng mạn và tình yêu của họ vượt lên trên hoàn cảnh ngặt nghèo, giúp họ bước qua nỗi sợ khi cái chết đang ập tới.
Phim lấy bối cảnh cận Tết, người dân Thủ đô phải sơ tán lên chiến khu nên những cành đào phải vất vả lắm mới kiếm được. Phở là món ăn thân thuộc với người Hà Nội, và trong không khí tĩnh lặng của Hà Nội xưa, trong một góc phố thường vang lên tiếng piano réo rắt.
Đào, phở và piano là ba sự vật hiếm khi được liên tưởng đặt chung một chỗ, nhưng đều là những thứ đặc trưng, tinh túy của Hà Nội xưa.
Kịch bản chỉnh chu, dàn diễn viên thực lực
Với kinh phí đầu tư 20 tỷ đồng, phim quy tụ dàn diễn viên thực lực: Doãn Quốc Đam (chiến sĩ tự vệ), Thùy Linh (tiểu thư Hà thành), NSƯT Trần Lực (ông họa sĩ), Thiện Hùng (chú bé đánh giày), ca sĩ Tuấn Hưng (ông Phán), NSND Trung Hiếu (cha xứ), nghệ sĩ Anh Tuấn (ông bán phở)...
Theo họa sĩ Viết Hưng, họa sĩ thiết kế phim 'Đào, phở và piano', để tái hiện không khí của trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm từ cuối 1946 đến đầu 1947, đoàn làm phim 'Đào, phở và piano' đã dựng một khu phố cổ dài gần 100m tại một khu đất thuộc doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải (Phúc Yên).
Sau hơn 5 tháng thi công, một khu phố cổ Hà Nội thập niên 1940 với các cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn, toa tàu điện… cùng bối cảnh chiến lũy năm xưa.
Đầu tư bối cảnh giúp nhà quay phim khai thác góc máy mở, không phải cắt đúp nhiều lần. Chính sự đầu tư nghiêm túc về hình ảnh, bối cảnh, kịch bản là 'điểm cộng' tạo sức hút phòng vé của bộ phim với đề tài lịch sử. Đây cũng là bộ phim về đề tài lịch sử hiếm hoi do Nhà nước đặt hàng "cháy vé" và trở thành bộ phim ăn khách nhất từ trước đến nay.
Cú hích từ mạng xã hội
Từ bộ phim chỉ chiếu 2-3 suất mỗi ngày, mỗi rạp khoảng 100 khán giả. Tuy nhiên, số lượng khán giả tìm xem phim bỗng tăng vọt. Trong 2 ngày 19 và 20/2, phim tăng lên có 15 suất chiếu/ngày nhưng toàn bộ vé đã bán hết, chỉ còn một số vị trí sát màn hoặc rìa ngoài cùng.
Một bộ phim về đề tài chiến tranh, do Nhà nước đặt hàng và chỉ chiếu ở một địa điểm bỗng trở thành hiện tượng trên mạng xã hội sau một clip viral, tạo nên sự hứng khởi với khán giả Hà Nội, đặc biệt là các bạn trẻ. Giới trẻ ngày nay sử dụng mạng xã hội như một công cụ tìm kiếm hữu hiện. Vì thế, chẳng ngạc nhiên khi những thước phim ngắn lên xu hướng trên mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram sẽ thu hút và có tác động lớn đến hành vi của họ.
Do đó, những đề tài chính thống như chiến tranh hay lịch sử nếu được làm chỉn chu sẽ rất thu hút khán giả trẻ. Bởi cứ nhìn vào hiện tượng người trẻ ùn ùn đến thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò để thấy người trẻ không thờ ơ với các đề tài lịch sử, chỉ cần được thực hiện nghiêm túc, chỉnh chu và có cách tiếp cận mới lạ.
Nhìn chung, "Đào, Phở và Piano" là minh chứng cho thấy sự nỗ lực thay đổi của các dự án điện ảnh do nhà nước đầu tư. Với một câu chuyện hấp dẫn, không bị nặng tính giáo điều và nhiều điểm dễ chạm đến người xem, tác phẩm như một làn gió mới của đề tài phim chiến tranh và xứng đáng để nhiều khán giả phải "săn lùng" vé suốt những ngày qua.
Theo VOV.VN