TS. Trần Thị Ánh Nguyệt chia sẻ với phóng viên VOV về sự quan tâm tới phê bình sinh thái.
Vì sao chị đặc biệt quan tâm tới phê bình sinh thái?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết: “Con người hủy hoại thiên nhiên bằng cách hạ nhục nó. Thiên nhiên trả thù bằng cách nó biến mất”; “Đồng cỏ bạn đang dạo chơi một ngày kia sẽ biến mất. Dòng sông bạn đang tắm một ngày kia sẽ biến mất. Tiếng chim hót ban mai một ngày kia sẽ biến mất”. Tôi nghĩ mình là một nhân chứng nhìn thấy sự biến mất ấy. Đô thị hóa đã làm thay đổi không gian sống xung quanh chúng ta. Các nhà khoa học cho rằng với đà tác động của con người như hiện nay, đến năm 2100 nước biển có thể dâng cao đến mức xóa sổ các cảng biển cũng như gây ngập lụt các vùng lãnh thổ phía trong. Lúc này, TP.HCM và các đô thị ven biển khác sẽ thất thủ. Dù chúng ta bận tâm đến bất cứ điều gì của cõi người, chúng ta vẫn ở trên trái đất; trong mọi mối quan hệ, chúng ta vẫn tiếp xúc với cỏ cây muông thú, vậy mà trái đất đang lâm nguy, loài vật dần vắng bóng trong đời sống, con người trở nên bất an trong thời đại văn minh kỹ trị. Do đó, tôi cho rằng, nghiên cứu văn học là cách đi tìm câu trả lời và giải pháp về mặt tư tưởng: Văn hóa xã hội quyết định thái độ, hành vi của con người đối với tự nhiên, thay đổi cách nhìn về tự nhiên sẽ tạo cơ sở cho sự thay đổi trong ứng xử với tự nhiên. Tự nhiên thực ra không phải vĩnh hằng, vĩnh cửu, vô thủy vô chung mà nó cũng có sinh mệnh, nghiên cứu văn học giúp nhận ra cái mong manh của hệ sinh thái. Tôn trọng tự nhiên là nhiệm vụ trang nghiêm vĩnh cửu của mỗi chúng ta.
Trong cuốn sách, bên cạnh các bài viết phê bình công phu, kỹ lưỡng của hai chị còn có các bức tranh của họa sĩ Lê Minh Phong. Điều gì đã dẫn tới “sự hòa điệu” này?
Những họa phẩm của họa sĩ Lê Minh Phong như “Chủ nhật xám”, “Sông này không phải là sông”, “Cha tôi”, “Tiếng hót cuối cùng”,… đầy những ám gợi sâu xa cho những ý niệm về môi trường mà hội họa, một loại hình nghệ thuật vừa mang tính trực giác vừa giàu ý vị triết lý với những liên tưởng triết học mang đến cho độc giả. Khi đưa tranh Lê Minh Phong vào cuốn sách, chúng tôi muốn gợi ý các nghiên cứu liên ngành. Điều đó thể hiện thêm ở phần phụ lục với những nghiên cứu về thơ, dân ca, Phật giáo.
Cuốn sách của chị và PGS.TS Lê Lưu Oanh là một trong không nhiều cuốn sách viết về phê bình sinh thái ở Việt Nam. Để có được “đứa con tinh thần” này, chị đã gặp khó khăn và thuận lợi gì?
Chúng tôi là một trong số ít các nhà nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu về phê bình sinh thái ở Việt Nam. Do vậy, chưa có những mẫu hình nghiên cứu nào để tham khảo cả. Tuy nhiên, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của thầy cô trong Tổ lý luận văn học, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong quá trình nghiên cứu. Tôi được gợi ý về các hướng nghiên cứu hiện đại trên thế giới để có cơ sở khoa học vững chắc. Từ hướng nghiên cứu triển vọng ấy, chúng tôi đã đọc, tìm hiểu, và phát triển các ý tưởng của mình. Bên cạnh đó, tôi cũng được các thầy cô góp ý về tư tưởng chung, cũng như chỉ dẫn để tìm hiểu, đào sâu hơn.
Trong bối cảnh khủng hoảng môi trường, phê bình sinh thái đang nhận được nhiều sự chú ý. Chị có thể chia sẻ về một vài dự định liên quan tới phê bình sinh thái mà chị đang theo đuổi sau thành công của cuốn sách này?
Phê bình sinh thái đang là một hướng nghiên cứu đầy triển vọng. Bản thân tôi cũng đang ấp ủ một số dự định. Trong tương lai xa một chút, tôi muốn đọc thêm về các tác phẩm về khoa học viễn tưởng, về người máy. Còn hiện tại, tôi đang đọc lại văn học cổ điển với tinh thần vừa mang tính phản biện vừa nhận ra đằng sau đó những ý hướng để tái thiết tư tưởng sinh thái. Tôi nhận ra thiên kiến về loài vật và giống cái trong văn học truyền kỳ phương Đông xuất hiện khá phổ biến. Những nhân vật thành tinh gây họa như tinh ong, tinh hoa, ma cây, hồ ly… biến thành những cô gái đẹp mê hoặc chàng trai chìm đắm sắc dục trong “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh, “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ phần nào cho thấy cái nhìn bất công với nữ giới, thiên lệch với tự nhiên mà những tư tưởng Nho giáo - đậm chất nam quyền gán cho. Truyện truyền kỳ mặt khác lại đưa đến cái nhìn thú vị về mối quan hệ con người và loài vật trong các mô típ “vật đội lốt người”. Kết duyên với ong, hoa, bướm, cá,… là những chàng học trò hiền lành, biết nâng đỡ những sinh linh bé nhỏ. Đó là mẫu hình nhân vật mà văn học sinh thái ca ngợi: Con người biết cúi xuống bảo vệ những thân phận tự nhiên bé nhỏ, dễ bị tổn thương. Cái nhìn hòa ái, tương thông với tinh linh hoa mộc, côn trùng, động vật xuất phát từ quan niệm bất tổn sinh, Thiên-Địa-Nhân hợp nhất đã gợi dẫn cho người đọc về một thế giới tương giao giữa người và vật. Những câu chuyện kỳ ảo đậm chất liêu trai đó làm sống dậy cảm thức sống yêu thương, che chở cho muôn loài.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu Việt Nam và các nước Đông Nam Á rất quan tâm đến phê bình sinh thái. Bằng chứng là khi tôi tham dự hội thảo quốc tế về phê bình sinh thái của Hiệp hội Nghiên cứu văn học và môi trường Đông Nam Á lần thứ nhất được tổ chức tại Singapore chỉ có khoảng 50 học giả; còn ở lần thứ 5 vừa qua vào tháng 11/2023 tại Thái Lan, số học giả đã lên tới 135 người. Con số đó cho thấy môi trường đang là mối bận tâm lớn của những nhà nghiên cứu nhân văn.
“Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái” của nhóm tác giả TS. Trần Thị Ánh Nguyệt và PGS.TS Lê Lưu Oanh tổng thuật các nghiên cứu về phê bình sinh thái trên thế giới và nước ta. Từ cái nhìn sinh thái, hai nhà phê bình “đọc” các mã văn học thể hiện ý thức sinh thái trên các phương diện: chủ đề, mô típ, nhân vật, cảm hứng, ngôn ngữ và giọng điệu. |
Xin cảm ơn TS. Trần Thị Ánh Nguyệt!
Nguyễn Hà thực hiện