Nghị quyết Đại hội Đảng XIII có nhiều nội dung đề cao văn hóa. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ tăng cường xã hội hóa, đẩy mạnh hợp tác công - tư trong bảo tồn, phát triển văn hóa nghệ thuật, huy động nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư các công trình, dự án văn hóa, nghệ thuật. Nhưng trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 quy định 5 lĩnh vực được áp dụng PPP lại không có văn hóa. Hệ thống các quy định pháp luật hiện hành có nhiều vướng mắc chưa giải quyết được nhu cầu hợp tác PPP trong lĩnh vực văn hóa. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, cần thiết bổ sung lĩnh vực văn hóa vào diện áp dụng Luật Đầu tư theo phương thức PPP.
Mặc dù văn hóa ngày càng được quan tâm nhưng trong Luật Đầu tư quy định 5 lĩnh vực áp dụng phương thức PPP lại không có văn hóa. Phải chăng vẫn có sự "nhất bên trọng, nhất bên khinh" khi nhìn nhận về lĩnh vực văn hóa, thưa ông?
Không hoàn toàn như vậy! Huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động văn hóa luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay khi nguồn lực Nhà nước dù lớn nhưng vẫn có hạn, nguồn lực xã hội phải được xem là nguồn lực bổ sung cần thiết, phù hợp với bối cảnh mới. Thêm vào đó, tư duy quản lý nói chung, quản lý văn hóa nói riêng có xu hướng là Nhà nước chủ yếu làm nhiệm vụ quản lý, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cá nhân thực hiện. Nhà nước đầu tư cho những hoạt động mang tính định hướng, vốn mồi, và những việc tư nhân không làm để bảo đảm sự vận hành ổn định của xã hội. Chính vì thế, chúng ta có nhiều chính sách, quy định tạo thuận lợi cho huy động nguồn lực đối với lĩnh vực văn hóa, cụ thể như Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa, trong đó có các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Nhưng rõ ràng, việc Luật Đầu tư theo phương thức PPP bỏ ra ngoài lĩnh vực văn hóa là một thiếu sót lớn. Trong những hội thảo văn hóa gần đây hay các giải trình, giám sát, khảo sát do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tiến hành đều nhận được những kiến nghị liên quan đến vấn đề này.
Sở dĩ có điều này vì chúng ta quan niệm, đầu tư theo phương thức PPP là phương thức đầu tư trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân, các dự án PPP liên quan đến xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có với quy mô tổng mức đầu tư từ 100 tỷ (hoặc 200 tỷ) trở lên,... nên không hoàn toàn phù hợp với các dự án văn hóa thường thiên về hoạt động, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật quy mô vốn nhỏ, thời gian linh hoạt... Khi không có trong luật, việc huy động nguồn lực lớn trong hợp tác công - tư để bảo tồn, phát triển văn hóa nghệ thuật sẽ không được thực hiện. Đó là một điều đáng tiếc khi chúng ta không thể tận dụng được sự quan tâm, nguồn lực lớn từ xã hội cho các hoạt động văn hóa.
Luật PPP đã tạo ra nhiều phát triển đột phá trong một số lĩnh vực như hạ tầng giao thông hay y tế, giáo dục đào tạo. Dư địa trong phát triển văn hóa nếu được áp dụng Luật PPP là như thế nào?
Nếu được áp dụng cơ chế đầu tư theo phương thức PPP, ngành văn hóa sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển. Những gì dễ thấy nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng như các sân vận động, trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật, nhà hát, nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, các di tích, hay Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam,... đang rất cần có nguồn lực xã hội trong việc xây dựng và vận hành.
Tháo gỡ những khó khăn về nguồn lực và cơ chế vận hành của các thiết chế văn hóa ấy không chỉ giúp các thiết chế này thích nghi tốt hơn với nền kinh tế thị trường, trở thành không gian sáng tạo, giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước, mà còn thu hút sự tham gia của người dân, lan tỏa ý nghĩa tích cực, tốt đẹp của các thiết chế văn hóa đến toàn xã hội. Chúng ta đang khẩn trương xây dựng chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa, ở đó Nhà nước sẽ dành ra một khoản ngân sách đáng kể để đầu tư cho lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên dù kinh phí Nhà nước có nhiều đến đâu cũng khó có thể đáp ứng hết nhu cầu của ngành văn hóa, chưa kể ngân sách Nhà nước còn nhiều ưu tiên khác về y tế, giáo dục, an ninh, quốc phòng... Câu hỏi đặt ra là, liệu Nhà nước có cần đầu tư hết tất cả những nhu cầu đó hay chỉ cần tạo môi trường thông thoáng, phù hợp để huy động nguồn lực xã hội, thông qua cơ chế đầu tư theo phương thức PPP để đạt hiệu quả cao hơn.
Chưa kể, những hoạt động văn hóa, nghệ thuật cũng mong muốn được đầu tư theo phương thức này, nhất là điện ảnh qua những ví dụ thành công như phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” trong so sánh với những phim không được áp dụng hợp tác PPP gần đây như “Đào, Phở và Piano” hay “Hồng Hà nữ sĩ”...
Nếu chúng ta có thể áp dụng cơ chế hợp tác PPP, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, bằng quan điểm quản lý rõ ràng hiện nay, sự kết hợp lợi thế và nguồn lực giữa Nhà nước và tư nhân sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển văn hóa nước nhà.
Hiện nay trong các chương trình xây dựng luật ở Quốc hội, vấn đề chỉnh sửa Luật PPP để mở "cánh cửa" cho lĩnh vực văn hóa đã có chưa, thưa ông?
Quốc hội đã nhận thấy bất cập này và quyết tâm thay đổi. Trong hội thảo thế chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh việc tập trung nghiên cứu, hoàn thiện 4 nhóm chính sách để tạo đột phá cho phát triển bền vững các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có chính sách hợp tác PPP để nâng cao năng lực khai thác kết cấu hạ tầng và huy động tài chính trên thị trường văn hóa. Trong cơ chế đặc thù cho phát triển TP.HCM, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế hợp PPP trong lĩnh vực văn hóa. Sắp tới, Hà Nội đang dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó hợp tác PPP trong lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm. Tôi tin tưởng bằng cách thức thử nghiệm ở hai thành phố lớn, nơi có hầu hết các thiết chế văn hóa cấp quốc gia, chúng ta sẽ rút ra được những bài học cụ thể, phù hợp với đầu tư theo hình thức đối tác PPP trong lĩnh vực văn hóa, từ đó tiến tới bước tiếp theo là sửa Luật Đầu tư theo phương thức PPP.
Xin cảm ơn ông!
Anh Tuấn thực hiện