Không chỉ là tác giả của nhiều tiểu thuyết tâm lý, trinh thám được đánh giá cao, Đức Anh còn hỗ trợ nhiều tác giả trẻ khác ra mắt các ấn phẩm đầu tay tại Linh Lan Books. Phóng viên VOV đã có cuộc trò chuyện với Đức Anh về sáng tác của tác giả trẻ hiện nay.
Sinh ra ở Nga, từng có thời gian học tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung, thành thạo tiếng Anh, Đức Anh có nhiều con đường để lựa chọn. Vì sao anh lại lựa chọn trở thành một tác giả?
Nhà văn người Mỹ Mario Vargas Llosa có một lý giải mà tôi thấy phù hợp với bản thân, tức là nhu cầu làm nghệ thuật hay nhu cầu viết văn giống như một con sán ký sinh vào trong cơ thể. Và cơ thể đó khi ăn uống bất cứ dưỡng chất gì đều là để nuôi con sán đấy. Như vậy, viết văn không phải là một lựa chọn hay một con đường mà giống như bản năng nhiều hơn. Nhiều khi tôi được rủ đi chơi, đi tham quan, đi thưởng thức những trò chơi, những thú vui mà mọi người thích nhưng tôi không cảm thấy thực sự hạnh phúc. Đối với tôi, hạnh phúc là được khám phá, giải mã những điều xung quanh và sau đó, viết câu chuyện mà tôi muốn viết. Viết văn, trước hết là nhu cầu nội tại, tự thân. Sau đó, văn chương đã mang lại cho mình một cuộc sống tốt.
Hiện nay, mọi công việc của tôi đều xoay quanh việc đọc và viết, cả kinh doanh nữa. Cảm ơn văn chương. Nó giống như nghề với người. Chúng ta nuôi nghề thì nghề sẽ nuôi lại chúng ta. Tôi may mắn hơn nhiều bạn văn khác là sống được bằng nghề này và đến bây giờ cũng không còn lựa chọn quay đầu. Tôi đã qua tuổi 30 và việc tiếp tục viết là con đường chắc chắn phải đi.
Đức Anh không chỉ là người viết mà còn là người làm xuất bản. Từ cương vị này, anh có góc nhìn như thế nào về tác giả trẻ hiện nay?
Khi làm công tác xuất bản tại Linh Lan Books cùng những biên tập viên lành nghề, tôi có cái nhìn tổng quan hơn về văn học trẻ nước nhà, nhất là những bạn trẻ sáng tác một cách tự thân và tự tìm con đường phát triển của mình mà không có sự giúp đỡ gì cả. Họ nhiều hơn, dày đặc hơn và thông minh hơn: Thông minh ở cách truyền thông, cách truyền tải tác phẩm, cách chăm sóc độc giả. Họ đăng truyện lên mạng trước và có một lượng độc giả. Sau đó, họ tập hợp độc giả thành một nhóm, rồi mới bán tác phẩm. Điều đó làm cho đời sống văn học trở nên sôi nổi. Số lượng tiểu thuyết cũng rất nhiều. Mỗi năm, để đo đếm số lượng tiểu thuyết Việt Nam của các tác giả thuộc thế hệ 9x thì hai bàn tay không đủ đếm. Hiện các tác giả đều phát triển một cách có chiến lược. Có người thừa thắng xông lên. Có người giữ nhịp. Có người trở thành một cú hit rồi biến mất. Tất cả đều tạo ra sự sôi động cho văn đàn trẻ Việt Nam. Các tác giả đã va vấp từ những năm 20 tuổi, sớm có sách và rất đông độc giả. Sau những va vấp ấy, họ có đi tiếp với văn chương hay không thì lại là câu chuyện khác. Từ những quan sát này, tôi rút ra cho bản thân mình nhiều kinh nghiệm và bài học.
Trong số những tác giả trẻ bây giờ, để tìm một người có khả năng vươn lên từ văn học giải trí đến một tầm vóc khác vẫn chưa có ai. Nhưng tôi nghĩ dần dần, trăm hoa đua nở, từ những chuyển động ban đầu này thì trong tương lai gần, 5 - 7 năm nữa, chúng ta sẽ có đội ngũ tác giả mà họ thực sự là nhà văn, không còn là những người viết truyện và bán câu chuyện của mình nữa. Khi công nghệ ngày càng phát triển, AI (trí tuệ nhân tạo) có thể xây dựng cốt truyện giúp chúng ta, AI có thể giúp chúng ta làm truyền thông thì những tác giả ít sáng tạo hơn, theo những mô hình viết lách cũ hơn sẽ bị đào thải rất nhanh. Các tác giả bây giờ buộc phải thay đổi, cập nhật từ nước ngoài lẫn trong nước. Họ đọc nhiều, không chỉ đọc tác phẩm nước ngoài mà còn đọc các tác phẩm Việt Nam trước đây. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Với những tác phẩm xuất bản cuối năm 2023 và một vài dự án xuất bản trong năm 2024, tôi nghĩ những hạng mục giải thưởng như Giải Tác giả trẻ của các hội văn học nghệ thuật lẫn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam sẽ còn sôi động hơn nữa, sẽ khiến Ban giám khảo đau đầu hơn nữa khi phải chọn ra tác phẩm để trao giải.
Trên blog của Đức Anh có nói rằng, thường khi tác giả thành danh sẽ ghét cay, ghét đắng tác phẩm đầu tay của mình. Vậy anh nhìn nhận tác phẩm đầu tay “Tường lửa” của mình như thế nào?
Gần đây, tôi được đọc tác phẩm đầu tay của nhiều tác giả trẻ. Bây giờ tôi không muốn so sánh, nhưng tôi thấy có một điểm chạm: Khi chúng ta bắt đầu với văn chương thường có một phong cách gần như giống nhau. Đó là năng lượng của tuổi trẻ khi viết một câu chuyện, khi xây dựng những ý đồ kịch tính và khi theo đuổi những chủ đề mà ở tuổi 20, chúng ta nghĩ là gai góc. Khi đọc các tác giả như thế, tôi quay lại nhìn tác phẩm đầu tay của mình thấy đỡ ghét hơn. Dẫu sao chúng ta cũng phải nhìn lại quá khứ và nhìn lại tác phẩm đầu tay nhưng với một sự bao dung hơn để chúng ta có thể thông cảm với những người bắt đầu mới viết, để có sự động viên họ với tư cách một người làm biên tập, xuất bản. Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng, trong tác phẩm đầu tay đã ẩn chứa sẵn những con đường mà chúng ta có thể phát triển trong tương lai. Một tác phẩm đầu tay có thể tiềm ẩn trong đấy khoảng bốn, năm con đường. Khi đọc lại “Tường lửa”, tôi thấy có “Nhân sinh kép - Sống hai cuộc đời”, có “Đảo bạo bệnh”, có những truyện ngắn, những tiểu luận của tôi ở trong đấy. Nó lấp lánh, lấp ló, nhúc nhích trong một câu văn, một ý đồ nào đó trượt ra khỏi câu chuyện. Như vậy, tác phẩm đầu tay là một tấm gương, một bản lề quan trọng. Việc chúng ta ghét nó nghĩa là chúng ta muốn vượt qua nó, muốn làm khác đi, muốn làm mới mình. Điều này không chỉ xuất hiện với tác phẩm đầu tay mà ngay cả với tác phẩm mới đoạt giải, mới thành công, người viết chuyên nghiệp cũng nên dám từ bỏ những thành công đó. Với “Nhân sinh kép - Sống hai cuộc đời” chẳng hạn, có người hỏi tôi có viết tập hai không thì tôi vẫn đang suy nghĩ. Nhưng ước vọng của tôi trong thời gian sắp tới là sẽ viết một tác phẩm hoàn toàn khác, đến khi nào không thể khác nữa thì thôi./.
PV: Xin cảm ơn anh!
Nguyễn Hà thực hiện