Cuốn tự truyện “Sống đến bình minh” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh chưa kịp đến tay tác giả thì ông đã tạm biệt trần thế trong chuyến đi miền Nam thăm lại chiến trường xưa. Khi sửa sang bản thảo cuốn sách này, nhà văn Trần Mai Hạnh đã trăn trở rất nhiều, ông từng chia sẻ: “Đối mặt với cái chết trong chiến tranh và những nghịch cảnh trong đời thường, tôi luôn sống và viết với niềm tin những gì tươi sáng rồi sẽ đến”.
Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh từng là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và tổng biên tập, cố vấn cho nhiều tờ báo trong nước. Bệ phóng nghề báo của ông là vị trí phóng viên chiến trường của Việt Nam Thông tấn xã (Thông tấn xã Việt Nam ngày nay). Nhà báo Trần Mai Hạnh cũng chính là ký giả trong nước đầu tiên viết bài tường thuật tại Dinh Độc Lập, vào trưa ngày 30/4 lịch sử. Cả cuộc đời ông đã gắn liền với việc ghi chép và kể lại những câu chuyện của lịch sử, của dân tộc.
Lật từng trang sách, bạn đọc sẽ tìm thấy những câu chuyện, sự việc, cảnh ngộ đã diễn ra trong cuộc đời của nhà văn. Chúng ta bắt gặp trong dòng ký ức đó là thời niên thiếu, sinh viên, đến những năm tháng chiến tranh ác liệt; là mặt trận ở miền Bắc, là chiến trường ở miền Nam; là phút giây toàn thắng; là ngày hòa bình đầu tiên; là những năm dài vật lộn với khó khăn, thiếu thốn thời bao cấp bị bao vây, cấm vận. Đó là những năm đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, trong đó có đổi mới báo chí, là mở cửa và hội nhập toàn cầu. Là người đồng hành và động viên ông những tháng ngày viết cuốn tự truyện này, nhà báo Trần Mai Anh, con gái ông, chia sẻ: “Đây là cuốn tự truyện mà bố tôi đã viết bằng tất cả ký ức đẹp đẽ về tuổi thơ, tuổi trẻ, sự cống hiến hết mình của một người lính chiến trường, của một ngòi bút cháy bỏng yêu đời và yêu người. Những nỗi đau, mất mát cũng không thể tránh khỏi, bố tôi cũng giãi bày trung thực những nỗi niềm, trăn trở, suy ngẫm”.
Cuộc đời làm báo của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh không chỉ có vinh quang mà còn không ít cay đắng. Không chỉ có những phút giây thăng hoa khi được chứng kiến, tác nghiệp trong sự kiện lịch sử huy hoàng của dân tộc mà còn có cả tai nạn nghề nghiệp và những hệ luỵ kinh hoàng. Không chỉ có chiến thắng, thành đạt mà còn có cả thất bại, mất mát. Không chỉ có nặng sâu ân nghĩa mà còn có sự đổi thay chóng mặt của nhân tình thế thái. Không chỉ đương đầu với thử thách mà còn phải ngậm ngùi trước trò đùa của số phận. Tác giả không hề né tránh mà đề cập tới những nghịch cảnh trong đời thường của mình với một thái độ tôn trọng sự thật, trung thực trách nhiệm với những gì đang diễn ra. Nhà báo Trần Mai Hưởng, em trai nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh, chia sẻ về những dự định còn đang ấp ủ của ông: “Nhà báo Trần Mai Hạnh đang có nhiều dự định cho cuốn sách tiếp theo, ghi chép lại những nhân vật lịch sử, những câu chuyện mà ông chứng kiến và đồng đội kể lại. Tiếc là ông không thể thực hiện được nữa. Nhưng với cuốn tự truyện này, tôi nghĩ cũng đã trọn vẹn về chân dung nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh - một con người tận hiến với cuộc đời”.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều có cùng quan điểm khi khẳng định: “Nhà báo Trần Mai Hạnh đúng là đã đi qua bóng tối cuộc đời, ở cả thời chiến lẫn thời bình để đến được ngày tươi sáng”. Nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn Ngô Thảo, Chủ tịch Hội Nhà văn các thời kỳ như nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, luật sư - cựu chiến binh Phạm Huỳnh Công thực sự xúc động và trân quý những trang sách trung thực và dũng cảm mà nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh ghi chép một cách cẩn thận, trau chuốt. Câu chuyện đời của nhà báo Trần Mai Hạnh khiến nhà thơ Vũ Quần Phương nghĩ về việc đi tìm kiếm sức mạnh trong mỗi người: Nếu ở thời chiến, người dân Việt Nam tìm được sức mạnh chung ở tình yêu nước và khát khao đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, thì ở thời bình, mỗi người phải tìm ra một sức mạnh riêng để dựa vào đó mà nỗ lực, phấn đấu trong đời.
Cuốn sách này được viết bởi một giọng văn thông tấn báo chí kết hợp nhuần nhuyễn với bút pháp văn học trên cơ sở chắt lọc từ những tập nhật ký ghi chép thường ngày được lưu giữ trong suốt nửa thế kỷ qua về những gì xảy ra với tác giả, những gì tác giả được tận mắt chứng kiến. Vì thế, cuốn tự truyện “Sống đến bình minh” với những trang viết xúc động, ám ảnh, để lại nhiều suy ngẫm. Những lát cắt ký ức ấy có thể giúp bạn đọc tiếp cận sâu thêm các sự kiện, cảnh ngộ, tình huống các nhân vật vốn dĩ là người thật, việc thật được tác giả tái hiện trong các tác phẩm trước đó. Bằng ngòi bút trung thực, dũng cảm, chất lính trong con người Trần Mai Hạnh thể hiện đậm nét qua những trang viết nóng hổi về chiến tranh, về những va đập của cuộc đời, về những ứng xử nhân tình thế thái.
Bản lĩnh, trung thực, dũng cảm, đó là cảm nhận của người đọc khi lật từng trang sách trong cuốn tự truyện này. Mỗi một câu chuyện, một tình huống, một sự việc đều được tác giả kể lại một cách trung thực, khách quan. Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh đã viết bằng một tâm thế của người đã từng đi qua sóng gió, bể dâu, bằng niềm tin mãnh liệt về những điều tốt đẹp. Như tên tác phẩm, nhà văn nhà báo Trần Mai Hạnh đã sống và cống hiến cho cuộc đời này một cách trọn vẹn, đầy tin yêu vào bình minh phía trước…
Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh từng xuất bản nhiều tác phẩm về chiến tranh như “Thời tôi sống”, “Tình yêu và án tử hình”, “Sụp đổ và tự thú”,… nổi bật nhất trong đó là tiểu thuyết lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” - tác phẩm đã được trao giải hạng mục Văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.
|