Những mảng màu tuyệt diệu của cuộc sống về Tây Bắc - Hà Nội

Triển lãm tranh 'Qua miền Tây Bắc và Người Hà Nội' đang diễn ra tại Hà Nội hội tụ nhiều tác phẩm đặc sắc của các họa sĩ tên tuổi.

 

Triển lãm tranh với chủ đề “Qua miền Tây Bắc và Người Hà Nội” được Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Ban vận động Mỹ thuật và ngoại giao văn hóa Việt Nam tổ chức để chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 70 năm ngày ký hiệp định Geneva và hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Những mảng màu tuyệt diệu của cuộc sống, thể hiện góc nhìn của các họa sĩ về các sự kiện lịch sử trọng đại ấy.

Triển lãm trưng bày 52 tác phẩm hội họa với 2 chủ đề chính là “Người Hà Nội” và “Qua miền Tây Bắc” của 20 họa sĩ được chia làm hai phần. Phần một tập trung vào chủ đề “Qua miền Tây Bắc”, người xem sẽ cảm nhận được sự đổi thay, sự hồi sinh của một miền đất từng là chiến trường khốc liệt trở thành một nơi đáng sống với những đồi núi hùng vĩ và những giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào nơi đây. Ở phần này, triển lãm trưng bày và giới thiệu các tác phẩm của những họa sĩ nổi danh “đã mang Tây Bắc đi khắp muôn phương" như họa sĩ: Nguyễn Văn Đức, Mai Xuân Oanh, Lê Thế Anh… Phần hai của triển lãm là chủ đề “Người Hà Nội" với những tác phẩm tái hiện các bài hát quen thuộc của người Hà Nội như “Em ơi Hà Nội phố" (Nhạc sĩ Phú Quang), “Nhớ mùa thu Hà Nội" (Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), “Người Hà Nội" (Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi).

Phát biểu tại triển lãm"Qua miền Tây Bắc và Người Hà Nội" , bà Đào Liên Hương - Trưởng Ban vận động Mỹ thuật cho biết: “ Người dân Việt Nam ai cũng tự hào về Chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ và các hoạ sĩ cũng vậy, họ tập trung vào sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật để cho ra đời những mảng màu tuyệt diệu của cuộc sống. Ở phần 2 của triển lãm “Người Hà Nội" đa phần các tác phẩm được lấy cảm hứng từ các ca khúc về Hà Nội. Các tác giả đã khắc hoạ lại những bài hát đấy bằng tình cảm của mình, và khi xem triển lãm sẽ cảm nhận rõ được điều đó. Triển lãm hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những mảng màu tuyệt diệu của cuộc sống về Tây Bắc - Hà Nội.

Nguyễn Nhật Anh (sinh viên Trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam) mang đến triển lãm tác phẩm “Mùa Thu Hà Nội” chia sẻ: “Là một người trẻ khi được tham gia triển lãm với chủ đề vô cùng ý nghĩa này, tôi cảm thấy tự hào và phấn khích vì có cơ hội chia sẻ góc nhìn của mình về Hà Nội đến với người xem. Khi vẽ về Hà Nội tôi đặc biệt tập trung khai thác những góc nhỏ, góc phố có phần cổ xưa vì muốn tái hiện sự quen thuộc và tình yêu đối với Hà Nội qua tranh của mình. Với tôi mỗi biệt thự cổ mang đậm dấu ấn lịch sử và câu chuyện riêng, từ những chi tiết tinh tế đến vẻ đẹp cổ điển hay cái màu đặc trưng luôn mang đến cho tôi nhiều cảm xúc. Dù khu đô thị và đời sống mới phản ánh cuộc sống hiện đại, nhưng tôi vẫn luôn tìm kiếm cái đẹp và sự độc đáo, quyến rũ trong những nét kiến trúc phố cổ-di sản văn hóa đặc sắc của thủ đô mà thế hệ trẻ như chúng tôi đang mong muốn chung tay bảo tồn. Tác phẩm “Mùa Thu Hà Nội” sẽ mang lại cảm giác sâu lắng về vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội”.

Còn Phạm Gia Phong (sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) lại mang đến tác phẩm “Đu mơ” (là tên phiên âm tiếng Pháp Doumer) với mong muốn tác phẩm sẽ gợi nhớ cho người xem về những ngày tháng hào hùng của dân tộc Việt Nam. Cầu Long Biên (tên cũ cầu Paul Doumer) đã chứng kiến những dấu mốc quan trọng nhất của dân tộc hai cuộc kháng chiến lớn nhất của dân tộc ta. “Tôi rất vinh dự khi được góp một phần nhỏ trong các tác phẩm của triển lãm “Qua miền Tây Bắc và Người Hà Nội”. Qua triển lãm bản thân tôi cảm thấy lớp trẻ cần có trách nhiệm và ý thức tiếp nối cha ông thế hệ trước, tiếp tục phát triển cũng như gìn giữ những nét đẹp văn hoá truyền thống...”, Gia Phong chia sẻ.

Triển lãm “Qua miền Tây Bắc và Người Hà Nội” diễn ra từ ngày 10/5 - 10/6  tại Toà nhà Di sản, 49 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm trao thư cám ơn đến những họa sĩ đã tham gia triển lãm

 

Bình luận

    Chưa có bình luận