Nhà văn Uông Triều: Hà Nội với tôi là những trầm tích

Nhà văn Uông Triều không sinh ra ở Hà Nội nhưng anh viết nhiều về Hà Nội. Sau hai tản văn: Hà Nội - Quán xá phố phường, Hà Nội - Dấu xưa phố cũ...

 

Mới đây anh ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết Hà Nội những mùa cổ điển. Anh chia sẻ với phóng viên VOV về bộ ba cuốn sách này.

Hà Nội là đề tài hấp dẫn

Hai tập tản văn về Hà Nội của anh được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao. Gần đây, anh tiếp tục ra mắt cuốn tiểu thuyết có nhan đề gần như tạo thành bộ ba với hai cuốn tản văn trước. Điều gì thôi thúc anh viết về Hà Nội trong khi đã có rất nhiều người viết về đề tài này?

Hà Nội là một đề tài hấp dẫn. Trước hết, Hà Nội là thành phố Thủ đô; thứ hai đây là vùng văn hóa, lịch sử, chính trị thu hút sự quan tâm không những của người dân Hà Nội mà còn của người dân cả nước. Tên cuốn sách Hà Nội những mùa cổ điển, tôi vốn định dành cho một cuốn tản văn. Tuy nhiên, sau khi tôi viết xong cuốn tiểu thuyết, tôi chưa nghĩ ra được một cái tên hợp lý. Trong khi đó, chất Hà Nội trong cuốn tiểu thuyết này rất đậm đặc. Bởi vậy, tôi nghĩ tại sao mình không lấy một cái tên mà mình đã ấp ủ, đã để dành rất nhiều năm để đặt cho tác phẩm này.

 Mặc dù có rất nhiều người viết về Hà Nội nhưng đó vẫn luôn là một đề tài hấp dẫn, rất nhiều người quan tâm. Đây cũng là một sở trường của tôi. Tôi đã từng viết nhiều về Hà Nội nên hiểu biết về văn hóa, lịch sử, con người Hà Nội cũng đậm đặc. Viết về Hà Nội cũng là ấp ủ của cá nhân tôi khoảng 10 năm trước, khi tôi trở lại Thủ đô. Sau khi đã thực hiện 2 cuốn tản văn và đã đến lúc trưởng thành, kết hợp những kiến thức về Hà Nội của mình với những hư cấu lịch sử, cùng các vấn đề của nghệ thuật tiểu thuyết, tôi đã quyết định viết Hà Nội những mùa cổ điển để tạo thành bộ ba về Hà Nội. 

Nhà văn Uông Triều là người rất thích đọc sách. Việc đọc nhiều bài viết và các tác phẩm viết về Hà Nội có gây áp lực cho anh khi theo đuổi đề tài này không?

Trước đây Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài,… đã viết rất nhiều về Hà Nội. Thế hệ gần đây có anh Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà và những người tầm tuổi tôi là Nguyễn Trương Quý. Trong dàn đồng ca này, mỗi người có một cách khai thác riêng. Những người đương đại viết về Hà Nội hầu như là người Hà Nội. Ví dụ Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn,… đều sinh ở đây. Tôi là người tỉnh lẻ duy nhất viết về Hà Nội ở thời đương đại này. Riêng điểm nhìn của người sinh ra ở đây với điểm nhìn của người không sinh ra ở đây đã có sự khác biệt rồi.

Chẳng hạn, họ từng nói với tôi rằng, họ chỉ ăn một quán phở duy nhất, uống một hàng cafe duy nhất, có thay đổi hàng khác thì cũng rất ít. Nhưng tôi là người ở xa đến. Tôi không quá bám chặt vào một điểm nào đấy. Ngay việc ăn uống, chơi bời của tôi cũng sẽ có cái nhìn khá là cởi mở hoặc cái nhìn bên ngoài chiếu vào, khác với những người sinh trưởng ở đây hoặc có ông bà ở đây. Mặc dù có những áp lực nhưng ngay từ cách tiếp cận, cách nhìn đã khác nhau rồi và trong quá trình thao tác, xây dựng tác phẩm còn khác nhau về kỹ thuật, bút pháp. Đấy là cơ hội để độc giả có thêm lựa chọn khi tìm kiếm tác phẩm viết về Hà Nội.

Nhà văn Uông Triều và cuốn sách mới.

“Tôi nhìn chiều sâu lịch sử”

Viết về Hà Nội, khi nhắc tới các nhà văn như Đỗ Phấn hay Nguyễn Việt Hà, người ta thường nhắc tới yếu tố thị dân. Vậy với nhà văn Uông Triều, nếu phải chọn một từ khóa cho mình khi bàn tới những tác phẩm anh viết về Hà Nội, anh sẽ chọn từ khóa gì?

 Tôi nhìn thành phố này không nhiều về con người hiện đại mà nhìn chiều sâu lịch sử, có vẻ một cái gì đấy mang tính ký ức, gọi là tư liệu lịch sử, nghĩa là trong tôi có sự khám phá thành quách, con phố nhiều hơn là đời sống thị dân. Tôi không sinh trưởng ở đây. 18 tuổi rồi sau này đến 30 tuổi tôi mới trở lại Hà Nội thì con người Hà Nội không quá đậm đặc với tôi, mà phần trầm tích văn hóa lịch sử lại nhiều hơn. Như vậy, có thể dùng một từ là trầm tích. Trong các tác phẩm, từ hai cuốn tản văn giờ là tiểu thuyết thì vỉa trầm tích càng đậm đặc hơn.

 Bộ ba tác phẩm viết về Hà Nội của anh có sự khác biệt về mặt thể loại. Vậy cách viết của cuốn tiểu thuyết có gì khác so với hai cuốn tản văn trước đó?

 Cuốn tiểu thuyết này kết hợp được trầm tích từ hai cuốn trước. Ví dụ như tôi có nhắc đến những trầm tích về văn hóa, lịch sử, những danh nhân thời trước như Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh hoặc đơn giản là những vết đại bác ở Cửa Bắc. Cuốn sách này còn có những yếu tố đương đại, kết hợp một phần đời sống của người Hà Nội bây giờ, một phần đời sống văn học và các phong trào văn học. Cuốn sách mới mang màu sắc tổng hợp hơn và nhìn một cách nào đấy, nó sẽ nhiều chiều, phức tạp hơn so với hai cuốn tản văn trước. Tôi hy vọng rằng độc giả sẽ đón nhận nó với một chiều kích khác so với hai cuốn trước.

Hà Nội không phải là đề tài duy nhất trong sáng tác của anh. Trước đây, anh viết về một vùng đất khác. Vậy đề tài này có ảnh hưởng tới tư duy viết văn của anh không?

 Có khác biệt đấy. Trước đây, tôi viết về lịch sử thì vẻ trầm tích đơn giản là quá khứ thôi, còn khi viết về Hà Nội thì phức tạp hơn. Một là mình nhìn nhận thành phố này không chỉ đơn giản là lịch sử của một vùng đất mà nó là vùng đất Thủ đô, nó mang những yếu tố khác thì tôi cũng tư duy khác đi. Chẳng hạn, mình sẽ hiện đại hơn, sẽ phức tạp hơn hoặc là định hình lại phong cách của mình. Một người ở tỉnh xa, một vùng đất xa thì họ có thể tư duy khác khi ở đó. Nhưng khi về trung tâm văn hóa thì họ sẽ nhìn cuộc sống, nhìn mọi thứ khác đi. Áp lực sẽ nhiều hơn. Vì rõ ràng, anh muốn tồn tại ở Hà Nội thì anh phải mạnh mẽ, phải mãnh liệt hơn rất nhiều so với việc anh ở một địa điểm khác. Điều này giúp tôi vững chãi hơn. Tôi nhìn một cách bao quát hơn, tiếp thu những thứ rất quan trọng, như sự lịch lãm, sự trầm tĩnh,… rồi sự phức tạp ở một thành phố chất chứa nhiều yếu tố. Việc viết về Hà Nội giúp tôi có cái nhìn rộng mở, cảm giác là mình có nghĩa vụ nào đấy khi sống ở thành phố này, cũng như mình phải chuẩn chỉ hơn, phải kỹ càng hơn và khái quát hơn là so với ở một địa điểm khác.

          Xin cảm ơn nhà văn!

Nguyễn Hà thực hiện

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận