Làm thế nào phát triển văn hóa theo hướng bền vững mà không làm mất đi giá trị cốt lõi và liệu mô hình có khả thi? PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có những trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thưa PGS Bùi Hoài Sơn, khái niệm “lấy văn hóa nuôi văn hóa” đang nhận được nhiều sự quan tâm, ông có thể giải thích rõ hơn về khái niệm này?
Khái niệm "lấy văn hóa nuôi văn hóa" thực chất không phải là mới. Từ những năm 1990, ngành văn hóa đã có chủ trương này, với những ví dụ cụ thể như "lấy di tích nuôi di tích" hay "lấy lễ hội nuôi lễ hội". Ý tưởng cốt lõi của khái niệm này là sử dụng các giá trị văn hóa, di sản, và nghệ thuật để tạo ra nguồn lực tự tái đầu tư và phát triển thêm cho chính văn hóa. Thay vì chỉ dựa hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước, các lĩnh vực văn hóa cần có khả năng tạo ra nguồn thu từ bên ngoài để tự nuôi dưỡng và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Vai trò của nhà nước sẽ thay đổi như thế nào trong mô hình này?
Trong mô hình này, vai trò của Nhà nước sẽ chuyển từ việc đầu tư trực tiếp sang đóng vai trò gián tiếp và kiến tạo. Nhà nước sẽ định hướng và khuyến khích sự phát triển văn hóa thông qua các hoạt động xã hội hóa và hợp tác công tư. Đồng thời, Nhà nước sẽ tập trung vào giám sát, điều tiết, và đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Điều này có nghĩa rằng Nhà nước không còn trực tiếp "làm văn hóa" như trước mà thay vào đó tạo ra môi trường thuận lợi, điều kiện cần thiết để văn hóa có thể phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế thị trường.
Ông đánh giá như thế nào về đề xuất của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định liên quan đến việc tập trung phát triển công nghiệp văn hóa và “lấy văn hóa nuôi văn hóa”? Điều này có khả thi trong bối cảnh hiện nay không?
Tôi cho rằng đề xuất của Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định về việc phát triển công nghiệp văn hóa và lấy văn hóa nuôi văn hóa là rất đáng quan tâm. Đây là một chủ trương phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới. Khi tập trung phát triển công nghiệp văn hóa, chúng ta đang tạo điều kiện để văn hóa thích ứng với nền kinh tế thị trường. Việc chuyên nghiệp hóa sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có thể tạo ra những đột phá trong phát triển văn hóa, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế.
Chúng ta có thể nhìn thấy rõ tiềm năng này qua các sự kiện như tour biểu diễn của Blackpink tại Hà Nội, chỉ trong 3 đêm đã mang lại 600 tỷ đồng doanh thu, hay nhiều bộ phim điện ảnh có doanh thu hàng trăm tỷ. Điều này chứng tỏ rằng công nghiệp văn hóa có khả năng mang lại không chỉ lợi ích kinh tế mà còn cả lợi ích chính trị và văn hóa.
Việc thúc đẩy công nghiệp văn hóa cũng giúp tạo ra nguồn lực để tái đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa khác. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, có những lĩnh vực văn hóa dễ thích nghi và phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng có những lĩnh vực gặp khó khăn hơn. Bằng cách phát triển những ngành công nghiệp văn hóa có lợi nhuận, chúng ta có thể sử dụng nguồn lực đó để hỗ trợ cho các lĩnh vực khác, qua đó thực hiện chủ trương "lấy văn hóa nuôi văn hóa". Đây là một cách điều tiết hợp lý và khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông, những lĩnh vực nào trong văn hóa có tiềm năng tự nuôi dưỡng cũng như phát triển và có thể mang lại lợi nhuận để tái đầu tư vào các hoạt động văn hóa khác?
Văn hóa là một lĩnh vực vô cùng phức tạp và đa dạng. Có những lĩnh vực có thể thích nghi với nền kinh tế thị trường hiện nay, và cũng có những lĩnh vực không. Trong số những ngành có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, tôi cho rằng các ngành liên quan đến công nghiệp văn hóa, như du lịch văn hóa, là một ví dụ điển hình. Việt Nam có nền văn hóa phong phú, đa dạng và hấp dẫn, điều này thu hút rất nhiều du khách quốc tế muốn đến trải nghiệm.
Ngoài ra, lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh cũng có nhiều cơ hội. Trong âm nhạc, những thể loại như nhạc nhẹ rất dễ thu hút thị trường, với những nghệ sĩ như Sơn Tùng MTP hay Đen Vâu đã tạo ra nguồn thu lớn. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại âm nhạc đều có khả năng sinh lợi cao như vậy, ví dụ như âm nhạc truyền thống lại ít được thị trường quan tâm. Do đó, cần có sự điều tiết giữa các dòng nhạc để duy trì sự đa dạng.
Tương tự, trong điện ảnh, bên cạnh những bộ phim doanh thu cao như của Trấn Thành hay Lý Hải, còn có nhiều bộ phim khác có doanh thu khiêm tốn hơn. Việc điều tiết nội bộ trong ngành điện ảnh là rất quan trọng để duy trì sự đa dạng và phát triển các thể loại phim khác nhau.
Ngoài ra, các lĩnh vực như thời trang và ẩm thực cũng có nhiều tiềm năng. Thời trang Việt Nam, ngoài việc gia công, cần hướng đến những sản phẩm có giá trị và chất lượng cao hơn. Trong khi đó, ẩm thực không chỉ giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam mà còn hỗ trợ phát triển du lịch và các ngành nghề khác như nông nghiệp. Những lĩnh vực này đều có khả năng sinh lợi và từ đó có thể tái đầu tư vào các hoạt động văn hóa khác, tạo ra một vòng tuần hoàn bền vững cho văn hóa.
Mô hình này có thể ảnh hưởng thế nào đến việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, vốn thường khó tạo ra nguồn thu trực tiếp? Và làm sao để đảm bảo các lĩnh vực văn hóa quan trọng nhưng khó tạo lợi nhuận vẫn được hỗ trợ đầy đủ?
Nhiều lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể và cả di tích, gặp khó khăn trong việc thích nghi với nền kinh tế thị trường do khó tạo ra nguồn thu trực tiếp. Để khắc phục vấn đề này, chúng ta cần kết hợp các hoạt động văn hóa với những lĩnh vực khác. Ví dụ, các hoạt động văn hóa phi vật thể có thể trở thành sản phẩm du lịch, còn các di tích có thể được chuyển đổi thành không gian sáng tạo, phục vụ cho nhiều hoạt động khác nhau. Một ví dụ tiêu biểu là Văn Miếu, từ một di tích đã trở thành một không gian sáng tạo, nơi diễn ra nhiều sự kiện và trải nghiệm văn hóa, từ đó thúc đẩy du lịch và tạo ra những tương tác đa dạng.
Việc kết hợp như vậy không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn tạo ra các sức hút mới, thu hút sự quan tâm của du khách và cộng đồng. Tuy nhiên, vai trò điều tiết của Nhà nước ở đây là rất quan trọng. Chúng ta cần nhận thức rằng đầu tư cho văn hóa, đặc biệt là di sản, là đầu tư cho phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi tính toán đến lợi ích dài hạn và tác động lan tỏa. Mặc dù có thể không thu được lợi nhuận trực tiếp từ di sản, nhưng các lĩnh vực liên quan như du lịch, khách sạn, giao thông, hay ẩm thực đều hưởng lợi. Suy nghĩ theo hướng rộng và linh động như vậy sẽ giúp chúng ta có cách tiếp cận đầu tư cho văn hóa hợp lý và hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn PGS.TS Bùi Hoài Sơn!
Theo VOV.VN