Tạo đà đột phá nhờ tinh hoa của núi rừng Tu Mơ Rông

Tận dụng lợi thế là một trong ba vùng phát triển nguyên liệu sâm lớn nhất Việt Nam với sản phẩm sâm Ngọc Linh được biết đến là 'quốc bảo của Việt Nam',

 

Tận dụng lợi thế là một trong ba vùng phát triển nguyên liệu sâm lớn nhất Việt Nam với sản phẩm sâm Ngọc Linh được biết đến là “quốc bảo của Việt Nam”, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã, đang huy động các nguồn lực và chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch, mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Để sâm Ngọc Linh tạo bước đột phá cho du lịch

Có lợi thế về cảnh quan đẹp, hoang sơ với các di tích lịch sử cách mạng, là nơi đồng bào Xơ Đăng còn lưu giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống quý báu, huyện Tu Mơ Rông đã xác định tập trung đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa lịch sử và đặc biệt là du lịch trải nghiệm gắn với cây dược liệu sâm Ngọc Linh, sản phẩm nông nghiệp điển hình và có giá trị cao của địa phương.

Tu Mơ Rông là một trong ba vùng phát triển nguyên liệu sâm lớn nhất Việt Nam

Huyện Tu Mơ Rông quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, chinh phục đỉnh Ngọc Linh được mệnh danh là “nóc nhà Tây Nguyên” và các thác đẹp trên địa bàn. Đặc biệt, huyện xây dựng những tour du lịch trải nghiệm vườn sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm để tạo sức hấp dẫn, mới lạ, tạo bước đột phá cho du lịch, từng bước nâng cao đời sống kinh tế - xã hội địa phương…

Trong Đề án phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 thì sâm Ngọc Linh và các dược liệu được xác định là sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương gắn với phát triển du lịch.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông, cho biết: Tu Mơ Rông xác định du lịch là một thế mạnh, có thể phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị dân tộc, phát triển vùng cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh... Xác định hai sản phẩm du lịch chính của huyện Tu Mơ Rông là du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm vườn dược liệu; du lịch trải nghiệm văn hóa và thưởng thức ẩm thực của đồng bào Xơ Đăng. Tu Mơ Rông cũng đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh kết nối, xây dựng tuyến điểm du lịch tham quan trải nghiệm tại xã Măng Ri, thủ phủ dược liệu quý hiếm. Tuyến điểm du lịch này đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách. Tại các điểm du lịch thành lập các tổ đón tiếp, phục vụ du khách và được cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tập huấn, đào tạo kỹ năng hướng dẫn, đón tiếp, phục vụ khách du lịch. Hợp tác xã Du lịch và Dược liệu xanh Siu Puông, Hợp tác xã dược liệu - du lịch Ngọc Linh H80... đã có sự kết nối tour, tuyến du lịch với các đơn vị lữ hành.

Khách du lịch thích thú bên vườn sâm Ngọc Linh.

Ông A Phết - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Na - khẳng định: “Các biện pháp xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch đã được triển khai đồng bộ, chú tâm vào việc kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp để hoàn chỉnh sản phẩm, cung ứng dịch vụ du lịch. Đây được coi là “chìa khóa” để xã đẩy mạnh, sớm phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương”.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở VH-TT&DL Kon Tum, sâm Ngọc Linh mọc tập trung ở hai huyện miền núi Đăk Glei và Tu Mơ Rông, được đánh giá là dược liệu quý hiếm và tốt nhất thế giới. Những năm qua, tỉnh Kon Tum đã đặt mục tiêu phát triển cây sâm Ngọc Linh, các loại dược liệu khác thành các mặt hàng chủ lực của địa phương, từng bước nâng tầm thương hiệu cây sâm Ngọc Linh có thương hiệu quốc gia và quốc tế, phát triển thành các sản phẩm OCOP, là sản phẩm đặc thù giúp phát triển du lịch địa phương.

“Tại huyện Tu Mơ Rông, Hợp tác xã Ngọc Linh H80 đã phát huy hiệu quả hoạt động kết nối và phân phối mang các sản phẩm nông sản, dược liệu của địa phương đến với du khách; tổ chức tham quan trải nghiệm vườn sâm Ngọc Linh; tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước nhằm góp phần tạo nguồn thu cho người dân từ hoạt động du lịch, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Sâm Ngọc Linh được biết đến là “quốc bảo của Việt Nam”

Theo thống kê năm 2022, tổng dân số huyện Tu Mơ Rông khoảng 29.331 người, với 95% là người Xơ Đăng. Năm 2023, con số 10.000 khách du lịch đến với Tu Mơ Rông tuy không lớn về số lượng nhưng đó là kết quả nỗ lực của địa phương trong việc biến tiềm năng thiên nhiên, cây đặc sản địa phương và văn hóa bản địa của người Xơ Đăng thành sản phẩm du lịch độc đáo, được khách nồng nhiệt đón nhận. Đặc biệt, điều quan trọng nhất, khách đến Tu Mơ Rông tiêu tiền thông qua việc mua những sản phẩm dược liệu có giá trị của dân, thậm chí còn mở nhà máy chế biến. Vì thế, người dân hưởng lợi nhiều từ chính sách phát triển du lịch này.

Theo thông tin từ Sở VH-TT&DL tỉnh Kon Tum, tháng 10/2024, UBND tỉnh Kon Tum đã có tờ trình gửi Bộ VH-TT&DL về việc Đề nghị đưa di sản văn hoá phi vật thể “Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh ở các huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei, tỉnh Kon Tum” vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia.

Ẩm thực nâng tầm giá trị sâm Ngọc Linh

Sau hai lần tổ chức thành công Hội chợ sâm thành công, tháng 4/2024, UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội thi ẩm thực dược liệu quốc tế và công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn chế biến từ sâm dây Tu Mơ Rông. Hội thi có chủ đề “Ẩm thực dược liệu - tinh hoa núi rừng Ngọc Linh”. Trong khuôn khổ hội thi, Công ty cổ phần Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietkings sẽ công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn được chế biến từ sâm dây cho huyện Tu Mơ Rông.

Công ty cổ phần Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietkings công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 120 món ăn được chế biến từ sâm dây cho huyện Tu Mơ Rông.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, đây là lần thứ 2 huyện tổ chức Hội thi ẩm thực dược liệu. Khác với lần trước, hội thi lần này mang tầm quốc tế khi có sự tham gia của các đầu bếp giỏi, các đội thi đến từ nhiều quốc gia như Lào, Trung Quốc, Thuỵ Sỹ… cùng thi đấu với các đầu bếp đến từ nhiều địa phương trên cả nước. Điều đặc biệt, hội thi là dịp để bà con người Xơ Đăng có cơ hội trổ tài nấu ăn, trình diễn các món ăn truyền thống của người Xơ Đăng gắn với cây sâm đặc sản địa phương đến với du khách trong và ngoài nước.

Chị Y Oanh (người Xơ Đăng) cùng chị Lương Thị Thành (người Thái), cán bộ văn hóa xã Đăk Hà mang đến hội thi một số món ăn đặc sản như gỏi, chè, giò heo nấu với sâm dây, củ mỳ luộc, lá mỳ xào, gỏi hoa chuối rừng… Chị Y Oanh bộc bạch: “Ở nhà, tôi có mở một quán ăn nhỏ. Thời gian rảnh, tôi thường nấu nhiều món ăn đặc sản để đãi khách và mời bà con trong làng thưởng thức. Nhờ vậy, mọi người có thể góp ý để món ăn giữ đúng vị nguyên bản và thêm phần sáng tạo cho món ăn. Tôi hy vọng sau này, bà con bản địa như chúng tôi sẽ nấu được nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng từ sâm để phục vụ du khách đến đây trải nghiệm”.

Các món ăn truyền thống của người Xơ Đăng gắn với cây sâm đặc sản địa phương

Từ xa xưa, người dân Xơ Đăng đã chế biến thành nhiều món ngon từ các dược liệu quý này. Công thức chế biến món ăn từ sâm dây sẽ được huyện in thành sách nhằm giới thiệu cho người dân biết, sử dụng, nhằm bồi dưỡng sức khỏe.

Tại gian thi của địa phương, đầu bếp Y Lê Tố Trinh ở xã Văn Xuôi, Tu Mơ Rông, chia sẻ, các bản làng dưới chân núi Ngọc Linh coi đẳng sâm là nguyên liệu thường thức hằng ngày. Không như củ sâm Ngọc Linh vốn có giá rất cao, đẳng sâm, sâm dây là sản vật rất bình dân, gần gũi với mọi gian bếp của người dân Tu Mơ Rông. Nhờ sử dụng đẳng sâm thường xuyên, bà con nơi này tăng cường sức bền cho những chuyến đi rừng dài ngày./.

Theo Quyết định 611/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, cả nước phấn đấu đạt 21.000ha diện tích trồng sâm vào năm 2030. Trong đó, tập trung phát triển vùng nguyên liệu sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận