Hội nhập quốc tế về văn hóa - Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thủ đô Hà Nội khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Thủ đô Hà Nội đã phấn đấu, tạo sự chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa. Theo đó, một trong những trọng tâm là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đáp ứng xu thế sáng tạo trong quá trình hội nhập quốc tế
Di tích Quốc gia Đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những quần thể kiến trúc lâu đời và quan trọng bậc nhất ở Hà Nội và là di tích tiêu biểu, điểm đến thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế. Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và nghệ thuật nâng cao hiệu quả khai thác, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đáp ứng xu thế sáng tạo trong quá trình hội nhập quốc tế.
Công nghệ 3D Mapping tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Thực tế cho thấy, khi tham quan di tích, không phải lúc nào khách tham quan cũng tiếp cận được những giá trị đa dạng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, những công trình của Văn Miếu – Quốc Tử Giám từ thời Lý, Trần, Lê không còn nhiều, tư liệu, hiện vật rất thiếu, hiện vật gốc không có. Điều này không khỏi làm cho khách tham quan có cảm giác tiếc nuối, hụt hẫng khi đến thăm địa điểm được mệnh danh là trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu khoa học về di tích, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã từng bước đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng một cách hiệu quả các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để hướng tới một hệ sinh thái hoàn thiện hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động phát huy giá trị của Di tích.
Trung tâm đã triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin “Xây dựng Cơ sở dữ liệu số 3D di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh” nhằm kết hợp kỹ thuật công nghệ 4.0 (công nghệ tương tác, số hóa 3D, công nghệ sách điện tử, công nghệ AR/VR, công nghệ mô phỏng phục dựng 3D…) và nghiên cứu lịch sử, văn hóa với mục đích hướng đến những sản phẩm văn hóa có chất lượng cao phục vụ công tác nghiên cứu, phổ biến và quảng bá giá trị di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, phù hợp với cách tiếp cận, hưởng thụ của công chúng trong nền công nghiệp 4.0.
Khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám tham gia hoạt động hỏi đáp AI với cụ rùa (Ảnh: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám).
Với việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ 4.0 hiện đại (Công nghệ tương tác 3D, tương tác thực tế tăng cường (AR/VR), thuyết minh tự động), sách 3D phản ánh trực quan, sinh động và hấp dẫn các nội dung, giá trị kiến trúc nghệ thuật và lịch sử văn hóa của di tích, các câu chuyện về việc dạy và học tại Quốc Tử Giám, về đạo học Việt Nam và các giá trị phi vật thể của di tích giúp khách tham quan có những trải nghiệm thú vị, bổ ích. Sách 3D được xây dựng cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh để có thể giới thiệu, quảng bá không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.
Cùng với việc phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ, Trung tâm cũng bước đầu tiếp cận, triển khai và ứng dụng khoa học công nghệ kết hợp với nghệ thuật tổ chức các hoạt động văn hóa, khoa học, quảng bá giá trị di sản Văn Miếu Quốc Tử Giám trở nên hiệu quả hơn. Sử dụng sức mạnh của công nghệ số trong các trưng bày, triển lãm tại di tích là một trong giải pháp phù hợp, hiệu quả và mang lại sự hào hứng cho công chúng, đặc biệt là người trẻ.
Ngoại giao văn hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế
Với vai trò là cơ quan đối ngoại của Thủ đô, hàng năm, Sở Ngoại vụ đã tham mưu Thành phố việc xây dựng và ban hành Kế hoạch đối ngoại để xác định phương hướng đối ngoại phù hợp với tình hình, yêu cầu trong từng giai đoạn, trong đó ngoại giao văn hóa là một trọng tâm lớn, là cầu nối giữa địa phương với quốc tế trong việc thực hiện hội nhập quốc tế, góp phần phát triển văn hóa, du lịch, thu hút các du khách quốc tế đến với Hà Nội cũng như các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư phát triển Thủ đô.
Chương trình “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội với bạn bè trong nước và quốc tế.
Trong 10 năm qua, công tác ngoại giao văn hóa đã được triển khai ngày càng bài bản và chuyên nghiệp, gắn kết và thúc đẩy hiệu quả công tác ngoại giao chính trị và kinh tế, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, phục vụ triển khai các mục tiêu đối ngoại của Thủ đô.
Các hoạt động ngoại giao văn hóa gắn kết chặt chẽ với ngoại giao chính trị: Hoạt động văn hóa đối ngoại được lồng ghép phù hợp trong khuôn khổ các hoạt động đoàn ra, đoàn vào, các hội nghị, hội thảo quốc tế và các sự kiện giao lưu văn hóa - nghệ thuật, nhằm quảng bá hình ảnh con người, danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hóa của Thủ đô Hà Nội đến với cộng đồng quốc tế; các sự kiện giao lưu văn hóa - văn nghệ.
Thủ tướng Australia - Anthony Albanese trải nghiệm ẩm thực Việt Nam tại một quán bia hơi bình dân.
Dấu ấn văn hóa để lại được thể hiện qua những hình ảnh thân thiện, gần gũi của các Nguyên thủ quốc gia tại Hà Nội càng góp phần khẳng định những giá trị thực sự tại "Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình": Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngồi ăn bún chả trong chuyến công du Việt Nam năm 2016; Tổng thống Argentina Mauricio Macri thưởng thức cà phê vỉa hè khi thăm Việt Nam vào tháng 2/2019; Công chúa Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree thưởng thức món bún bò Nam Bộ và thăm làng nghề tuyền thống mây tre đan năm 2019; Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã trải nghiệm ẩm thực Việt Nam tại một quán bia hơi bình dân năm 2023; Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol dạo bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm năm 2023...
Dấu ấn về các sự kiện văn hóa đối ngoại trong nước và quốc tế: Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Hà Nội với các Thủ đô, địa phương các nước, Thành phố đã thúc đẩy tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa đối ngoại lớn tại các nước nhân kỷ niệm năm tròn, năm chẵn thiết lập quan hệ hữu nghị hữu nghị hợp tác, tiêu biểu như Những ngày văn hóa Hà Nội tại các thành phố có quan hệ hợp tác truyền thống với Hà Nội như Moscow (CHLB Nga), Seoul (Hàn Quốc); Toulouse (Pháp), Fukuoka (Nhật Bản), Geneva (Thụy Sĩ),... và Lễ hội văn hóa các thành phố tại Hà Nội. Qua cơ chế thông tin, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, Thành phố đã cử các đoàn nghệ thuật tham gia giới thiệu văn hóa dân gian truyền thống tại các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quốc tế tại các nước./.
Theo VOV.VN