Cảm nhận của người nước ngoài về Tết Việt

Người Việt ai ai cũng mong muốn đón một cái Tết ấm no, hạnh phúc. Còn cảm nhận của người nước ngoài về Tết Việt thì sao?

 

Không khí chào mừng năm mới - xuân Kỷ Hợi 2019 đang tràn ngập trên khắp phố phường. Người Việt chạy dọc ngang khắp các ngõ ngách nô nức sắm Tết bởi ai ai cũng mong muốn đón một cái Tết ấm no, hạnh phúc. Còn cảm nhận của những người bạn quốc tế về ngày Tết truyền thống của dân tộc thì sao?

Tôi rất thích không gian yên tĩnh trong những ngày Tết

Đó là chia sẻ của bà Jovana Louis Benoit - phu nhân Đại sứ Haiti tại Việt Nam. Bà Jovana đã sinh sống và làm việc tại Hà Nội 5 năm, ngày thường cảm nhận đường phố luôn đông đúc, tấp nập nên Tết Nguyên đán trở thành những ngày đặc biệt quý giá với bà. Vốn đặc biệt yêu thích phố cổ Hà Nội, bà thích nhất cảm giác được dạo bước qua các con phố nhỏ bình yên: “Ngắm nhìn vẻ trầm mặc của những ngôi nhà rêu phong cổ kính khiến tôi cảm thấy tâm hồn như được gột rửa, một cảm giác thật thoải mái”.

Bà Jovana Louis Benoit.

Bà Jovana cho rằng vào những ngày lễ đặc biệt này, dù chúng ta có đang ở đâu thì cũng nên trở về để dành thời gian quý báu bên những người thân yêu. Cũng giống như quan niệm ở Haiti, năm mới còn là dịp để mỗi chúng ta có những quyết định và khởi đầu mới. Người Việt Nam dù có bận rộn đi thăm hỏi, chúc Tết đến đâu thì vẫn dành một khoảng thời gian đi lễ đền, chùa cầu mong năm mới bình an, sự nghiệp phát đạt. Còn với người dân Haiti ở đất nước phía Tây có nhiều điểm khác biệt trong văn hóa thì chỉ có duy nhất một ngày “Tết”. Họ chủ yếu dành thời gian tụ tập bên gia đình, bắt đầu ngày mới với món súp bí đỏ và tổ chức tiệc vào buổi tối. Người Haiti làm ra súp bí đỏ để tưởng nhớ ngày đất nước độc lập vào tháng 1/1804, họ tin rằng món ăn đặc biệt này sẽ mang lại sự can đảm, đức tính kiên trì để vượt qua thử thách trong hiện tại và tương lai.

Bà Jovana hiện là nhà thiết kế, giám đốc sáng tạo và còn sở hữu một thương hiệu thời trang riêng JOVANA LOUIS. Phu nhân Đại sứ Haiti còn đặc biệt yêu mến những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam, bà luôn dành tình cảm cho tà áo dài và tự mình thiết kế các bộ sưu tập áo dài với những hoa văn giao thoa hai nền văn hóa. Đối với bà, thời gian sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã giúp bà cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp con người và mảnh đất hình chữ S. “Việt Nam là đất nước tuyệt đẹp, các bạn có văn hóa, tâm hồn và đó là điều thu hút người khác. Tôi đặc biệt yêu thích nền văn hóa phong phú và độc đáo theo cách riêng rất Việt Nam mà không nơi nào có được. Người Việt Nam thật ấm áp và thân thiện, tuy nhiên cũng có nhiều lúc bạn sẽ phải kiên nhẫn vì rào cản ngôn ngữ và những nét khác biệt trong văn hóa”.

Thích các món ăn truyền thống dịp Tết

Marcus Lacey - nhiếp ảnh gia, nhà sản xuất người Anh luôn trăn trở về Hà Nội. Anh đã dành 2 năm để đi khắp các ngõ ngách trong thành phố, đến từng làng nghề truyền thống như làng cổ Đường Lâm, làng hoa Tây Tựu, làng gốm Bát Tràng, làng làm giấy dó để ghi lại cuộc sống sinh hoạt, truyền tải hồn cốt cũng như những thăng trầm của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Cuốn sách ảnh đầu tay của anh có tên “Hanoi Photographic” chứa đựng gần 200 bức ảnh về những khoảnh khắc rất Hà Nội thông qua 12 chương riêng biệt.

Ông Marcus LaceyNặng lòng với Hà Nội là thế, Marcus Lacey còn đặc biệt ngưỡng mộ lịch sử hào hùng của dân tộc ta và luôn cảm thán về “rừng vàng biển bạc”. Lần đầu đến Ba Vì, anh đã ấn tượng mạnh với những dải đồi mướt mát bao quanh tạo thành một vành đai bảo vệ kiên cố, hùng vĩ nơi đây. Anh luôn mong muốn mình có thể khám phá được hết các địa danh ở mảnh đất xinh đẹp này.

Marcus Lacey chia sẻ, năm đầu tiên đón Tết cổ truyền Việt Nam, anh không biết gì về văn hóa và chưa quen nhiều bạn nên rất cô đơn vì chỉ cảm nhận Tết một mình. Sang năm thứ hai, anh và bạn bè đã cùng nhau đón năm mới ở nhà một người trong số họ. “Khoảnh khắc được ngắm pháo hoa từ khung cửa sổ nhỏ, chúng tôi cùng nhau nâng ly chúc mừng, khi đó tôi đã hiểu thế nào là không khí đầm ấm ngày Tết”, Marcus Lacey bày tỏ.

Marcus Lacey thích tất cả các món ăn truyền thống vào lễ Tết, đặc biệt là giò lụa và nem rán. Anh thích thú bật mí mình có thể ăn đến hơn mười cái nem một lúc mà… vẫn muốn ăn thêm. Mặc dù từng học tập và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Campuchia, New Zealand,... và mỗi nơi đều có một cách “ăn Tết” riêng nhưng Tết Nguyên đán ở Việt Nam vẫn để lại trong anh nhiều cảm xúc nhất.

Năm nay Marcus Lacey sẽ không ở Hà Nội mà dự định sẽ đến Huế đón Tết. Anh đã lên kế hoạch đi thăm những lăng tẩm, cung điện cổ và không quên mang theo chiếc máy ảnh đồng hành để lưu lại những vết tích của một cố đô đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử.

Mong được khám phá nhiều phong tục độc đáo

Bà Jovana và anh Marcus Lacey đã từng đón Tết Nguyên đán nhưng chị Kim Yoon Ji - chuyên viên tiếng Hàn tại Hà Nội lại là lần đầu tiên được tìm hiểu về ngày Tết của người Việt. Cùng là hai quốc gia châu Á, phong tục truyền thống trong ngày Tết ở Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Ở Hàn Quốc, vào ngày mồng Một con cháu trong nhà sẽ cúi lạy chúc sức khỏe người lớn tuổi và sau màn cúi lạy, người lớn sẽ tặng tiền cho trẻ em. Nếu ở Việt Nam trẻ con được lì xì từ người lớn để nhận may mắn và cầu sung túc thì người Hàn chỉ mừng tiền những người trong gia đình.

Bà Kim Yoon Ji

Kim Yoon Ji từng là giáo sư thanh nhạc tại Trường Đại học Konkuk, sau đó chị đã có sáu năm dạy học ở Đức và hai năm ở Anh. Chính cuộc gặp gỡ người chồng hiện tại đã giúp chị bén duyên với Hà Nội. Chồng Kim Yoon Ji là người Việt, anh chị gặp nhau tại quê hương của Yoon Ji, tình yêu với anh chàng người Việt Nam đã thôi thúc chị theo anh về nước xây dựng gia đình. Tính đến nay đã được 8 tháng, chị chăm chỉ học tiếng Việt và có thể giao tiếp tốt gần như người bản địa. Chị rất vui vì có thể dễ dàng hòa nhập với môi trường mới ở Việt Nam. Chị xúc động chia sẻ: “Tôi rất yêu người Việt Nam vì họ hiền lành, tốt bụng và thân thiện. Tôi từng đến Đà Nẵng, Nha Trang, Hội An, Hải Phòng và họ đều giúp đỡ tôi rất nhiều, tôi cảm thấy thật hạnh phúc”.

Năm nay, vợ chồng anh chị sẽ cùng nhau đón cái Tết đầu tiên tại Việt Nam. Yoon Ji muốn tự mình nấu mâm cỗ truyền thống cho gia đình. Chị rất háo hức với phong tục đi chúc Tết đầu năm: “Năm nay sau khi chúc Tết họ hàng, bạn bè, chúng tôi dự định sẽ đi chùa Hương vào ngày rằm. Chồng tôi nói rằng người Việt Nam có phong tục đầu năm thường đi chùa Hương, người ta sẽ đi đò trên sông Yến, vừa trôi theo dòng nước vừa ngắm phong cảnh hữu tình hai bên. Tôi rất tò mò và muốn nhanh chóng được trải nghiệm nét văn hóa độc đáo này”.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận