Trong suốt thời gian làm phóng viên thường trú tại Trung Quốc, tôi đã thực hiện hàng trăm chuyến đi, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất là tường thuật trực tiếp trận chung kết của đội tuyển U23 tại Thường Châu.
Nhận lệnh cấp tốc
Phải thừa nhận rằng tôi là một trong số không nhiều những người may mắn được cảm nhận trọn vẹn những cung bậc cảm xúc do các chàng trai của đội U23 thi đấu giải U23 châu Á tại thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc hồi đầu năm 2018 mang lại. Vòng chung kết tại Thường Châu diễn ra đúng vào dịp tôi về Việt Nam họp tổng kết nên tôi không thể đi đưa tin hay cổ vũ khi đội U23 thi đấu ở vòng bảng hay các trận tứ kết, bán kết và cũng chẳng thể ngờ các cầu thủ của chúng ta thi đấu thăng hoa, tiến thẳng một mạch đến trận chung kết.
Trận tứ kết giữa đội U23 Việt Nam và U23 Iraq diễn ra khi chúng tôi đang ở thành phố Nam Ninh, Quảng Tây thực hiện các chương trình chuẩn bị phát sóng vào dịp Tết. Chúng tôi hét vang cả khách sạn khi đội nhà vượt qua U23 Iraq để tiến vào bán kết. Nhân viên khách sạn cũng chia vui cùng chúng tôi, họ khâm phục tinh thần thi đấu của đội U23 Việt Nam rất đáng để các cầu thủ Trung Quốc học tập.
Ngay hôm sau tôi cấp tốc rời Nam Ninh về Hà Nội khi nhận được chỉ đạo từ Lãnh đạo Đài là: liên hệ với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Thượng Hải xin gia hạn thị thực (visa) cho anh Thành Lương - phóng viên thể thao của Đài đi theo đoàn, đồng thời chuẩn bị các thủ tục phối hợp với anh Thành Lương lập cầu tường thuật trực tiếp từ Thường Châu nếu đội U23 Việt Nam vào chung kết.
Ban đầu không ai dám nghĩ đội bóng của chúng ta có thể đi sâu vào giải khi đội U23 Việt Nam nằm trong bảng đấu toàn những đội mạnh như Hàn Quốc, Australia và Syria nên visa của anh Thành Lương cũng chỉ là visa ngắn hạn. Rất may, mọi thủ tục liên quan được giải quyết ngay trước giờ bóng lăn của trận bán kết giữa Việt Nam với Qatar.
Hạnh phúc khi làm trực tiếp về thể thao
Ngay sáng hôm sau tôi nhận được chỉ đạo của Lãnh đạo Đài sang ngay Thường Châu để phối hợp với anh Thành Lương thành lập đầu cầu từ Thường Châu kết nối với phòng thu tại Đài TNVN tường thuật trực tiếp trận đấu phục vụ khán thính giả của Đài TNVN. Nhận lệnh, tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng là mình được chứng kiến thời khắc lịch sử của đội tuyển ngay tại sân thi đấu. Lo là dù tôi đã từng đưa tin, làm cầu kết nối về các hoạt động liên quan tới đời sống, chính trị, xã hội của Trung Quốc, nhưng chưa lần nào tôi làm một chương trình tường thuật trực tiếp về thể thao. Tuy nhiên, được sự động viên của lãnh đạo Đài cũng như chia sẻ từ các anh, chị đồng nghiệp giàu kinh nghiệm, tôi cũng tự tin nhận nhiệm vụ.
Việc tiếp theo cũng hết sức khó khăn đó là tìm đường bay nhanh nhất từ Hà Nội sang Thường Châu. Quả thực trong những ngày đó, mọi phương án đặt chỗ đều khó khăn do mọi đường bay từ Việt Nam sang Thường Châu đều không còn một chỗ. Từ tối, tôi phải vận dụng mọi mối quan hệ để kịp xác nhận có vé sang Thường Châu vào sáng hôm sau
Trải qua một hành trình bay từ Hà Nội - Quảng Châu - Cam Châu - Thường Châu, tôi đặt chân đến khách sạn tại Thường Châu vào 22 giờ tối cùng ngày. Ngay lập tức tôi và anh Thành Lương hội ý nhanh, phân công nhiệm vụ cụ thể cũng như dự liệu mọi tình huống xấu có thể phát sinh bởi lúc này thời tiết tại Thường Châu rất lạnh, tuyết rơi dày.
Khách sạn nơi chúng tôi ở nằm ngay gần sân vận động Thường Châu có rất đông các đoàn cổ động viên từ Việt Nam sang. Mọi người cũng chật vật mới được chứng kiến thời khắc lịch sử của bóng đá Việt Nam; người thì bay đến Thượng Hải, rồi đi tàu đến Thường Châu. Người thì di chuyển bằng đường bộ sang Nam Ninh rồi đi ô tô, sau gần 4 ngày mới đến được Thường Châu. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, dành cho nhau những cái ôm, những cái bắt tay thật chặt tựa như người thân quen đã lâu. Tất cả đều chung một niềm tin chiến thắng của đội tuyển.
Khoảng 9h sáng ngày 27/1, chúng tôi đã thấy rất nhiều đoàn cổ động viên Việt Nam có mặt tại sân vận động Olympic Thường Châu ngập trong tuyết dù 15h mới diễn ra trận chung kết. Đường phố Thường Châu bị tuyết bao phủ. Lúc này tôi lại đóng thêm vai “dự báo thời tiết” để cập nhật tình hình liệu trận đấu có bị hoãn? Và trận đấu vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch. Bất chấp tuyết rơi dày, hàng ngàn cổ động viên Việt Nam có mặt trên sân đã tạo nên bầu không khí hết sức sôi động, hiếm có khi nào quốc kỳ Việt Nam tung bay trên đất Trung Quốc nhiều đến như vậy.
Làm phóng viên đôi khi phải “láu cá”
Việc tác nghiệp trong điều kiện thời tiết cực đoan tại Thường Châu khó khăn càng nhân lên gấp bội khi AFC chỉ cho chụp ảnh, không cho ghi hình trận đấu với lý do bản quyền. Chiếc Smartphone trở nên hữu dụng hơn lúc nào hết. Nó trở thành công cụ vạn năng để chúng tôi kết nối với đầu cầu Hà Nội, rồi quay phim, chụp ảnh. Lúc này, việc truyền thông tin về nhà nhanh nhất là facebook, nhưng cũng hết sức khó khăn bởi Trung Quốc không cho phép sử dụng mạng xã hội. Do hạn chế về nhân lực, khi trận đấu diễn ra hết sức sôi động, anh Thành Lương đảm nhiệm truyền tín hiệu về phòng thu của Đài TNVN để phục vụ tường thuật trực tiếp. Tôi và phóng viên Đinh Tuấn thực hiện 5 nội dung cùng lúc: tường thuật, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn và truyền thông tin về nhà. Nhiều lúc, hai anh em phải chia nhau người trên khán đài, người dưới sân bóng, hay đứng ở hai góc sân để cung cấp cho khán giả những bức ảnh sinh động từ nhiều góc chụp. Trận đấu kết thúc và để lại nhiều cảm xúc khi U23 Việt Nam nhận bàn thua ở phút thứ 120, khi mà những người hâm mộ đều mong muốn được chứng kiến thủ môn Bùi Tiến Dũng trổ tài thêm một lần nữa.
Ngay sáng hôm sau, tôi trở về Việt Nam với hành trình ngược lại Thường Châu - Cam Châu - Quảng Châu - Hà Nội. Trong suốt thời gian làm phóng viên thường trú tại Trung Quốc, tôi đã thực hiện hàng trăm chuyến đi nhưng chưa khi nào tôi cảm thấy thư thái và thoải mái khi trở về như thế, cảm giác ấy đến nay vẫn còn vẹn nguyên. |
Có một chuyện bất ngờ xảy ra trong quá trình tác nghiệp, đó là trong khi đang mải mê ghi hình, chụp ảnh, tôi và phóng viên của thông tấn xã bị trục xuất khỏi sân do vi phạm quy định của AFC. Do nhanh chân nên tôi kịp chạy thoát lên khán đài trong khi anh bạn đồng nghiệp bị đưa vào phòng cách ly đến khi trận đấu kết thúc do không chịu khai danh tính của “đồng phạm”. Thế mới biết làm phóng viên đôi khi cũng phải “láu cá” một chút mới được việc, nếu như hôm ấy mà bị “nhốt” như anh bạn đồng nghiệp, có lẽ tôi sẽ không hoàn thành nhiệm vụ được giao.