Chuyện ở giải U15 Quốc gia Next Media 2019: Từ 'huấn luyện viên' đến 'thầy'!

Cái tên Phạm Văn Quyến 'nóng' trở lại khi cậu xuất hiện tại cuộc họp báo giải U15 toàn quốc Next Media 2019 trong vai trò HLV U15 Sông Lam Nghệ An.

 

Trước hết phải thấy rằng, trên nhiều phương diện, mối quan hệ “thầy - trò” trên sân cỏ (huấn luyện viên  - cầu thủ) chủ yếu chỉ mang tính thời vụ và không hề dạy chữ, nhưng người Việt vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo, dẫu là thầy dạy... sút bóng vẫn xứng đáng được trân trọng.

Ở góc độ khác, việc giới quần đùi áo số sau khi giải nghệ chuyển sang làm công tác huấn luyện là câu chuyện “xưa như trái đất”, cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Chẳng nói đâu xa, ngay tại thành Vinh, những đàn anh của Quyến như Hữu Thắng, Như Thuật, sau khi “treo giày” đều “bén duyên” với nghiệp “cầm đũa chỉ đạo”. Cũng không thể không nhắc đến Lê Huỳnh Đức, tiền đạo nổi danh từ khi còn chơi bóng, sau có đến hơn nửa thập niên liên tục dẫn dắt CLB SHB Đà Nẵng và gặt hái được không ít thành công, trong đó có cả tấm Huy chương Vàng V.League.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là từ danh xưng “huấn luyện viên” đến “thầy” là cả một khoảng cách không dễ chinh phục, bởi bên cạnh yếu tố “năng lực”, mỗi huấn luyện viên còn phải chỉn chu, mực thước trong lối sống, công việc, được ban huấn luyện và các cầu thủ tôn trọng. Dẫu “đạo đức huấn luyện viên” là khái niệm rất mơ hồ nhưng không dễ để khán giả gọi ai đó tiếng “thầy”.

Lấy ví dụ từ màn truy đuổi “xưa nay hiếm” ở hậu trường đội bóng Hải Phòng cách đây gần 2 năm. Cho rằng thủ môn Đặng Văn Lâm “hỗn láo với anh em”, trợ lý Sỹ Mạnh - người mà trên danh nghĩa là “thầy” của Lâm đã tìm đến tận phòng ngủ của “trò”, dùng… nắm đấm để dạy dỗ. Với cách hành xử kiểu “xã hội đen” ấy,  tôi tin rằng dẫu sau này Sỹ Mạnh có trở thành một nhà cầm quân danh tiếng thì anh cũng khó thuyết phục được người hâm mộ thốt lên hai tiếng “thầy Mạnh”!

Vạn sự khởi đầu nan, hy vọng Văn Quyến sẽ làm tốt ở vai trò mới.

Lịch sử sân cỏ quốc nội đã chứng minh, người ta có thể gọi một nhà cầm quân là “ông thầy trẻ” như một dạng “danh từ chung”, còn để nó trở thành “danh từ riêng” thì xem ra còn khó hơn hái sao trên trời. Sân cỏ quốc nội có ông Tuấn “nhím” (Lư Đình Tuấn), có cả Thịnh “đen” (Nguyễn Văn Thịnh) rồi Bảo “khoằm” (Vũ Quang Bảo) nhưng đến thời điểm này mới chỉ có 2 nhà cầm quân ngoại quốc là các HLV Calisto, Park Hang Seo được gọi bằng những cái tên trìu mến: “thầy Tô”, “thầy Park”…

Trở lại câu chuyện của Phạm Văn Quyến, tài năng bóng đá của anh từng được các chuyên gia nhận xét là “trời phú” cùng những năm tháng thi đấu trong màu áo đội tuyển U23 Quốc gia là lợi thế không nhỏ để người hâm mộ có cơ sở tin rằng, tiền đạo xứ Nghệ sẽ thành công trong cương vị mới. Chẳng phải thế sao khi cùng thế hệ với Văn Quyến, những Minh Phương, Tài Em đều đã tìm đến ca-bin huấn luyện để gửi gắm sự nghiệp và cả 2 đều được lãnh đạo đội bóng chủ quản cho thử sức ở sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội. Minh Phương, Tài Em từng lần lượt là HLV trưởng các CLB: SHB Đà Nẵng, Sài Gòn FC.

Tuy nhiên, cũng như hai đồng nghiệp kể trên, Văn Quyến nói riêng và vô số HLV trẻ tuổi khác nói chung sẽ phải nỗ lực rất nhiều để được gọi là “thầy” và xứng đáng với chữ “thầy”.

Vạn sự khởi đầu nan, hy vọng Văn Quyến, Minh Phương, Tài Em sẽ không nhụt chí!

Thanh Hà

 

Bình luận

    Chưa có bình luận