NSƯT Triệu Trung Kiên: Muốn hình thành cho khán giả thói quen đến rạp

NSƯT Triệu Trung Kiên - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cùng các đồng nghiệp vừa thành lập sân khấu cải lương mang tên Đại Việt.

 

Muốn tạo điểm nhấn

Anh có thể chia sẻ về sự ra mắt khá bất ngờ của Đại Việt?

        Sân khấu tư nhân Đại Việt là do tôi, tác giả Hoàng Song Việt và NSƯT Quang Khải đồng sáng lập. Cải lương đã tồn tại hơn 100 năm nhưng lại đang gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy chúng tôi muốn có một điểm nhấn để khán giả thấy được sự nỗ lực của các nghệ sĩ cải lương. Đầu tiên đó sẽ là sự ra mắt những tác phẩm thật sự đặc sắc, có sự đầu tư công phu, kỹ lưỡng chiều lòng được đa số đối tượng người xem. Từ đó sẽ dần dần hình thành cho người dân thói quen tới rạp, thưởng thức những tác phẩm sân khấu. Đương nhiên đó phải là khi chúng tôi có những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao. Và cũng trên tinh thần đó, vừa qua tại TP.HCM sân khấu Đại Việt đã cho ra mắt công chúng vở diễn Chuyện tình Khau Vai quy tụ được rất nhiều nghệ sĩ ngôi sao như: NSƯT Quế Trân, NSƯT Quang Khải, NSƯT Phượng Loan, NSƯT Lê Tứ, nghệ sĩ Hà Như... Bước đầu, chúng tôi đã nhận được những phản hồi rất tích cực của người xem.

          Tạo dựng sân khấu Đại Việt trong giai đoạn cải lương đang gặp nhiều khó khăn, các anh có nghĩ là mình đang bước vào thế khó?

        Đương nhiên là khó, có khi là khó khăn cực điểm. Với những bạn bè đồng nghiệp họ rất lo lắng cho chúng tôi. Vì đây là sân khấu tư nhân nên chúng tôi phải tự lo hết, tự cân đối thu chi, tự tính toán mọi kế hoạch để thu hút khán giả bằng các tác phẩm tốt. Xây dựng những vở diễn có chất lượng cao thì chi phí chẳng hề ít. Nhưng với lượng khán giả còn khiêm tốn như hiện nay không thể có nhiều suất diễn để dễ thu hồi vốn. Đây chính là một bài toán hóc búa khiến anh em phải băn khoăn. Tuy nhiên, chúng tôi đã thống nhất là phải xây dựng thương hiệu bằng các vở diễn mang phong cách của sân khấu Đại Việt để khán giả quan tâm và thương mến tìm đến, thế nên giai đoạn đầu sẽ phải chấp nhận việc bù lỗ. Sau này khi có được lượng người xem thường xuyên mới có thể nuôi cho sân khấu đứng vững. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tìm kiếm và mời gọi các tổ chức và cá nhân yêu nghệ thuật cải lương cùng chung tay góp vốn để xây dựng Đại Việt.

Thưa NSƯT Triệu Trung Kiên, anh, tác giả Hoàng Song Việt và NSƯT Quang Khải đều là những người đang làm việc trong các đơn vị nghệ thuật công lập. Phải chăng, các anh cho rằng Nhà nước chưa có sự đầu tư đúng mức cho cải lương nên mới lập ra sân khấu Đại Việt để làm ra những tác phẩm chỉn chu?

           Hiện nay, với Nhà hát cải lương Việt Nam đang được đầu tư tốt. Hàng năm Bộ VH-TT&DL vẫn duy trì việc đặt hàng tác phẩm đối với các đơn vị nghệ thuật ở Trung ương. Trên cả nước vẫn có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao. Cả 2 đoàn nghệ thuật truyền thống và thể nghiệm của Nhà hát cải lương Việt Nam chúng tôi vẫn tiếp tục ghi được những dấu ấn đẹp trong lòng công chúng và bạn nghề. Tuy nhiên thị trường nghệ thuật đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn nữa. Ví dụ ở phía Bắc, nhất là Hà Nội, người dân quen được bao cấp, chưa sẵn sàng rút hầu bao để thưởng thức những tác phẩm chất lượng nên nhiều tác phẩm hay mà diễn không được bao nhiêu buổi. Họ chỉ đến rạp khi có vé mời, không dễ thay đổi trong ngày một ngày hai của phần lớn công chúng phía Bắc. Ở TP. Hồ Chí Minh, tình hình khá hơn một chút. Có lẽ cũng chính vì vậy chúng tôi muốn có một sân khấu riêng để cùng tìm tòi những bước đi mới cho sân khấu cải lương.

NSƯT Triệu Trung Kiên: Muốn hình thành cho khán giả thói quen đến rạp.

Bắt tay tháo gỡ khó khăn

Vì thế mà các anh chọn TP. Hồ Chí Minh là nơi để sân khấu Đại Việt ra mắt?

Đúng vậy! Sự nghiệp bảo tồn và phát triển cải lương là nhiệm vụ chung, còn Nhà hát cải lương Việt Nam là cơ quan đầu ngành được Bộ VH-TT&DL quản lý. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ chung của đơn vị, mỗi nghệ sĩ như chúng tôi còn mang một sứ mệnh rất thiêng liêng của người làm nghề đối với cải lương. Sân khấu này có tồn tại, có nối dài được hay không còn nhờ vào sự nỗ lực của từng cá nhân, không phân biệt là đơn vị công lập hay tư nhân. Thấy những khó khăn xuất phát từ đâu, chúng ta phải bắt tay vào tháo gỡ từ đấy. Đó cũng chính là lý do để tôi - một nghệ sĩ của sân khấu Nhà nước phía Bắc lại bắt tay vào thực hiện một sân khấu tư nhân tại phía Nam. Và tất nhiên, chúng tôi phải có kế hoạch cho từng bước đi cũng như sẵn sàng với những bất trắc có thể bất ngờ ập tới!

          Mở đầu sân khấu Đại Việt bằng vở diễn Chuyện tình Khau Vai  - một vở diễn từng tạo được dấu ấn tại Nhà hát cải lương Việt Nam mấy năm trước đây. Vậy anh cùng các đồng nghiệp kỳ vọng gì vào tác phẩm này?

Trước tiên không ai khẳng định là mình có thể thành công bởi vì thị trường nhiều khi vận động theo hướng khách quan mà chúng ta khó có thể nắm bắt hết được. Tuy nhiên, với sân khấu Đại Việt, chúng tôi hướng đến sự chỉn chu và bài bản để chinh phục khán giả. Một sàn diễn được kết hợp nhiều phương thức, trong đó quảng bá truyền thông phải đặt lên hàng đầu thì tác phẩm mà chúng tôi mang ra cũng phải rất tương xứng với điều đó. Theo đánh giá của chúng tôi, Chuyện tình khau vai đáp ứng được tiêu chí này.

Xuất hiện ở TP. HCM cách đây 5 năm và tác phẩm đã gây được sự chú ý với khán giả nhờ cốt truyện mang đặc trưng văn hóa vùng cao Tây Bắc, nơi mà bà con miền Nam ít có điều kiện trải nghiệm. Hơn nữa đây lại là một câu chuyện tình yêu nên sẽ có sự thu hút nhiều hơn đối với khán giả trẻ. Bên cạnh đó, với câu chuyện và không gian văn hóa này cho phép chúng tôi có sự đầu tư mạnh tay về trang trí, âm nhạc và mỹ thuật gợi tả được cái không khí độc đáo của vùng cao. Đặc biệt, âm nhạc của vở diễn do nhạc sĩ Trọng Đài phụ trách có sự kết hợp và chọn lọc giữa các nhạc cụ vùng Tây Bắc với dàn nhạc giao hưởng để vừa tạo được nét riêng vừa có tính chất sang trọng. Với vở diễn này, âm nhạc không chỉ minh họa mà còn là một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong vở diễn. Thêm nữa sự nỗ lực của các ngôi sao mà tôi tin chính họ sẽ là người kéo được khán giả đến rạp hát.

Cảm ơn anh và chúc anh cùng đồng nghiệp luôn có các vở diễn thành công tại sân khấu Đại Việt!  

Vũ Nga thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận