Đây là kết luận vừa được đưa ra tại buổi tọa đàm khoa học “Về nhân vật Trần Hoằng Nghị”.
Ngày 12/9/2019 (14/8 năm Kỷ Hợi), Đại lễ giỗ Đức Hoằng Nghị Đại Vương Thượng đẳng phúc thần đang được họ Trần ở thôn Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, Thái Bình tổ chức. Tuy nhiên, chỉ vài ngày trước, tại Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học “Về nhân vật Trần Hoằng Nghị” với sự chủ trì của GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; PGS Lê Văn Lan; và sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, đã làm rõ: Nhân vật Trần Hoằng Nghị mới xuất hiện vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20. Với những căn cứ khoa học và mặt bằng nhận thức cho phép ta khẳng định: Hoàn toàn không có căn cứ khoa học để khẳng định có nhân vật Trần Hoằng Nghị trong lịch sử.
Trước đó, tại các số báo 21, ra ngày 23/5/2019 có bài viết “Lại nóng chuyện thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ”; và số 22, ra ngày 30/5/2019 có bài viết “Cần trả lại sự thật cho lịch sử”, Báo TNVN đã thông tin tới độc giả về những tranh cãi xung quanh nhân vật còn tồn nghi này.
Buổi tọa đàm nói trên do Hội đồng họ Trần Việt Nam tổ chức nhằm làm rõ việc có hay không nhân vật Trần Hoằng Nghị, thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ. Tại buổi tọa đàm, PGS Đào Trần Quang Cát, Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam trong báo cáo đề dẫn nêu: Nhằm làm rõ, đưa ra kết luận mang tính khoa học về một nhân vật gây rất nhiều tranh cãi trong hơn một thập kỷ qua, cả trong giới sử học, dư luận xã hội và con cháu hậu duệ họ Trần: Đó là việc có hay không có nhân vật Trần Hoằng Nghị (còn gọi là Hoằng Nghị Đại Vương) trong lịch sử Việt Nam? Trần Hoằng Nghị có phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ hay không?
Qua những phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử kết luận: Triều đại nhà Trần là một triều đại đem lại niềm tự hào của dân tộc. Tọa đàm này là cần thiết và quan trọng. Nhân vật Trần Hoằng Nghị mới xuất hiện vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20. Thờ phụng ai trong các đền và miếu của các gia đình, dòng tộc là quyền tự do chính đáng của con cháu trong chi họ, cần được tôn trọng. Tuy nhiên, việc đưa nhân vật được gia tộc thờ phụng vào hàng các nhân vật lịch sử, nhất là gắn với những nhân vật có ảnh hưởng lớn đến dòng họ và lịch sử dân tộc thì phải tuân thủ theo những nguyên tắc chặt chẽ. Với mặt bằng nhận thức như hiện nay, không có căn cứ nào cho việc thừa nhận Trần Hoằng Nghị hay Trần Hoàng Nghị là một nhân vật lịch sử và là phụ thân của Thái sư Trần Thủ Độ.
Về việc Đại lễ giỗ Đức Hoằng Nghị Đại Vương Thượng đẳng phúc thần đang được tổ chức tại thôn Phương La. Theo thông báo, Đại lễ được Hội đồng họ Trần Việt Nam kết hợp với UBND huyện Hưng Hà, Hội UNESCO Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Việt Nam tổ chức. Tuy nhiên, trả lời Báo TNVN, ông Trần Quang Sỹ, Chánh văn phòng UBND huyện Hưng Hà, cho biết: Huyện không tổ chức lễ này, đây chỉ là việc của họ Trần. Huyện cũng không hề biết việc UBND huyện có trong danh sách thành viên Ban tổ chức như thông báo của dòng họ Trần ở thôn Phương La.
Trao đổi với ông Trần Nguyên Trung, Tổng thư ký Hội đồng họ Trần Việt Nam, được biết, sau buổi tọa đàm “Về nhân vật Trần Hoằng Nghị”, Hội đồng họ Trần Việt Nam đã thống nhất gửi văn bản lên các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan để thông báo kết luận của tọa đàm và kiến nghị chỉ đạo các cơ quan truyền thông trong hoạt động tuyên truyền, sách, báo, phim, ảnh… cũng như trong các văn bản của Đảng, Nhà nước xác định không có nhân vật Trần Hoằng Nghị trong lịch sử Việt Nam; đây là một nhân vật không có liên quan gì đến vương triều Trần, cũng không phải là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ. Dòng họ Trần cũng đề nghị UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo UBND huyện Hưng Hà ra văn bản yêu cầu chủ nhân ngôi đền thờ ở thôn Phương La, xã Thái Phương tự gỡ bỏ biển hiệu “Đền thờ tổ họ Trần Việt Nam” gắn trên “Đền nhà Ông” để tránh gây nhầm lẫn cho du khách thập phương và con cháu hậu duệ họ Trần. Nếu chủ ngôi đền cố tình không gỡ bỏ biển hiệu này, cần phải có biện pháp kiên quyết cưỡng chế.