Trong cuộc họp báo Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 21, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, không có sự ưu ái trong khâu duyệt, chấm điểm giữa phim do Nhà nước sản xuất với phim của tư nhân đối với sự có mặt 3 phim Nhà nước sau nhiều LHPVN vắng mặt.
LHPVN 21 với khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập” sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 27/11/2019 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với mục tiêu biểu dương và giới thiệu đến công chúng các tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc; vinh danh các nghệ sĩ điện ảnh có thành quả nghệ thuật nổi bật.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Trưởng ban chỉ đạo LHPVN 21 cho biết, các tác phẩm nằm trong danh sách dự thi đều phải đạt tiêu chí là đã được cấp phép phổ biến trong thời gian từ sau LHPVN 20 năm 2017 đến LHPVN 21 năm 2019.
Dựa trên những phim đã được phổ biến do các hãng đề cử, hội đồng duyệt phim sẽ lựa chọn phim đủ tiêu chuẩn và chất lượng dự thi. Có một số trường hợp sẽ do Trưởng ban tổ chức liên hoan trực tiếp xem xét, quyết định. Việc trao các giải thưởng Bông sen vàng, Bông sen bạc sẽ dựa vào chất lượng thực tế, không nhất thiết phải trao đủ số lượng giải thưởng như dự định.
LHPVN 21 gồm các chương trình: Phim dự thi, Phim toàn cảnh, triển lãm, Hội thảo... LHPVN 21 có sự tham gia của 16 phim truyện điện ảnh, 29 phim tài liệu, 20 phim hoạt hình và 9 phim khoa học.
16 phim truyện điện ảnh gồm: “Khi con là nhà”, “11 niềm hy vọng”, “Người bất tử”, “Tháng năm rực rỡ”, “Thạch Thảo”, “Song Lang”, “100 ngày bên em”, “Anh thầy ngôi sao”, “Lật mặt: Nhà có khách”, “Cua lại vợ bầu”, “Nơi ta không thuộc về”, “Hạnh phúc của mẹ”, “Hai Phượng”, “Hợp đồng bán mình”, “Thưa mẹ con đi”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”.
Trong đó: “Nơi ta không thuộc về” (Điện ảnh Quân đội), “Hợp đồng bán mình” (Công ty CP phim Giải Phóng) và “Truyền thuyết về Quán Tiên” (Nhà nước tài trợ 70% kinh phí) đánh dấu sự trở lại của dòng phim Nhà nước sau thời gian dài vắng bóng.
9 phim khoa học gồm: “Vượn đen má vàng”, “Ô nhiễm nhựa ở biển”, “Cuộc chiến chống đại dịch SARS” (Ban Khoa giáo - VTV); “Ghép tạng, Giám định ADN trong nhận dạng liệt sĩ” (Điện ảnh Quân đội nhân dân); “Trầm cảm sau sinh”, “Cây trồng biến đổi gen”, “Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên”, “Tài nguyên thứ sinh” (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học TƯ).
20 phim hoạt hình gồm: “Nước đầu nguồn”, “Tàn thể tiền truyện” (C16), “Ngôi sao xanh kỳ lạ”, “Người anh hùng áo vải”, “Quả chín lìa cành”, “Hóa rồng”, “Tắc kè phá án”; “Cóc con Bitus”, “Sắc màu những ô cửa”, “Đôi cánh thiên thần”, “Siêu nhân đất sét”, “Hải Âu bé bỏng”, “Tia chớp nông nổi”, “Chiếc xe đạp bay”, “Bí mật của những đứa trẻ”, “Chú chó cứu hỏa”, “Vầng sáng ấm áp”, “Bí mật hang Duôn”, “Chim ưng và Rái cá”, “Truyền thuyết thác Pongour”.
Ban giám khảo hạng mục Phim truyện điện ảnh có: PGS.TS Trần Luân Kim - nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam; Đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên Trương Ngọc Ánh; Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm; Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng; Nhà báo Hữu Việt; Đạo diễn Lê Thanh Sơn; Nhạc sĩ, NSND Trọng Đài; Họa sĩ, NSƯT Nguyễn Trung Phan; Nhà quay phim Nguyễn Nam.
Ở hạng mục Phim tài liệu - Khoa học, Ban giám khảo gồm: Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương; Nhà báo Trần Việt Văn; Nhà báo Đinh Trọng Tuấn; Đạo diễn, NSƯT Vũ Hoài Nam; Nhà biên kịch Nguyễn Thu Dung; Đạo diễn, nhà báo Tô Hoàng; Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Tường Phương.
Ban giám khảo hạng mục Phim hoạt hình gồm: Đạo diễn, NSND Nguyễn Thị Phương Hoa; ThS Nguyễn Quang Trung; Nhạc sĩ, NSND Phạm Ngọc Khôi; Nhà báo Chu Thu Hằng và Họa sĩ, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú.
Các diễn viên tranh tài ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc gồm: Nguyễn Ngọc Nga, Rima Thanh Vy, Đinh Ngọc Diệp, Hồng Ánh, Hoàng Yến Chibi, Bích Ngọc, Khả Ngân, Miu Lê, Katleen Phan Võ, Tú Trinh, Ninh Dương Lan Ngọc, Kim Tuyến, Cát Phượng, Ngô Thanh Vân, Phan Thị Hoàng Kim, Nguyễn Đình Hồng Đào, Đỗ Thúy Hằng.
Các diễn viên tranh tài ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc: Lương Mạnh Hải, Nhan Phúc Vinh, Quách Ngọc Ngoan, Tùng Maru, Liên Bỉnh Phát, Issac, Phạm Duy Thuận (Jun Phạm), Phạm Công Thành (Huyme), Mạc Văn Khoa, Huy Khánh, Hoàng Mèo, Jay Quân, Trấn Thành, Năng Tùng, Kiều Minh Tuấn, bé Huy Khang, Nguyễn Văn Lâm (Lâm Vissay), Hoàng Văn Thanh, Trần Việt Hoàng.
Việc tổ chức các hội thảo bên lề LHP là những chủ đề từng tổ chức trong các LHP trước đó tại Việt Nam, như vấn đề về bối cảnh quay phim; nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong thời kỳ hội nhập, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, chủ đề hội thảo tuy cũ nhưng tại liên hoan lần này có thể sẽ có thêm nhiều ý kiến mới có giá trị, giúp ích cho các đoàn làm phim trong nước và nước ngoài khi tìm kiếm bối cảnh quay tại Việt Nam.
Một điểm khác của LHPVN 21 là lễ khai mạc và bế mạc sẽ do VOV thực hiện, với vai trò là đối tác truyền thông. Sẽ không có đạo diễn như các năm mà do VOV thực hiện, đại diện VOV cũng cho biết, muốn giữ bí mật để gây bất ngờ cho khán giả tới phút cuối về nội dung chương trình. Nhưng lễ khai mạc và bế mạc đều hướng đến tiêu chí "Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam", nên sẽ thiên về phần kỹ xảo nhiều hơn. VOV cho biết do địa điểm tổ chức nằm trong khách sạn nên không đủ lớn để thực hiện các ý tưởng về sự hoành tráng, vì vậy, lễ khai mạc và lễ trao giải sẽ thực hiện thật gọn gàng nhưng đảm bảo sự hấp dẫn.
Lễ khai mạc và lễ bế mạc, trao giải sẽ được truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền hình, phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam (Truyền hình chuyên biệt Văn hóa - Du lịch - Vietnam Journey, VTC1, VTC3, VOV3)./.
Theo vov.vn