Phim Việt cần làm gì để hội nhập?

Thời gian gần đây, phim Việt đang có sự chuyển mình cả về số lượng và chất lượng.

 

 Không ít phim Việt đã thắng lớn tại các phòng vé cũng như đoạt giải cao ở các kỳ liên hoan phim quốc tế. Thế nhưng, để phim Việt có thể thoát khỏi “ao làng” thì còn nhiều vấn đề đặt ra.

Hội thảo “Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” nằm trong khuôn khổ Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21 đang diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (        từ ngày 23-27/11) đi tìm lời giải cho vấn đề này.

Những tín hiệu đáng mừng

Theo Cục Điện ảnh, trong những năm gần đây, việc đầu tư sản xuất phim ảnh đã thể hiện sự chuyên nghiệp, văn minh của đội ngũ làm điện ảnh. Trong 3 năm vừa qua, số lượng phim sản xuất và phát hành chiếu rạp có xu hướng tăng, chiếm khoảng 15% trong tổng số phim chiếu rạp. Doanh thu phim Việt cũng tăng đáng kể với con số 700 tỷ đồng trong 3.000 tỷ đồng tổng doanh thu phim chiếu rạp.

 Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, với đội ngũ sáng tác trẻ, đa dạng trong cách thể hiện, điện ảnh Việt Nam đang có những màu sắc mới, nhiều phim thương mại doanh thu cao bên cạnh một số phim được đánh giá tốt về tay nghề, kỹ thuật, kỹ xảo. Những tác phẩm điện ảnh của thế hệ sáng tác mới đã có những thành công được ghi nhận tại các liên hoan phim quốc tế.

Nhà văn, nhà phê bình phim Tô Hoàng đồng tình với ý kiến này và cho rằng, gần 10 năm trở lại đây, chúng ta cần ghi nhận những nỗ lực, những cố gắng của nhiều đạo diễn, quay phim của một thế hệ làm phim mới hướng tới việc làm cho những gì lạ, độc đáo, thuần chất Việt Nam xuất hiện trên màn ảnh. Những gương mặt trẻ trung, hồn nhiên của những cô gái Việt Nam được khắc hoạ khá thành công trong những bộ phim của các đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh. Các nhà quay phim Lý Quang Dũng, Nguyễn Nam bằng ống kính đã miêu tả sông suối, đồi núi, làng mạc, đô thị Việt Nam trong những khuôn hình, những góc máy vừa kết hợp được những hiện đại với chất thơ, chất dung dị, mộc mạc của riêng Việt Nam. Đặc biệt là nỗ lực đầy tâm huyết và sự táo bạo của nữ đạo diễn Ngô Thanh Vân trong một loạt phim của cô.

Áp lực từ phim ngoại

Dù ngày càng có nhiều phim Việt đạt doanh thu cao tại các rạp chiếu phim nhưng nhìn vào số lượng 40-50 phim ra đời mỗi năm thì những phim được khán giả chào đón còn rất khiêm tốn. Chỉ tính riêng trong năm 2019, 2/3 trong tổng số 30 bộ phim Việt ra rạp có chất lượng thấp, không thu hồi được vốn. Nguyên nhân là kịch bản cũ, kỹ thuật làm phim còn non kém.

Nhà báo Ngô Minh Nguyệt, Tổng Biên tập Tạp chí Điện ảnh Việt Nam cho rằng, hơn 200 đầu phim ngoại nhập về mỗi năm đặt ra áp lực lớn cho phim Việt. Nhiều phim Việt yếu về nguồn lực, kinh phí, công nghệ, kỹ xảo nên thua ngay trên sân nhà. Một thách thức nữa đến từ mạng lưới phát hành khi phần lớn hệ thống rạp lớn như CGV, Lotte cinema đang nằm trong tay các nhà phát hành ngoại. Tình trạng này làm các nhà sản xuất, nhà đầu tư chùn bước khi rủi ro từ thị trường khiến cho việc làm phim trở nên khó dự báo, chịu nhiều áp lực, khó khăn trong thu hồi vốn và tái sản xuất.

NSƯT, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng lo ngại, ngành điện ảnh đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng. 2 trường đại học lớn góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho điện ảnh là Trường Điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM chưa có nhiều cải tiến về chất lượng, thiếu những giáo trình, những giờ học thực tế để có thể đào tạo và cung cấp cho ngành điện ảnh nguồn nhân lực chất lượng. Hầu hết những nhà sản xuất phim có khả năng đều học nghề từ Mỹ, Anh, Singapore hoặc Hàn Quốc.

Những bộ phim của Ngô Thanh Vân được đánh giá cao

Đề cao bản sắc dân tộc

Nhà văn, nhà phê bình phim Tô Hoàng cho rằng, từ những trang điện ảnh trong quá khứ có thể rút ra bài học: bản sắc dân tộc trong phim ảnh không chỉ là phương tiện biểu đạt, mà cần được đào xới, khai thông, tìm tới những góc nhìn, sự cảm nhận, đánh giá khái quát hơn, hoàn chỉnh và sâu sắc hơn. Đồng tình với ý kiến này, NSND Trà Giang nhấn mạnh, muốn hội nhập quốc tế với bản sắc riêng khó lẫn của mình thì chỉ có một con đường duy nhất là làm phim về vẻ đẹp văn hóa và con người Việt Nam.

Để nâng cao chất lượng phim Việt và hội nhập quốc tế, đạo diễn Lê Thanh Sơn đề xuất, về phía quản lý phải nhanh chóng có những điều luật rõ ràng hơn để doanh nghiệp không cảm thấy khúc mắc, mạnh dạn đầu tư vốn lớn để nâng tầm cho bộ phim. Tiếp nữa là phải có những hiệp hội, nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi, sáng tạo của nghệ sĩ. Nhà nước phải thông thoáng hơn trong chính sách để thu hút các đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam quay phim giúp cho những người làm điện ảnh Việt Nam có dịp cọ sát, học hỏi những kinh nghiệm làm phim ở trình độ cao của thế giới.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng, khâu kiểm duyệt cần cởi mở hơn: “Rất nhiều đạo diễn, nhà làm phim hoàn thành những thước phim hay nhất gửi lên hội đồng duyệt phim, nhưng không phim nào không bị cắt, chỉnh sửa. Hội đồng duyệt phim cần có cái nhìn cởi mở hơn để nghệ sĩ được sáng tạo, mới mong có đột phá với những bộ phim xuất sắc, mới mẻ”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông chia sẻ, điện ảnh Việt nên tìm đường riêng cho mình, không nên chạy theo phong trào. Trong đó, bản sắc văn hóa dân tộc trong phim cần được đề cao và trên thực tế, điện ảnh thế giới cũng đã trải qua những bước như vậy.

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 lựa chọn được 104 bộ phim tham dự. Liên hoan sẽ trao các giải thưởng chính dành cho phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và giải thưởng dành cho cá nhân (đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên, họa sĩ, âm nhạc, âm thanh). Ngoài ra còn có giải bình chọn của khán giả, giải thưởng của các cơ quan, đoàn thể và tổ chức xã hội.

Theo ông Đông, lĩnh vực điện ảnh đang được nhà nước ưu tiên, chú trọng bổ sung về nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngành điện ảnh đang dẫn đầu trong việc đào tạo tại nước ngoài, so với các ngành nghệ thuật khác như âm nhạc, múa. Từ năm 2017 - 2026, Việt Nam sẽ đưa 930 tài năng ở các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, sang nước ngoài học tập. Trong năm 2019, Bộ VH-TT-DL đã đưa 10 người trẻ đi học điện ảnh tại Mỹ, 2 người đi Úc và 10 người đi Trung Quốc. Trong năm 2020 sẽ đưa 10 em nữa đi học điện ảnh (quay phim, đạo diễn…) tại Anh, Pháp, Canada./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận