Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21- LHPVN 21 khép lại với những Bông sen Vàng, Bông sen Bạc, được trao cho các tác phẩm, cùng những hội thảo, triển lãm và các cuộc giao lưu với khán giả thành phố biển Vũng Tàu phần nào đã phác họa diện mạo điện ảnh Việt Nam hiện tại… Mừng ít và lo vẫn nhiều…
Bông sen Vàng dành cho phim “Song Lang” của đạo diễn Leon Quang Lê (trước đó phim từng đoạt Cánh diều Bạc 2018, Ngôi sao xanh 2018, Phim xuất sắc Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh 2018 và hàng loạt giải thưởng quốc tế khác), không ngoài dự đoán của mọi người, và cho dù có một vài tranh cãi về nội dung phim thì đây là “Vàng” xứng đáng.
Những Bông sen Vàng của các thể loại khác của LHPVN 21 như phim Tài liệu, phim Hoạt hình đều được sự đồng thuận cao của Ban giám khảo, và giới nghề cũng đánh giá cao.
Liên hoan phim nhiều đổi mới
LHPVN 21 do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đổi mới ngay từ khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập” diễn ra từ ngày 23 đến 27/11/2019 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với mục tiêu biểu dương và giới thiệu đến công chúng các tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc; vinh danh các nghệ sĩ điện ảnh có thành quả nghệ thuật nổi bật
Với sự tham gia tranh giải Bông sen Vàng của 16 phim truyện điện ảnh trong đó có 4 phim của các hãng phim Nhà nước và phim Nhà nước “góp vốn 70%”, 29 phim tài liệu, 20 phim hoạt hình và 9 phim khoa học, được xem như là một thành công của LHPVN 21, cho dù số phim tham dự, nhất là với phim truyện điện ảnh vẫn chưa thể hiện hết tiềm lực của Điện ảnh Việt Nam.
Lễ khai mạc với kịch bản và tổ chức thực hiện là VOV- VTC là một sự mới mẻ mang đến khán giả ấn tượng bởi kết hợp công nghệ làm hình nền mình họa cho các tiết mục nghệ thuật, tạo sự liên tưởng về sự năng động trong điện ảnh Việt Nam thời 4.0.
Điểm mới gây ấn tượng mạnh với khán giả yêu điện ảnh Việt Nam và nhân dân TP Vũng Tàu, chính là cuộc triển lãm “Biển đảo Việt Nam qua góc nhìn điện ảnh” của Viện phim Việt Nam, mang đến cơ hội được chiêm ngưỡng gần như toàn bộ những hình ảnh tuyệt đẹp về biển đảo Việt Nam trong các bộ phim điện ảnh Việt đã để lại dấu ấn mấy chục năm qua. Chưa kể bên cạnh đó còn có cuộc trưng bày các máy quay phim, chiếu phim “xưa” của các Hãng phim Giải phóng, Hãng phim truyện Việt Nam, Hãng phim Tài liệu- Khoa họa Trung ương…
Hai cuộc hội thảo đều mang tính thời sự: “Bối cảnh quay phim tại Việt Nam” và “Nâng cao chất lượng điện ảnh Việt Nam trong hội nhập quốc tế”, giúp các nghệ sĩ, nhà quản lý và công chúng hiểu thêm về điện ảnh Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng như nhìn nhận những nền tảng, cơ hội và cả thách thức trong việc hội nhập với sân chơi điện ảnh quốc tế.
Tham luận của Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế- Bộ VHTTDL Trần Nhất Hoàng khá “nóng” với đại biều tham gia hội thảo “Bối cảnh quay phim tại Việt Nam” bằng những hình ảnh slide, clip sinh động để nói về những cơ hội và thách thức trong việc xây dựng Việt Nam thành phim trường quốc tế cũng như biến phim trường thành địa điểm du lịch thu hút khách. Đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để giải quyết các vần đề còn khúc mắc.
Ở cuộc hội thảo “Nâng cao chất lượng điện ảnh Việt Nam trong hội nhập quốc tế”, tham luận của nhà báo Trần Việt Văn - báo Lao động, là thành viên giám khảo hạng mục phim Tài liệu - Khoa học, cũng đặt ra những vấn đề rất thiết thực cho ĐAVN: Hội nhập với điện ảnh đương đại thế giới hay đường ra biển lớn luôn là khát khao của các nhà làm phim Việt hiện nay, nhưng ra bằng đường nào và cách nào?
Phải chăng cứ phim mang nội dung càng sex, càng bạo lực, càng lạ, không mang hồn cốt Việt truyền thống, và nếu lồng vào đó những ý tưởng phản kháng chế độ, phản biện xã hội thì càng dễ đươc khen, như với các đạo diễn trẻ, gần nhất là hai phim “Người vợ ba”, “Ròm” là minh chứng.
Thành phần các Ban giám khảo của LHPVN 21 đã thấy trẻ hóa khá nhiều, đặc biệt là sự xuất hiện của các nhà báo kỳ cựu có uy tín nghề như: Trần Hữu Việt, Trần Việt Văn, Chu Thu Hằng, cho thấy LHPVN 21 đang có xu thế mở rộng và lan tỏa trên các kênh truyền thông. Cũng như trong thành phần giám khảo còn có mặt các thành viên là giáo viên chuyên ngành trong các trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh, để việc “thẩm định” chấm giải mang tính chuyên nghiệp cao.
Phim tham dự cho thấy đề cập đa dạng các dề tài, và cả những đề tài có tính nhạy cảm như đồng tính trong phim Truyện, đề tài chủ quyền biền đảo trong phim Tài liệu, hay mở rộng vấn đề toàn cầu đang nóng về môi trường với phim Khoa học, hay nhiều chủ đề với nhiều câu chuyện từ lịch sử truyền thống - khám phá công nghệ cao - tình yêu với thiên nhiên … , nhiều câu chuyện mang tính hiện thực đương đại trong phim Hoạt hình.
Phim truyện điện ảnh có chất lượng kỹ thuật cao tiến tới các chuẩn điện ảnh quốc tế. Phim tài liệu - khoa học cũng đã có nhiều tác phẩm tiếp cận xu hướng làm phim tài liệu của nước ngoài. Phim hoạt hình trong LHPVN 21 là một sự tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là về kỹ thuật kỹ xảo hoạt hình, đã áp dụng các công nghệ làm phim hoạt hình tiên tiến của thế giới, và vẽ tay cũng nâng đến tầm tinh tế tinh xảo chi tiết, hình ảnh bắt mắt, màu sắc đẹp, có thể so vói phim hoạt hình nước ngoài.
Nhưng vẫn mừng ít lo nhiều
Lễ bế mạc và trao giải LHPVN 21 đã khép lại, và không phải những Bông sen Vàng, Bông sen Bạc đã thật sự lấp lánh đúng chất “Vàng”, chất “Bạc” về mọi mặt, để có thể vững tin rằng điện ảnh Việt Nam đang phát triển, đang khởi sắc, hay đang tiệm cận với điện ảnh thế giới.
Phim Truyện điện ảnh là tấm gương phản ánh rõ nhất sự phát triển của điện ảnh quốc gia. 16 phim truyện điện ảnh đủ tư cách tham dự giải là con số quá khiêm tốn nếu nhìn vào danh mục phim sản xuất và ra rạp khoảng 70 phim trong hai năm 2018-2019. Và như Trưởng ban giám khảo phim truyện điện ảnh Trần Luân Kim thì vẫn thấy rõ ba nhóm: Tốt- trung bình- kém, vì thế cuộc đua tranh Bông sen Vàng không hề có tính quyết liệt giữa các phim.
Nhìn vào phim đoạt Bông sen Vàng - Bông sen Bạc, thấy rõ sự áp đảo của dòng phim thị trường, và ngay Bông sen Bạc cho phim Nhà nước bỏ vốn 70% , được gọi là phim “nghệ thuật” đề tài chiến tranh, thì đây cũng là một phim Bông sen Bạc hơi kém màu, bởi có rất nhiều lỗi trong phim để thấy đạo diễn vẫn còn yếu kinh nghiệm hay quá sức với những đề tài mang tính truyền thống- lịch sử.
Và qua đó thấy điểm yếu nhất hiện nay của phim điện ảnh Việt là kịch bản, đề tài, cách xác định và thể hiện vấn đề, cách kể chuyện, cách phản ánh nhân vật sao cho giống thực nhất đang là vấn đề lớn nhất mà Điện ảnh Việt phải đối mặt.
Phim Hoạt hình dù đã rất tiến bộ về kỹ thuật tạo hình, về công nghệ làm phim, nhưng nội dung phim vẫn chưa có nhiều đổi mới, vẫn bị lặp lại nhiều cầu chuyện đến nhàm chán, cách kể chuyện chưa sáng tạo nên độ hấp dẫn yếu.
Phim Tài liệu chưa có nhiều tác phẩm có tính đồi mới sáng tạo trong cách thề hiện, phong cách làm phim cũ vẫn chiếm tỉ lệ cao trong số phim tham dự, như: Áp đặt nhân vật “diễn” quá nhiều, thuyết mình nhiều, câu chuyện lan man không điểm nhấn, hoặc sự kết nối trong câu chuyện rời rạc.
Với Phim khoa học thì tính khoa học có tính chất nghiên cứu, phát hiện, khám phá hay ứng dụng rất ít, mà gần như lẫn với phim tài liệu, nên súc thuyết phục chưa cao. Chưa kể cách thể hiện phim chưa hấp dẫn, đôi khi quá nặng nề, hình ảnh minh họa không nhiều trài nghiệm thực tế.
Nếu nhìn vào danh sách 20 phim hoạt hình, 9 phim khoa học và 29 phim tài liệu tham dự tranh giải năm nay có thể thấy đây vẫn là sân chơi của các hãng phim nhà nước quen thuộc như Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, Ban Khoa giáo - Đài Truyền hình Việt Nam, Điện ảnh Quân đội nhân dân... Điều đó cho thấy, việc xã hội hóa vẫn chưa chạm tới các thể loại này.
Hai cuộc hội thảo, vẫn là những chủ đề mà hàng chục cuộc hội thảo về điện ảnh Việt Nam trong mấy năm qua đề cập, nhưng tìm ra những tham luận đưa ra nhũng giải pháp cụ thể, có tính đồi mới, sáng tạo và thật sự được thực hiên ngay sau LHPVN 21 thì xem ra vẫn rất khó khăn, bởi không chỉ có ngành Điện ảnh Việt Nam, mà còn rất nhiều ngành liên quan, nhưng trong hội thảo thì không có mặt họ.
Một điểm khác trong khâu tổ chức, cho dù khi họp báo nói có trang Web của LHPVN 21, nhưng quả thật không ai vào đó để lấy thông tin vì không có thông tin gì. Hội thảo thì các bản tham luận cũng không được in ấn phát cho đại biểu. Sự kiện thảm đỏ chưa được trang trọng đúng ý nghĩa của thảm đỏ.
Nằm trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế trên nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh đó, điện ảnh Việt Nam đang được xây dựng hướng tới là một trong những ngành quan trọng, mũi nhọn trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hy vọng sau LHPVN 21, điện ảnh Việt Nam sẽ có nhiều biến chuyển tích cực sâu rộng, nâng cao vị thế điện ảnh Việt Nam với thế giới./.
Hoài Hương/VOV.VN