Cuối tháng 11/2019, Việt Nam vinh dự nhận danh hiệu Điểm đến du lịch di sản hàng đầu thế giới, và trước đó ít ngày, chúng ta có thêm một di sản nữa được UNESCO vinh danh - hát Then. Đây chính là những “tấm thiệp mừng” đẹp nhất cho lĩnh vực văn hóa - du lịch của Việt Nam trong những ngày cuối năm.
Những con số ấn tượng
Năm 2019 là năm thành công của du lịch Việt Nam với những giải thưởng du lịch lớn giúp Việt Nam thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới. Trong đó, danh hiệu “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019” được trao cho Việt Nam tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới lần thứ 26 (World Travel Awards - WTA) diễn ra cuối tháng 11/2019 là dấu son đẹp nhất trong năm, khẳng định những thành công của ngành du lịch.
Điểm lại những thành tựu năm 2019, du lịch Việt Nam không chỉ được ghi nhận ở khu vực châu Á, mà hình ảnh Việt Nam đã được ghi dấu đậm nét trên bản đồ du lịch thế giới với hàng loạt danh hiệu. Ngoài ra là hàng chục giải thưởng quốc tế khác dành cho các hãng hàng không, lữ hành, doanh nghiệp du lịch, khách sạn, resort và các công trình, điểm đến du lịch trên cả nước...
Lần đầu tiên du lịch Việt Nam được nhận giải thưởng tầm cỡ thế giới với hai danh hiệu: Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019 và Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019. Đặc biệt, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp du lịch Việt Nam đạt được danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á, và là năm thứ ba liên tiếp đạt được danh hiệu Điểm đến Golf tốt nhất châu Á. Ngoài ra, lần đầu tiên ẩm thực Việt Nam được công nhận và ghi danh “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019”.
Theo Tổng cục thống kê, trong 10 tháng của năm 2019, Việt Nam đón tổng cộng gần 14,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 10/2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cao kỷ lục từ trước đến nay, đạt 1,62 triệu lượt khách, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương - PATA, tính đến hết quý III năm 2019, Việt Nam đứng thứ 10 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đón khách cao nhất châu Á - Thái Bình Dương và vượt qua Indonesia, đứng vị trí thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Việc Việt Nam được công nhận, tôn vinh bằng các giải thưởng du lịch thế giới cùng những con số phát triển ấn tượng trong năm 2019 chính là những tín hiệu đầy khả quan, là cơ hội mở ra nhiều hợp tác cho ngành du lịch Việt Nam thời gian tới. Trong đó, di sản, ẩm thực và Golf đã được thế giới công nhận, là những sản phẩm du lịch mới, và là thế mạnh đặc thù để du lịch Việt Nam tập trung phát triển.
Di sản là nguồn lực tạo cơ hội phát triển
Di sản văn hóa là nguồn tài nguyên quý báu, góp phần làm nên thương hiệu, hình ảnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Đất nước ta được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan, di sản có giá trị, cùng với sự đa dạng văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc anh em trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Chính những di sản văn hóa, thiên nhiên vô cùng quý giá đã góp phần đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, thu hút đông đảo du khách đến nước ta.
Việc Việt Nam nhận danh hiệu “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019” chính là sự khẳng định vai trò của việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Để có được thành công của ngành du lịch, không thể không nói đến việc bảo tồn, khai thác giá trị di sản.
“Tài nguyên thiên nhiên và văn hóa có giá trị rất lớn, quyết định thành công của các điểm đến du lịch trên thế giới nói chung và ở Việt Nam cũng vậy. Trong giai đoạn toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, việc Việt Nam có thêm nhiều di sản được UNESCO công nhận và vinh danh là một lợi thế lớn cho phát triển du lịch. Xu hướng du lịch mới toàn cầu là trải nghiệm những giá trị mới, khác biệt, nguyên sơ, đặc sắc. Cũng bởi vậy, những di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản tư liệu... có sức hút mạnh mẽ đối với du khách.
Chúng ta có quyền tự hào về bề dày lịch sử ngàn đời của đất nước với 54 dân tộc anh em đã để lại cho hôm nay một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, vô cùng phong phú, đa dạng và độc đáo. Đến năm 2018, chúng ta đã có 24 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên được UNESCO vinh danh là di sản thế giới; trong đó có 8 di sản thiên nhiên và di sản văn hóa vật thể; 12 di sản văn hóa phi vật thể; và 4 di sản tư liệu. Năm 2019, thực hành hát Then chính thức được UNESCO vinh danh, nâng số lượng các di sản của Việt Nam được UNESCO công nhận lên 25. Cùng với đó là hàng vạn di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được công nhận di sản quốc gia. Đây là nguồn tài nguyên quý giá cho du lịch Việt Nam trong tương lai.
Vẫn còn những mối lo
Tuy du lịch tạo ra nhiều lợi ích cho mỗi địa phương nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, du lịch phát triển nhanh chóng mà không tuân theo quy hoạch, hướng tới phát triển bền vững sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, thậm chí có những tác động tiêu cực tới di sản văn hóa, thiên nhiên, cảnh quan môi trường.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, TS. Hà Văn Siêu: Trong xu hướng du lịch tăng trưởng mạnh như hiện nay, đặc biệt là du lịch đại trà đã và đang tác động tiêu cực tới di sản văn hóa. Do tính chất nhạy cảm và dễ bị tổn thương của di sản mà quá trình vận động du lịch ồ ạt thiếu kiểm soát ở nhiều nơi, đặc biệt là ở những di sản nổi tiếng của nước ta đang có hiện tượng bị khai thác thương mại hóa quá mức, quá tải về khách, lạm dụng di sản, phục dựng sai quy cách, làm mới di sản… làm cho di sản nhanh xuống cấp, méo mó, nhạt nhòa giá trị… Hệ lụy của việc phát triển du lịch di sản thiếu kiểm soát, thiếu bền vững đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới tính nguyên vẹn của di sản.
“Công trình Cầu xuyên lõi Di sản danh thắng Tràng An trên núi Cái Hạ, hay mới đây là công trình Panorama trên đèo Mã Pí Lèng, thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là những hình ảnh xấu liên quan đến công tác bảo tồn và khai thác giá trị di sản, đi ngược lại mục tiêu bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững. Bảo tồn di sản mà không đem lại lợi ích cho cộng đồng thì việc bảo tồn sẽ không bền vững. Nhưng khai thác mà bất chấp việc giữ gìn di sản sẽ tự đánh mất tài nguyên”, TS. Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Các địa phương cần có các hoạt động thiết thực nhằm khai thác di sản, văn hóa hướng tới phát triển du lịch bền vững. Điều quan trọng vẫn là tạo ra nhận thức, hành động đúng đắn từ mỗi người dân bản địa nơi khai thác di sản văn hóa phát triển du lịch. Khi đó, bản thân mỗi người dân, cộng đồng sẽ có cách ứng xử phù hợp với di sản; kiểm soát sức chứa, loại hình hoạt động để bảo vệ hệ sinh thái tại di sản; gắn lợi ích của cộng đồng địa phương với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản./.
“Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn với số lượng những di sản thiên nhiên, văn hóa… được thế giới công nhận. Chính việc bảo tồn, quảng bá hình ảnh và khai thác tốt các giá trị di sản là yếu tố chính, quyết định vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới trong những năm qua”. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch |