Đây là một hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2020), 15 năm Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2020). Sự kiện do Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ VHTTDL và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức.
Theo Ban tổ chức, Liên hoan năm nay không chỉ tăng về quy mô, số lượng tác phẩm tham dự mà còn có sự đa dạng về thể loại, trong đó có chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói. Liên hoan thu hút các đơn vị sân khấu công lập, ngoài công lập với 27 đoàn nghệ thuật trên cả nước. 35 vở diễn được đầu tư dàn dựng khá công phu, tỉ mỉ, với mong muốn sẽ góp phần đem lại những sắc màu sân khấu nghệ thuật tươi mới, nhiều cung bậc cảm xúc, hấp dẫn tại liên hoan.
Các vở diễn ca ngợi truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân, ca ngợi người chiến sĩ công an trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Nhiều vở diễn khai thác đề tài “nhạy cảm”, ủng hộ tinh thần Nghị quyết trung ương IV khóa 12 về tăng cường chỉnh đốn, xây dựng Đảng, xác định rõ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Bên cạnh đó, còn có vở diễn đi vào các vụ án đã được bóc gỡ, xây dựng, ca ngợi những chiến công của lực lượng công an trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng…
Theo Ban tổ chức Liên hoan, xét về kịch bản, năm nay, đề tài về phòng chống tội phạm ma túy có 11 kịch bản; Điều tra phá án có 12 kịch bản; Đấu tranh loại bỏ tiêu cực có 3 kịch bản; Chống tệ nạn xã hội có 3 kịch bản; Chống tham nhũng tiêu cục có 3 kịch bản; Đấu tranh với các thế lực phản động có 3 kịch bản; đề tài chính luận khác có 3 kịch bản. Trong số 35 tác phẩm, có 10 kịch bản mới ra đời từ trại sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 2/2019.
Cụ thể, ở thể loại chèo có 4 vở của 3 đoàn: Nhà hát Chèo Quân đội: “Hai mươi năm thù hận” (kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSND Doãn Hoàng Giang), “Ngày trở về” (kịch bản: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSND Nguyễn Quốc Trượng); Nhà hát Chèo Hưng Yên: “Tiếng chuông” (đạo diễn: NSƯT Lê Tuấn Cường); Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa: “Vụ án Am Bụt Mọc” (kịch bản: Nguyễn Thị Nguyệt, đạo diễn: NSND Trương Hải Thọ).
Thể loại Cải lương có 6 đoàn với 6 vở: “Bão ngầm” (Nhà hát Cải lương Việt Nam, đạo diễn NSND Hoàng Quỳnh Mai); “Đóa sen Việt” (Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, chuyển thể từ kịch bản “Hoa sen lửa” của Chu Thơm, đạo diễn: Lê Nguyễn Đạt); “Hồi sinh” (Đoàn Cải lương Hải Phòng, kịch bản: NSƯT Quế Anh, đạo diễn: NSƯT Lê Hải); “Giọt máu người yêu” (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Tiền Giang, kịch bản: Đăng Minh, đạo diễn: Võ Huỳnh Mơ); “Hoa thép” (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Long An - Đoàn Cải lương Long An, kịch bản: NSND Doãn Bằng, đạo diễn: NSƯT Hồ Ngọc Thịnh); “Nhân danh công lý” (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, kịch bản: Doãn Hoàng Giang, Võ Khắc Nghiêm, đạo diễn: Phan Quốc Kiệt).
Thể loại Dân ca kịch có 4 đoàn với 5 vở: “Chuyên án “Z1” (Hội Nghệ sĩ Sân khấu tỉnh Thừa Thiên Huế, kịch bản: Lê Mai Phương, đạo diễn: La Thanh Hùng); “Người thứ 13” (Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, kịch bản: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSND Lê Hùng); “Vụ án Am Bụt Mọc” (Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, kịch bản: Nguyễn Thị Nguyệt, đạo diễn: NSND Hồng Lựu); Ca kịch Huế - “Những đứa con thời loạn” (Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, kịch bản: Nguyễn Xuân Đức, đạo diễn: Nguyễn Ngọc Linh); Dân ca bài chòi “Cơn lốc” (Đoàn Ca kịch Quảng Nam, kịch bản: Nhà văn Hữu Ước, đạo diễn: NSND Giang Mạnh Hà).
Thể loại Kịch nói có nhiều tác phẩm, nhiều đoàn tham dự nhất (15 đoàn, 18 vở): “Búp bê không biết khóc” (Công ty TNHH Giải trí HERO FILM, kịch bản: Lê Thanh Tăng, đạo diễn: NSND Trần Kim Ngọc); “Bộ cảnh phục” (Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, kịch bản: Đỗ Đức Trung, NSƯT: Sĩ Tiến); Sân khấu Lệ Ngọc 2 vở: “Hoa sen lửa” (kịch bản: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Lê Hùng), “Tình bạn và công lý” (kịch bản: Nguyễn Thị Nguyệt, đạo diễn: NSND Lê Hùng); “Lằn ranh” (Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh, kịch bản: Kiến Bình, đạo diễn: Trần Quý Bình), “Nữ cảnh sát SCB” (Nhà hát Kịch Việt Nam, kịch bản: Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: NSƯT Kiều Minh Hiếu), “Người thứ 13” (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, kịch bản: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: Phạm Huy Thục), Nhà hát Kịch nói Quân đội tham gia 2 vở: “Ngọn đèn trươc gió” (kịch bản: Thu Phong, đạo diễn: NSND Lê Hùng), “Lời xin lỗi muộn màng” (kịch bản: nhà văn Xuân Đức, đạo diễn: NSND Lê Hùng), “Tìm người trong bóng tối” (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn, kịch bản: Trọng Quang, đạo diễn: NSƯT Kim Cúc), “Hải âu trắng” (Đoàn Kịch nói Nam Định, kịch bản: Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn: NSƯT Đào Quang), “Vụ án Am Bụt Mọc” (Trung tâm Sân khấu và phát triển Hà Nội, kịch bản: Nguyễn Thị Nguyệt, đạo diễn: NSƯT Bùi Như Lai), “Tái sinh” (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, kịch bản: Nguyễn Toàn Thắng, đạo diễn: NSƯT: Bùi Như Lai), “Nhật ký kẻ tử tù” (Trung tâm Bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam, kịch bản: Hữu Ước, đạo diễn: NSND Lê Hùng).
Nhà hát Công an Nhân dân tham gia 2 vở: “Vẫn sống” (kịch bản: Phạm Quyền, đạo diễn: NSND Lê Hùng), “Chuyên án Z5” (kịch bản: Thượng Luyến, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu), “Kẻ trộm” (Nhà hát Kịch Hà Nội, kịch bản; Lê Quý Hiền, đạo diễn: NSƯT Thu Hạnh), “Ai ngoại phạm” (Nhà hát Trịnh Kim Chi, kịch bản: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: NSƯT Trịnh Kim Chi).
Trong khuôn khổ các hoạt động của Liên hoan còn có tọa đàm, trao đổi về chủ đề hình tượng người chiến sĩ Công an trong lĩnh vực nghệ thuật./.
Theo VOV.VN